Đề xuất giảm mức phạt nồng độ cồn liệu có làm tăng vi phạm?

Văn Ngân/VOV.VN | 10/08/2024, 10:10

VOVLIVE - Theo các chuyên gia, đề xuất giảm mức phạt nồng độ cồn phù hợp với thực tiễn cuộc sống, mang tính nhân văn, phù hợp hơn với phong tục tập quán và điều kiện kinh tế của đại đa số người dân lao động.

Dù phạt nặng nhưng ý thức chấp hành quy định của một bộ phận người dân chưa thực sự tốt

Bộ Công an vừa dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trong đó đề xuất hạ mức phạt tiền đối với những tài xế có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/lít khí thở. Với ô tô, phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000 đồng, thấp hơn so với trước đây, bị phạt 6-8 triệu đồng. Với xe máy, hiện nay có mức vi phạm bị phạt 3-5 triệu đồng, Bộ Công an đề xuất phạt từ 800.000 đến 1.000.000 đồng.

Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, phải phạt cao để sợ mà không dám vi phạm nồng độ cồn. Lo ngại, nếu hạ mức phạt xuống sẽ có nhiều người xem thường, lại lái xe sau khi uống rượu bia, tai nạn giao thông tăng trở lại... Cũng có nhiều ý kiến đồng tình với dự thảo quy định nêu trên của Bộ Công an, vì phù hợp với thực tiễn cuộc sống, mang tính nhân văn, phù hợp hơn với phong tục tập quán và điều kiện kinh tế của đại đa số người dân lao động.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) cho biết, khi soạn thảo dự thảo Nghị định, quá trình nghiên cứu Bộ Công an đã tiếp thu những ý kiến tham gia đóng góp của các Bộ, ngành: "Có nhiều ý kiến đưa ra giảm mức phạt với trường hợp vi phạm trên". Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, một người đàn ông khỏe mạnh uống một ly rượu thì trong vòng một tiếng đồng hồ, đo được dưới ngưỡng 0,25 miligam/lít khí thở. Do đó, Bộ Công an cũng lấy tham khảo, tiếp thu từ khuyến cáo này.

"Tuy nhiên, khi đề xuất giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn dưới mức 0,25 miligam/lit khí thở được đưa ra, có nhiều ý kiến đồng tình song cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần giữ nguyên mức phạt cũ như trước đây tại Nghị định 100, với nhiều lý do. Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đã đi vào nề nếp trong 2 năm qua, tạo được thói quen cho người dân về việc chấp hành luật an toàn giao thông không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện. Ví dụ như về việc đội mũ bảo hiểm của người dân trong 10 năm qua, hiện nay việc xử lý nồng độ cồn cũng đã tạo thói quen cho người dân đã sử dụng rượu bia là không lái xe. Việc này đảm bảo an toàn cho chính người dân và những người tham gia giao thông khác", Đại tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ.

Trong khi đó, theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Nghị định 100 có hiệu lực, thi hành từ năm 2020, sau đó Việt Nam trải qua đại dịch COVID-19 trong vòng 2 năm. Đến năm 2023, chúng ta tiếp tục xử lý đối với những người vi phạm nồng độ cồn. Trong suốt 2 năm qua, lực lượng chức năng đã duy trì được kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn một cách thường xuyên và mang lại hiệu quả, tạo được thói quen đã uống rượu, bia không lái xe.

"Dù đã xử phạt nặng, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng vẫn xử phạt hơn 500.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn, trong đó trên 90% trường hợp là người điều khiển xe máy. Điều đó cho thấy, ý thức chấp hành quy định của một bộ phận người dân chưa thực sự đi vào nề nếp. Thực tế qua tuần tra, kiểm soát cho thấy ở các đô thị lớn, người điều khiển ô tô và một số người điều khiển xe máy đã không dám uống rượu, bia. Tuy nhiên ở các vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người dân điều khiển xe máy vẫn còn vi phạm nồng độ cồn. Những ý kiến này lo ngại việc giảm tiền phạt có thể khuyến khích người dân uống rượu bia khi lái xe, dẫn đến tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Thời gian tới Bộ Công an sẽ tổ chức hội thảo, tiếp tục tiếp thu các ý kiến để xây dựng dự thảo nghị định trình Chính phủ quyết định", Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết.

Giảm mức phạt tiền vi phạm nồng độ cồn, có tính nhân văn rất cao

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, trong nhóm vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu, có người uống 1 chén rượu sau 3 giờ đã hết cồn trong hơi thở nhưng có người thì vẫn còn. Điều này tùy thuộc vào khả năng đào thải cồn của mỗi người. Ngoài ra, còn có các loại rượu mạnh hoặc nhẹ khác nhau, có trường hợp cồn nội sinh... nên những người vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu không phải ai cũng cố tình vi phạm.

"Nhóm người vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu thì nguy cơ gây tai nạn rất thấp. Do đó, mức xử phạt ở nhóm này nên giảm. Chúng ta không nên quy định mức phạt cao với nhóm này vì gây phản ứng trong xã hội. Tôi rất đồng tình với đề xuất của Bộ Công an khi đưa ra mức xử phạt mới đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu”, Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.

Theo Nguyễn Văn Quyền, nếu để mức xử phạt cao quá, nhất là đối với các trường hợp đi xe cũ, giá trị không cao, người ta sẵn sàng bỏ lại phương tiện. Điều này gây ra hệ quả, lãng phí xã hội rất lớn. Phương tiện sẽ bị dồn về các bãi xe, việc xử lý bán đấu giá cũng không kịp với việc dồn ứ đó.

TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng: "Lần đầu tiên trong “lịch sử” biên soạn nghị định liên quan đến xử phạt, có đề xuất đến việc giảm mức phạt tiền, có tính nhân văn rất cao. Đây là bước ngoặt trong công tác quản lý an toàn giao thông mà Bộ Công an đề ra. Mức phạt trước đó tôi thấy trăn trở, vì thế việc đề xuất như hiện tại, tôi ủng hộ. Mức phạt với nồng độ cồn dưới 0,25 miligam/lít khí thở là hợp lý".

Trong khi đó, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, mỗi chính sách ra đời cần gắn với thời điểm nhất định. Đối với quy định xử phạt nồng độ cồn hiện hành được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, quy định này ra đời trong bối cảnh các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn ở mức rất cao.

"Do đó, chúng ta cần phải có chính sách đủ mạnh tác động thẳng vào tâm lý thói quen lạm dụng bia rượu tồn tại lâu đời trong xã hội Việt Nam. Nhìn ở góc độ này, Nghị định 100 đã có tác động rất tích cực. Tại các bữa tiệc, người dân đã tự nhắc nhau không uống rượu bia để tránh bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Khi người dân dần hình thành tâm lý, thói quen cũng là lúc các chính sách đi vào ổn định. Thời điểm sau khi ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông thì quy định xử phạt nồng độ cồn giảm xuống là hợp lý", Luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm.

Bài liên quan
Áp dụng Nghị định 168: Người dân nghiêm túc chấp hành, tai nạn giảm
Theo Cục CSGT (Bộ Công an), sau 15 ngày áp dụng Nghị định 168/2024, ý thức chấp hành luật giao thông của người dân đã được cải thiện rõ rệt và tình hình tai nạn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn cảnh Lễ đón Thủ tướng Nga thăm chính thức Việt Nam
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sang thăm chính thức Việt Nam.
  • TP.HCM xếp thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí
    Sáng sớm 14/1, TP.HCM tiếp tục xuất hiện sương mù dày đặc, chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu, có lúc ở vị trí thứ 2 thế giới.
  • Chế độ nghỉ hưu trước tuổi từ 1/1/2025
    Điều 2 Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 quy định cụ thể chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng như sau.
  • Thông tư mới về dạy thêm học thêm: "Quản chứ không cấm"
    Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Mới nhất