Đề xuất “bêu tên” nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm quảng cáo

Chu Đức/VOV-Giao thông | 21/04/2025, 18:25

Dự luật sửa đổi Luật Quảng cáo đã có thêm nhiều quy định liên quan hợp đồng ràng buộc trách nhiệm giữa bên cung cấp dịch vụ với người nhận quảng cáo, người quảng cáo chia sẻ trải nghiệm sản phẩm cần chứng minh việc đã sử dụng thực tế.

Tuy nhiên, trong quá trình chờ Dự luật được thông qua, nhiều vụ việc quảng cáo sai sự thật, phóng đại, thậm chí quảng cáo hàng giả đã bị phanh phui.

Nhiều ý kiến đề xuất cần công khai danh sách các nghệ sĩ, người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng đã vi phạm quảng cáo để răn đe và nâng cao ý thức, trách nhiệm khi nhận lời quảng cáo. Xung quanh nội dung này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia truyền thông Nguyễn Cao Cường.

PV: Ông có quan điểm thế nào về đề xuất “bêu tên” những nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm quảng cáo, sau một loạt những vụ việc chấn động vừa qua?

Ông Nguyễn Cao Cường: Tôi cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, người tiêu dùng không có đủ thông tin. Do vậy, nếu cơ quan quản lý nhà nước công bố những trường hợp nghệ sĩ đang tham gia quảng bá sản phẩm sai sự thật, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, thì theo tôi là nên.

Việc công bố như vậy để công chúng có thêm thông tin, không lựa chọn những sản phẩm độc hại với họ.

PV:Một trong những lý do các nghệ sĩ hay đưa ra, đó là họ không có ekip kiểm tra chất lượng tự công bố của bên cung cấp dịch vụ, đặt quảng cáo, họ cho rằng mình chỉ là người đọc và làm theo kịch bản. Lời giải thích như vậy cần nhìn nhận ra sao?

Ông Nguyễn Cao Cường: Hiện nay, với những người nổi tiếng nói chung chưa có quy định nào với hành vi như thế. Nhưng với ngành y dược, đã có quy định các bác sĩ, nhân viên y tế không được tham gia quảng cáo cho các sản phẩm. Bởi hình ảnh người bác sĩ rất uy tín, là chuyên gia về sức khỏe.

Có lẽ, những lĩnh vực khác, như người nổi tiếng có sức ảnh hưởng đến công chúng, cơ quan chức năng cần quy định cụ thể như vậy. Không thể để tình trạng "tôi chỉ biết đọc theo kịch bản", đó là sự thiếu trách nhiệm với công chúng.

Khi có các vấn đề phát sinh, ví dụ như hệ quả nào đấy, tốt nhất đưa nhau ra tòa. Căn cứ vào phán quyết của tòa án, sẽ nhận ra ngay ông có lợi dụng vị thế, uy tín của mình để quảng cáo sai sự thật. Nếu hàng hóa không đúng công bố, lúc đấy xử lý rất dễ.

PV: Vậy còn khâu thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm từ phía các cơ quan quản lý chuyên ngành? Khi thời gian qua các vụ việc chỉ vỡ lở sau khi đã vi phạm thời gian rất dài?

Ông Nguyễn Cao Cường: Đấy là công việc của họ, họ được nhận lương để làm. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, chúng ta thấy hầu như chả có ai quản lý. Họ chưa thực hiện đúng chức trách của mình. Có lẽ, cần xem, kiểm tra cả những cơ quan thanh tra như vậy nữa, thì niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm hàng hóa mới có thể khôi phục được.

PV:Cảm ơn chia sẻ của ông!

Bài liên quan
Bộ Y tế: Nhân viên y tế không được tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng
Bộ Y tế vừa gửi công văn đến các bệnh viện, trường đại học, yêu cầu quán triệt nhân viên y tế (kể cả người nghỉ hưu) không tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Chính phủ: Các đồng chí đã "luyện bước đi, rèn ý chí, nghìn người như một"
VOVLIVE - Chiều 19/4, tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, kiểm tra, động viên các thành phần quân đội, dân quân tự vệ tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Mới nhất