Đêm hội Long Trì (của cố đạo diễn Hải Ninh, ra mắt năm 1989) là một trong những thành công lớn của điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới. Các nhà phê bình đánh giá đây là phim dã sử kinh điển nhất của thế kỷ XX.
Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, gồm 2 phần là Cầu hôn và Quả báo, kể về những mưu mô trong chốn cung đình, khi tuyên phi Đặng Thị Huệ (Lê Vân) được chúa Trịnh Sâm (Thế Anh) sủng ái, tìm đủ cách để thâu tóm quyền lực, dung túng cho em trai là Đặng Lân (Hoàng Thắng) làm càn. Bộ phim thành công khi khắc hoạ một xã hội rối ren, hỗn loạn khi triều đại của vua Lê chúa Trịnh suy tàn.
Ngoài nội dung lôi cuốn, loạt bối cảnh cổ trang được xây dựng công phu, yếu tố quan trọng khiến Đêm hội Long Trì được ghi danh vào hàng ngũ những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam là sự góp mặt của dàn diễn viên tuyệt đỉnh như: NSND Thế Anh, NSƯT Thu Hà, NSƯT Lê Vân, NSND Trịnh Thịnh, các nghệ sĩ Vũ Đình Thân, Hoàng Thắng... Sau nhiều năm, cuộc sống của các diễn viên trong phim vẫn luôn được công chúng quan tâm.
NSND Thế Anh (vai chúa Trịnh Sâm)
NSND Thế Anh là một trong những gương mặt gạo cội của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, cùng thời với những tên tuổi vàng Trà Giang, Như Quỳnh, Thanh Quý… Ông tốt nghiệp loại ưu khóa diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên năm 1964, sau đó về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương.
Trong sự nghiệp diễn xuất, NSND Thế Anh đã đạt không ít thành tựu ở cả mảng phim ảnh lẫn kịch nói. Thy[ì trẻ, ông nổi tiếng với vai Trung uý Phương trong phim đầu tay Nổi gió (1966). Năm 1977, NSND Thế Anh tiếp tục gây tiếng vang khi vào vai thanh niên nghiện hút trong tác phẩm Mối tình đầu. Để kỷ niệm hai vai diễn ấn tượng, ông đặt tên hai người con trai của mình là Thế Phương và Thế Duy.
Thế Anh được phong Nghệ sĩ Ưu tú năm 1984 và nhạn danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2001. Về già, ông vẫn đóng một số bộ phim truyền hình như Giao thời, Dốc tình, Hoa dã quỳ, Xin lỗi tình yêu, Tiếng cuốc đêm khuya... và cả phim nhựa như vai sĩ quan Pháp Ponchon trong Người học trò đất Gia Định xưa (đạo diễn Huy Thành).
Tháng 9/ 2019, NSND Thế Anh qua đời ở tuổi 81 do tuổi cao sức yếu và ảnh hưởng của cơn nhồi máu cơ tim cách đó vài tháng.
NSƯT Lê Vân (vai Đặng Thị Huệ)
Đảm nhận vai Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong Đêm hội Long Trì, NSƯT Lê Vân đã thể hiện xuất sắc những trạng thái tâm lý của một sủng phi đầy mưu mô, luôn tính kế thâu tóm mọi quyền lực ở triều đình.
Trước đó, NSƯT Lê Vân đã là ngôi sao điện ảnh lừng lẫy với nhiều tác phẩm đình đám như Chị Dậu (1981), Bao giờ cho đến tháng Mười (1984), Toạ độ chết (1985)... Với vai Duyên trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười, Lê Vân nhận giải Bông Sen Vàng dành cho "Nữ diễn viên xuất sắc nhất" tại LHP Việt Nam năm 1985.
Xinh đẹp, có trong tay gia tài phim ảnh đồ sộ nhưng đường tình của Lê Vân khá truân chuyên. Chị đã trải qua 3 đời chồng. Cuộc hôn nhân đầu tiên của Lê Vân chỉ kéo dài 14 ngày, thậm chí họ chưa kịp tổ chức đám cưới thì đã ra toà ly hôn. Sau đó, chị tiếp tục xây dựng mái ấm với một người Canada đã qua một lần đò và có con riêng. Sau 10 năm chung sống, họ quyết định đường ai nấy đi. Theo lời nghệ sĩ Lê Mai, con gái bà chịu nhiều nỗi khổ vì không có con cái.
Với người chồng thứ ba (cũng là người nước ngoài), NSƯT Lê Vân mới tìm thấy hạnh phúc thật sự. Sang tuổi ngoài 40, nữ nghệ sĩ mới được tận hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ khi lần lượt sinh hạ hai cậu con trai là AVi và ADam.
Năm 2006, NSƯT Lê Vân gây tranh cãi khi ra mắt tự truyện Lê Vân - yêu và sống, kể về cuộc sống thời niên thiếu khốn khổ của mình và gia đình, những xung đột tình cảm giữa bố mẹ và ba mối tình trong đời. Cuốn tự truyện nhận về không ít ý kiến trái chiều, khiến Lê Vân vốn khép kín lại càng thu mình hơn trước sóng gió dư luận. Hiện chị không còn hoạt động nghệ thuật mà tập trung chăm sóc gia đình.
NSƯT Thu Hà (vai Quận chúa Quỳnh Hoa)
Với vai quận chúa Quỳnh Hoa xinh đẹp, tâm hồn trong sáng nhưng bất hạnh, NSND Thu Hà ghi dấu ấn không thể quên trong lòng khán giả. Câu chuyện tình trớ trêu của Quỳnh Hoa và chàng văn nhân tài hoa Kim Bảo (Vũ Đình Thân) khiến người xem không khỏi thương xót. Ngoài tài diễn xuất, vẻ đẹp hoàn mỹ, trong veo ở độ tuổi 20 của NSND Thu Hà cũng gây thương nhớ cho không ít khán giả suốt nhiều năm.
Với nét mặt "khuôn vàng thước ngọc" cùng phong thái nhẹ nhàng, sau Đêm hội Long Trì, NSND Thu Hà tiếp tục được mời vào vai tiểu thư Quỳnh Nga trong phim Lá ngọc cành vàng. Đây cũng là tác phẩm đưa Thu Hà lên hàng ngôi sao của làng điện ảnh phía Bắc, danh xưng "tiểu thư lá ngọc cành vàng" cũng gắn liền với chị từ đó.
Trong dàn diễn viên nổi tiếng của dòng phim mỳ ăn liền, NSND Thu Hà là gương mặt miền Bắc duy nhất. Cát-sê của chị vào thập niên 1990 vào khoảng 20 cây vàng mỗi phim, chỉ đứng sau Lý Hùng, Diễm Hương. Ngoài ra, chị còn được mệnh danh là "nữ hoàng ảnh lịch" nhờ xuất hiện dày đặc trên các loại lịch suốt nhiều năm.
Bên cạnh sự nghiệp điện ảnh lẫy lừng, Thu Hà cũng là nghệ sĩ đình đám của sân khấu kịch. Chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2007 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2019.
Là cái tên luôn được truyền thông săn đón nhưng NSND Thu Hà lại lựa chọn cuộc sống bình lặng, kín tiếng. Trước lúc yên bề gia thất bên doanh nhân hơn 15 tuổi, chị từng "đứt gánh" hôn nhân khi con trai đầu còn nhỏ. Hiện tại, chị hài lòng với cuộc sống của mình, bên người chồng luôn thấu hiểu và hai người con ngoan, biết yêu thương nhau.
Sau một thời gian dài vắng bóng, NSND Thu Hà trở lại màn ảnh với phim Hướng dương ngược nắng (2021), thể hiện một vai diễn thay đổi ngoạn mục hình tượng trước đây của chị. Ở tuổi ngũ tuần, chị vẫn khiến nhiều người trầm trồ bởi nhan sắc vượt thời gian khi những hình ảnh trẻ đẹp, năng động được chị chia sẻ trên trang cá nhân.
NSƯT Vũ Đình Thân (vai Kim Bảo)
Trong Đêm hội Long Trì, Vũ Đình Thân vào vai văn nhân tài hoa Kim Bảo, người mà Quận chúa Quỳnh Hoa yêu thương. Hai người chưa kịp kết duyên thì Quỳnh Hoa đã lọt vào ánh mắt tà dâm của Đặng Lân, khiến mối tình tan vỡ đầy đau thương.
NSƯT Vũ Đình Thân bắt đầu sự nghiệp phim ảnh từ năm 1973 với loạt tác phẩm như Chuyến xe bão táp, Rừng đen, Câu lạc bộ không tên… Sau Đêm hội Long Trì, anh tiếp tục đóng rất nhiều phim, trong đó nổi bật là bộ phim dài tập Ông cố vấn (1997). Sau đó, từ đó, Vũ Đình Thân dường như biến mất. Lần gần nhất khán giả thấy anh trên màn ảnh là khi anh tham gia tác phẩm Đi qua ngày biển động (2011), Lời thì thầm từ quá khứ (2014)…
Ngoài đời, NSƯT Vũ Đình Thân khá kín tiếng. Sau đổ vỡ hôn nhân, anh nhận nuôi con trai, còn con gái đi theo mẹ. Suốt nhiều năm, nam nghệ sĩ sống trong cảnh "gà trống nuôi con" vì sợ con chịu thiệt thòi. Đến khi hai con đều trưởng thành, NSƯT Vũ Đình Thân mới yên tâm đi bước nữa với người vợ đang công tác trong ngành Dược.
Hoàng Thắng (vai Đặng Lân)
Nhắc đến nghệ sĩ Hoàng Thắng, khán giả sẽ ngay lập tức nhớ đến vai diễn "Cậu Giời" Đặng Lân - người em trai phóng đãng của Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong phim Đêm hội Long Trì. Hình ảnh độc ác, thô bỉ của nhân vật được Hoàng Thắng khắc hoạ chân thực đến nỗi khán giả phải khiếp sợ và ghét lây cả diễn viên.
Nghệ sĩ Hoàng Thắng chính là con trai của NSND kịch nói Trúc Quỳnh. Nhiều năm làm nghề, anh ghi danh bằng loạt vai phụ ấn tượng trong các phim như: Trở về Sam Sao, Đêm cuối năm, Đường suối cạn, Tướng về hưu... Với ngoại hình gai góc, cá tính, anh thường xuyên được mời vào những vai phản diện.
Vào tháng 4/2017, nghệ sĩ Hoàng Thắng rời cõi tạm trong niềm tiếc thương vô hạn của bạn bè, khán giả mến mộ sau thời gian dài kiên cường chống chọi với căn bệnh ung thư phổi.
Hà Linh (Tổng hợp )