Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm ở trẻ, cha mẹ không được quên

01/04/2023, 18:20

Bác sĩ nêu dấu hiệu nhận biết và chăm sóc đúng cách khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Theo TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ bị ngộ độc thực phẩm sẽ có các dấu hiệu như đau bụng, buồn nôn, nôn trớ, tiêu chảy; trẻ ho, thở nhanh, khó thở, tím tái.

Trẻ cũng có thể co giật, run tay chân, run giật cơ (ở mặt, ngực, đùi, cánh tay), yếu cơ sau đó là liệt cơ. Nặng hơn có thể liệt cơ hô hấp, rối loạn nhịp tim hoặc hôn mê.

Khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc, cha mẹ phải chú ý kỹ xung quanh để tìm những vật có thể gây ngộ độc và liên hệ điện thoại đến bệnh viện để được hướng dẫn cách sơ cứu thích hợp. Khi đưa trẻ đến bệnh viện, phải đem theo những vật nghi ngờ gây ngộ độc.

Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm ở trẻ, cha mẹ không được quên - 1

Bệnh nhi bị ngộ độc thực phẩm được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Cách xử trí khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm

Khi thấy trẻ có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, cha mẹ nên gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng vận chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Trong khi chờ đợi vận chuyển đến cơ sở y tế, cha mẹ nên để trẻ nằm nghỉ và theo dõi tình trạng mất nước (khát, li bì, niêm mạc miệng mũi khô, tiểu ít…) của trẻ do ói mửa, tiêu chảy để đảm bảo bù nước cho đầy đủ.

Cho trẻ uống dung dịch oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải. Nếu trẻ sốt cao có thể dùng các thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol 10-15 mg/ kg/ lần x 4-6h/ lần (tối đa 0,5g/ lần và 2g/ngày).

Ngoài ra, cha mẹ cần tạm ngừng việc sử dụng thức ăn, thuốc nghi ngờ gây ngộ độc, giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, phân, chất nôn, thuốc đã dùng để đi xét nghiệm và báo ngay cho cơ quan y tế.

Chăm sóc trẻ sau ngộ độc thực phẩm

Chế độ ăn của trẻ

  • Cho trẻ ăn các món ăn loãng, mềm như súp, cháo, canh để đảm bảo dinh dưỡng và giúp trẻ dễ ăn hơn.
  • Không nên ép trẻ ăn quá nhiều trong một bữa, có thể chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày.
  • Cho trẻ ăn thêm sữa chua, rau xanh, hoa quả như chuối, táo để hỗ trợ tiêu hoá và tăng cường vitamin.
  • Khi nhận thấy trẻ bình thường trở lại, cha mẹ có thể cho trẻ ăn cơm, bánh và một số đồ ăn khác.
  • Tránh các thực phẩm gây khó tiêu và dễ kích thích gây buồn nôn như đồ chiên rán, thức ăn quá nhiều dầu mỡ. Không nên ăn các thực phẩm từ sữa động vật như bơ, phô mai, sữa…trong vài ngày do lúc này cơ thể trẻ khó dung nạp được lactose gây ra chứng đầy bụng, khó tiêu.

Uống nhiều nước

  • Cho trẻ uống nước bù điện giải đúng cách.
  • Có thể cho trẻ uống nước ép hoa quả để dễ uống hơn.
  • Không cho trẻ uống nước đá, các loại nước ngọt hoặc nước có ga.

Chế độ nghỉ ngơi 

  • Trẻ bị ngộ độc thức ăn cần được nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, tránh các vận động mạnh.
  • Cha mẹ tốt nhất nên cho trẻ ngủ sớm, ngủ đủ giấc.
  • Hạn chế tiếng ồn gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ.

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm 

  • Rửa tay sạch với xà phòng trước khi sử dụng đồ ăn uống.
  • Bảo quản đồ ăn thừa và các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh nếu chưa cần dùng đến.
  • Nấu thức ăn chín với nhiệt độ thích hợp và lưu trữ trong hộp sạch.
  • Không để trẻ ăn uống mà không có sự giám sát của người lớn.
  • Không sử dụng lại đồ ăn cũ có dấu hiệu bị hỏng. Kiểm tra kỹ thời hạn sử dụng của các thực phẩm đóng gói trước khi sử dụng.

Thanh Hải

Bài liên quan
15 học sinh ở An Giang bị ngộ độc thực phẩm do ăn kẹo không rõ nguồn gốc
Chiều 5/12, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết, 15 em học sinh lớp 7 Trường THCS thị trấn Núi Sập bị ngộ độc do ăn kẹo không rõ nguồn gốc.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Điều hành linh hoạt giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường
Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu điều hành linh hoạt, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
  • Hà Nội ùn tắc do hạ tầng "chới với" đuổi theo tốc độ tăng phương tiện cá nhân?
    Tốc độ phát triển hạ tầng giao thông hiện tăng 0,5%/năm, trong khi tốc độ phát triển phương tiện cá nhân tăng gấp 10 lần, từ 4-5%/năm. Do đó, việc xây dựng hạ tầng luôn "chới với đuổi theo” tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân, là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông ở Hà Nội.
  • Vụ học sinh ném dép vào cô giáo: Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo nhà trường
    Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng, sự việc này có thể xuất phát từ những mâu thuẫn, bất bình trong thời gian dài, hành động của học sinh như "giọt nước tràn ly". Trong sự việc này trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo nhà trường, công đoàn giáo dục tại nhà trường chưa kịp thời nắm bắt, giải tỏa để sự việc đi quá xa.
  • Giới báo chí ASEAN trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị tòa soạn số
    Sáng 7/12, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”, với sự tham dự của 7 đoàn đại biểu quốc tế đến từ Liên đoàn báo chí ASEAN, gồm Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore.
Mới nhất