Đàm phán hòa bình Nga – Ukraine khó thành công?

Cẩm Lai(Nguồn: RT) | 15/05/2025, 13:00

Cuộc đàm phán hòa bình Nga – Ukraine tại Istanbul đang chuẩn bị diễn ra, nhưng nhà quan sát tỏ ra hoài nghi về khả năng đạt được tiến triển thực chất.

Hãng tin RT đã đi sâu phân tích những khác biệt sâu sắc về lập trường và mục tiêu giữa hai bên có thể khiến các cuộc thảo luận rơi vào bế tắc ngay từ đầu.

Chỉ vài ngày trước, tâm điểm quốc tế là cuộc diễu hành Ngày Chiến thắng lần thứ 80 tại Moskva. Nhưng giờ đây, mọi sự chú ý đã chuyển sang Istanbul – nơi có thể diễn ra cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine kể từ mùa xuân năm 2022.

Cờ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine trước cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Sputnik)
Cờ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine trước cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Sputnik)

Cuộc đàm phán được kích hoạt bởi phản hồi tích cực của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đề xuất ngừng bắn 30 ngày do phương Tây đưa ra hôm 12/5. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ban đầu bác bỏ đề xuất này, nhưng sau áp lực mạnh mẽ - gần như mang tính tối hậu thư - từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông đã đồng ý quay lại bàn đàm phán.

Tuy nhiên, ông Zelensky đưa ra điều kiện: Đàm phán chỉ diễn ra nếu được tổ chức ở cấp nguyên thủ quốc gia, và cảnh báo các nước phương Tây sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Nga nếu điều kiện này không được đáp ứng.

Kết quả là, kỳ vọng quốc tế dâng cao với viễn cảnh một bước ngoặt ngoại giao. Nhưng theo nhiều nhà quan sát, cuộc gặp vào thứ Năm 15/5 này khó có thể dẫn đến đột phá, do hai nguyên nhân cốt lõi: Sự bất đồng về cấp độ đàm phán và sự đối lập không khoan nhượng trong lập trường của hai bên.

Lịch sử đàm phán đầy trắc trở

Trước đó, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đã diễn ra tại Istanbul vào tháng 3/2022, nhưng không đạt được thỏa thuận do bất đồng về các vấn đề then chốt như: Nga yêu cầu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và chấp nhận tình trạng trung lập.

Trong khi đó, Ukraine yêu cầu Nga rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả Crimea và các khu vực phía đông, đồng thời đòi hỏi các đảm bảo an ninh từ phương Tây.

Mặc dù có những nỗ lực trung gian từ Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác, các cuộc đàm phán sau đó đều không mang lại kết quả cụ thể.

Và thực tế là xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ 4 và hòa bình vẫn còn nằm trong dự kiến tương lai.

Yếu tố "bất khả thi" vòng đàm phán hòa bình

Dù các bên đang bàn đến khả năng đàm phán tại Istanbul, thực tế cho thấy điều kiện để đạt được một cuộc thương lượng hòa bình nghiêm túc hiện gần như không tồn tại,RT phân tích.

Về quân sự, Ukraine đang ở thế bất lợi: phòng tuyến tại Donbass bắt đầu rạn nứt, tinh thần binh sĩ suy giảm, nhưng Kiev vẫn giữ giọng điệu cứng rắn, dựa vào sự hậu thuẫn từ Anh, Pháp và Đức. Ba nước châu Âu này, theo bài viết, lại thường xuyên cản trở các nỗ lực hòa bình thực chất do Mỹ đề xuất.

Về chính trị, Tổng thống Zelensky áp dụng chiến lược song hành: xoa dịu cựu Tổng thống Trump - người đang tạo áp lực hướng tới một lệnh ngừng bắn 30 ngày - trong khi vẫn né tránh mọi cam kết nghiêm túc với Moskva.

Ông yêu cầu đàm phán cấp cao ngay lập tức với Putin, nếu không sẽ không tham dự. Tuy nhiên, phía Nga không cho thấy động lực gì để hỗ trợ một tiến trình mang tính trình diễn vì lợi ích chính trị của ông Trump.

Moskva hiện vẫn kiểm soát chiến trường, củng cố lợi thế, và chọn cách thăm dò thay vì vội vàng đưa ra nhượng bộ.

Ngoài ra, kinh nghiệm từ các lệnh ngừng bắn trước như dịp Lễ Phục sinh hay Ngày Chiến thắng - đều đổ vỡ - cho thấy nguy cơ thất bại tiếp theo là rất lớn. Thiếu cơ chế giám sát, thiếu văn bản thỏa thuận và sự bất đồng về định nghĩa “ngừng bắn” khiến mọi sáng kiến bị kéo về vạch xuất phát.

Đến thời điểm này, cả Tổng thống Putin và Trump đều xác nhận không tham dự đám phán trực tiếp. Thay vào đó, ông chủ điện Kremlin đã ký một sắc lệnh hành pháp đề cử các quan chức cấp cao của Nga tham gia các cuộc đàm phán hòa bình sắp tới với Ukraine tại Istanbul. Người đứng đầu đoàn đàm phán là Trợ lý Tổng thống Vladimir Medinsky làm Trưởng đoàn đồng thời cũng là trưởng phái đoàn trong vòng đàm phán trực tiếp duy nhất giữa Nga và Ukraine diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022.

Việc Moskva chọn ông Medinsky làm trưởng đoàn được cho là tín hiệu cho thấy Nga muốn quay trở lại hướng tiếp cận từng được đưa ra trong vòng đàm phán Istanbul năm 2022 - một vòng đàm phán đã không đạt được kết quả cụ thể nào. Khi đó, Nga từng đưa ra loạt yêu cầu mà Ukraine bác bỏ, bao gồm việc Kiev phải giới hạn quy mô quân đội, từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO và không nhận hỗ trợ tái thiết từ phương Tây - những điều kiện mà giới lãnh đạo Ukraine coi là không thể chấp nhận.

Hiện phía Ukraine vẫn chưa xác nhận cụ thể đoàn đám phán bao gồm nhưng ai, nhưng giới phân tích chỉ ra trong kịch bản tốt nhất, cuộc gặp chỉ dẫn đến tuyên bố chung mơ hồ về việc “tiếp tục đối thoại”. Còn trong kịch bản tồi tệ, không có cuộc họp nào diễn ra, và các bên tiếp tục đổ lỗi cho nhau.

Cẩm Lai(Nguồn: RT)
Bài liên quan
Tổng thống Ukraine không được mời dự hội nghị thượng đỉnh NATO
Hãng thông tấn ANSA cho biết Mỹ phản đối việc mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở The Hague, Hà Lan vào tháng 6 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch nước Lương Cường dự Lễ tuyên dương cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc
Chủ tịch nước Lương Cường dự Lễ tuyên dương cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ X diễn ra vào sáng ngày 15/5 tại Nhà hát Hồ Gươm.
Mới nhất