"Ở Việt Nam hiện nay đang có xu hướng rất nhiều trường đại học mở ra trung tâm đào tạo về thiết bị chip. Tôi chỉ đặt một câu hỏi là chúng ta học về chip xong thì ai sẽ thuê chúng ta về thiết kế chip?" - đó là câu hỏi thẳng thắn của ông Lê Minh Quốc, kỹ sư MK Group, người có 42 năm kinh nghiệm trong ngành bán dẫn tại một sự kiện vừa qua ở Hà Nội. Được biết, ông Quốc cùng MK Group cũng đã góp phần vào việc đưa hàng chục triệu căn cước công dân gắn chip đến tay người Việt Nam.
Ông Quốc đặt câu hỏi trên với các trường đại học và cơ sở đào tạo, nhấn mạnh vui rằng nếu không có đầu ra cho nhân lực ngành bán dẫn, thì người học thiết kế chip ra có khi lại thành "lái xe công nghệ".
Để đảm bảo được đầu ra cho nguồn nhân lực chất lượng cao này, ông Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của định hướng trong giáo dục, hơn nữa còn phải đảm bảo đầu ra cho sinh viên với những đối tác có nhu cầu.
Cũng theo vị kỹ sư giàu kinh nghiệm, ít nhất trong 20 năm tới, ngành bán dẫn sẽ phụ thuộc mạnh vào khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa. Tuy nhiên, ông nhận định hiện nay xã hội chúng ta đang xem nhẹ khoa học cơ bản mà chỉ tập trung vào "công nghệ ăn xổi", chạy theo thị trường.
Đây là một điều đáng tiếc bởi lẽ sản phẩm công nghệ phụ thuộc vào vòng đời và tính thương mại hóa. Nếu sản phẩm ra đời mà không bán được, chắc chắn sẽ bị người khác thay thế. Nếu không có nền tảng là khoa học cơ bản dẫn dắt, mọi công nghệ sẽ chỉ là "lâu đài trên cát".
Chia sẻ về vấn đề trên, Ông Nguyễn Việt Hải - Giám đốc công nghệ Công ty SNS cho rằng Việt Nam vốn có tiềm năng lớn để thâm nhập ngành công nghiệp bán dẫn, ở chỗ nguồn nhân lực trẻ và nền tảng STEM tốt. Tuy nhiên, cần mau chóng nhận ra được thế mạnh của chúng ta và có định hướng tốt để tránh "thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào".
Đối với câu hỏi cơ hội nào cho người trẻ Việt Nam trong thị trường bán dẫn hiện nay, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Intel Việt Nam nhận định chúng ta phải chấp nhận rằng không có sự gắn kết 100% giữa cung và cầu trong đào tạo nhân lực bán dẫn, nhất là khi đây là một ngành cực kỳ mới. Tuy nhiên, nhân lực trẻ cần tập trung phát triển mạnh vào nền tảng công nghệ, kỹ thuật vì bán dẫn là một ngành rất rộng, phân hóa rất mạnh mẽ và miễn là có năng lực đáp ứng thì sẽ có cơ hội.
Ông Thắng cũng không quên nhấn mạnh vai trò cốt yếu của khoa học cơ bản trong đào tạo nhân lực. "Trong 10-15 năm nữa, giá trị của ngành khoa học cơ bản đối với tôi sẽ trở nên quan trọng hơn rất nhiều", ông nhấn mạnh và chia sẻ rằng thách thức của việc không đầu tư chính đáng vào các bộ môn này đang hiện hữu ngày càng lớn với mọi quốc gia, không chỉ Việt Nam.
Đồng tình với ý kiến này, ông Hải với vai trò là một người trực tiếp làm trong ngành chế tạo các thiết bị điện tử cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học cơ bản, tuy nhiên không quên nhắc nhở rằng đây là những ngành học khó, đào thải cao và cần nhiều nỗ lực.