
Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Bộ Tư pháp, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về chính quyền địa phương, dự kiến bỏ đơn vị hành chính cấp huyện.
Chính quyền địa phương sẽ tổ chức thành 2 cấp gồm cấp tỉnh và cấp dưới cấp tỉnh; sắp xếp, tinh gọn các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Trong khi đó, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương (cấp tỉnh và cấp huyện) nên không còn phù hợp với chủ trương sắp xếp bỏ đơn vị hành chính cấp huyện. Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung vào luật
Theo Bộ Tư pháp, dự thảo luật bổ sung quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã để phù hợp với yêu cầu tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay để hình thành các đơn vị hành chính cấp xã (mới) gồm: xã, phường và đặc khu ở hải đảo để phù hợp với mô hình tổ chức mới.
Ngoài ra, dự thảo luật thay thế quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã để phù hợp với chủ trương đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp. Từ đó khắc phục triệt để sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương.
Cụ thể, dự thảo luật quy định: “HĐND cấp xã ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. UBND cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao; phân cấp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp”.
Dự thảo luật bổ sung quy định nghị quyết của HĐND, UBND cấp huyện được ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ của cơ quan, người có thẩm quyền.
Đối với việc xử lý văn bản của chính quyền địa phương cấp huyện, dự thảo luật quy định HĐND cấp tỉnh bãi bỏ nghị quyết của HĐND cấp huyện; UBND cấp tỉnh bãi bỏ quyết định của UBND cấp huyện theo lộ trình chậm nhất 2 năm kể từ ngày luật có hiệu lực bãi bỏ toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện.
Việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện được thực hiện bằng 2 hình thức, một là HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh tự bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của HĐND cấp huyện, UBND cấp huyện; hai là HĐND, UBND cấp xã khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật đồng thời đề xuất HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan do HĐND, UBND cấp huyện ban hành.
Bộ Tư pháp cũng cho rằng cần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương theo hướng: Cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên cơ sở, vượt quá năng lực giải quyết của cơ sở, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất trên toàn cấp tỉnh.
Cấp xã là cấp tổ chức thực hiện chính sách (từ Trung ương và cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn; các nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp xã.
Do dự kiến sẽ không còn tổ chức cấp huyện, nên dự thảo luật sẽ bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện.