Đại tướng Bipin Rawat, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ vừa qua đời trong một tai nạn máy bay trực thăng ngày 8/12. Đây là một mất mát lớn với quân đội và nhân dân Ấn Độ, khi mất đi vị tổng chỉ huy của lực lượng vũ trang nước này. Đối với đất nước, quân đội và nhân dân Việt Nam, sự ra đi của Đại tướng Bipin Rawat là mất đi một người bạn Ấn Độ am hiểu và thân thiết với Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ Phạm Sanh Châu hồi tưởng lại những lần tiếp xúc, làm việc và cảm nhận về vị tướng Ấn Độ từng có nhiều đóng góp cho quan hệ hai nước.
5 lần gặp vị Tổng tư lệnh của Quân đội Ấn Độ
Cá nhân tôi đã có 5 - 6 dịp được gặp gỡ và làm việc với Cố Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ, Đại tướng Bipin Rawat. Lần đầu tiên tôi gặp Tướng Bipin Rawat là khi ông còn giữ chức Tham mưu trưởng của lực lượng Lục quân Ấn Độ. Lúc đó Ấn Độ chưa có chức vụ Tổng tham mưu trưởng mà chỉ có 3 Tham mưu trưởng của Lục quân, Hải quân và Không quân.
Ông là một trong ba vị Tham mưu trưởng đó. Trong nhiệm kỳ của tôi, tôi đã từng đến chào cả ba vị Tham mưu trưởng của ba quân chủng Ấn Độ. Trong lần làm việc với Tham mưu trưởng Lục quân Bipin Rawat, chúng tôi đã bàn rất nhiều các nội dung hợp tác giữa quân đội hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, chiến sỹ của Việt Nam tại Ấn Độ, nhất là trong các lĩnh vực như ngôn ngữ, thông tin cho đến tác chiến. Ông thường nói rằng phía Ấn Độ sẵn sàng tăng học bổng cho phía Việt Nam.
Một điều đặc biệt là Tham mưu trưởng của các lực lượng Hải, Lục, Không quân tại Ấn Độ có thẩm quyền rất cao. Họ có quyền quyết định những vấn đề hệ trọng với mức tài chính rất lớn, không phải xin ý kiến cấp trên. Vì vậy, tất cả những việc mà chúng tôi đề nghị, họ sẵn sàng đáp ứng, căn cứ trên khuôn khổ quan hệ hợp tác giữa hai nước mà đã được lãnh đạo chính trị quyết định và họ có thể sẵn sàng thúc đẩy hơn nữa. Chính sự hợp tác này đã làm cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trở thành mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Nét tiêu biểu của nó chính là hợp tác quốc phòng.
Lần thứ hai tôi tiếp xúc với Đại tướng Bipin Rawat là dịp tôi đến chào ông và thông báo với ông về tình hình diễn biến phức tạp về môi trường an ninh xung quanh Việt Nam, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Chúng tôi đã xây dựng được một cơ chế là mỗi khi có tình hình phức tạp, chúng tôi sẽ gặp để thông tin cho bạn bè Ấn Độ, trong đó có cá nhân ông. Tại đây, ông cũng đã chia sẻ những đánh giá có ý nghĩa rất lớn về mặt chiến lược cho hợp tác giữa hai nước, để giúp Việt Nam duy trì và đảm bảo một môi trường an ninh ổn định.
Lần thứ ba tôi gặp ông là dịp ông có chuyến thăm Việt Nam với tư cách là Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ. Tại Việt Nam chúng ta không có chức Tham mưu trưởng của Lục quân mà chỉ có chức Tổng tham mưu trưởng của tất cả các lực lượng. Bởi Hải quân, Không quân hay Lục quân ở Việt Nam đều nằm dưới Bộ Tổng tham mưu. Trong chuyến thăm đó, khách chính của phía chúng ta là một đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng, và đồng chí đã đón ông Rawat rất nhiệt tình. Hôm đó, tình cờ tôi về nước để tháp tùng chuyến thăm chính thức của Tổng thống Ấn Độ. Trước khi ra về, Tướng Rawat có gặp tôi và trao đổi với tôi một nguyện vọng cá nhân, là ông muốn đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi đã thực hiện được nguyện vọng của ông sau một số thủ tục xin phép.
Lần thứ tư tôi gặp lại ông là trong chuyến thăm của Tổng tham mưu trưởng Phan Văn Giang, hiện nay là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sang Ấn Độ. Ông cùng Tham mưu trưởng của Lục quân, Hải quân và Không quân lần lượt tiếp Tổng tham mưu trưởng của chúng ta. Buổi tiếp diễn ra rất tình cảm và chính buổi tiếp đó, ông đã đưa cả vợ ông tới dự và gặp gỡ các đồng chí cán bộ của chúng ta.
Lần cuối cùng tôi được gặp ông là sau khi ông được chỉ định làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ. Đây là chức vụ rất mới của Ấn Độ, được thiết lập sau khi các cơ quan cấp cao của Ấn Độ thống nhất rằng để đảm bảo tính phối hợp giữa các quân binh chủng thì phải lập ra chức vụ cao nhất, tức là người thống lĩnh toàn bộ lực lượng vũ trang của Ấn Độ. Chức vụ Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ ra đời và ông Rawat đã được chỉ định vào chức này, trở thành người sỹ quan cao nhất trong quân đội Ấn Độ. Ông chính thức nhận nhiệm vụ từ ngày 1/1/2020. Tôi tới để chính thức chúc mừng và chào mừng ông, qua đó để trao đổi một số vấn đề có liên quan.
Đó là chưa kể các lần gặp riêng bên lề, tại các cuộc gặp gỡ, hội nghị khác nữa. Chúng tôi đã có tình cảm cá nhân nhất định, quan hệ công tác và cũng biết về sở thích của nhau. Ông là con người rất chính trực, dũng cảm, thẳng thắn và có tầm nhìn chiến lược. Chính vì vậy, khi ông mất đi, tất cả các đảng phái, chính khách của Ấn Độ cho dù là đảng đối lập hay cầm quyền, đảng lớn hay đảng nhỏ ở đâu cũng gửi lời chia buồn với ông, với gia đình. Hiếm khi nào lại thấy toàn bộ các đảng phái và dư luận của Ấn Độ lại thống nhất như vậy để cùng chia sẻ và đánh giá về một con người mà theo họ là một chiến sỹ dũng cảm, một người yêu nước và một người có tầm nhìn chiến lược. Và trên hết là một người lính đã đóng góp suốt 4 thập kỷ qua phụng sự đất nước.
Một người Ấn Độ hâm mộ Tướng Giáp
Như đã nói, Đại tướng Bipin Rawat dành nhiều tình cảm cho đất nước, nhân dân Việt Nam, quân đội Việt Nam, đặc biệt là cá nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó chính là điểm không thể không nhắc tới với con người này.
Ấn tượng về Đại tướng Bipin Rawat với tôi là ông ấy rất yêu quý Việt Nam. Ông từng kể, thời kỳ còn đi học, ông đã được học một chương về chiến tranh ở Việt Nam, trận đánh Điện Biên Phủ và tài thao lược trên chiến trường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vì vậy, đối với ông, từ khi ông còn trẻ, ông đã ngưỡng mộ và thần tượng Đại tướng. Ông nghiên cứu rất nhiều bài viết, tài liệu của Đại tướng, cũng như cách tiến hành Chiến tranh Nhân dân của Đại tướng.
Ông bày tỏ nguyện vọng là một ngày nào đó ông được đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Biết được nguyện vọng này, trong chuyến thăm Việt Nam, tôi đã sắp xếp để ông được đến thăm nhà Đại tướng. Phải nói rằng thật hiếm hoi khi chúng ta có được một vị Tổng tham mưu trưởng của một quân đội nước ngoài đến nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình. Đây là điều chưa có tiền lệ. Đây cũng không phải là tập tục thường xuyên với các quan chức cao cấp quân đội nước ngoài khi đến thăm Việt Nam. Nhưng vì tấm lòng kính trọng của ông với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đối với lịch sử chiến tranh của Việt Nam, chúng tôi đã thuyết phục được cấp trên tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến thăm.
Khi đến nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Rawat ngồi rất lâu, ông hỏi rất kỹ, xem từng bản đồ trận đánh, và nghe kể về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng rất say sưa. Ông ngồi nói chuyện với gia đình Đại tướng và chúng tôi rất thân thiết. Chúng tôi vẫn còn giữ hình ảnh đó. Điều đó thể hiện ông ấy là con người rất gần gũi, cầu thị. Mặc dù ông là người tài giỏi, giữ cương vị rất cao tại Ấn Độ.
Điều đó không chỉ đơn thuần là tình cảm của một người Ấn Độ, một người lính Ấn Độ đối với cuộc chiến tranh ái quốc chính nghĩa và hào hùng của dân tộc Việt Nam, với những người chiến sỹ của Việt Nam mà tiêu biểu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nó còn thể hiện chiều sâu của mối quan hệ giữa hai nước, bắt nguồn từ ngoại giao nhân dân. Việc tướng Bipin Rawat tới thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ý nghĩa biểu tượng rất lớn.
Ông cũng là người am hiểu về Bác Hồ và yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, món quà cuối cùng của tôi tặng ông vào lần cuối cùng gặp mặt chính là cuốn sách ‘Hồ Chí Minh và đất nước Ấn Độ’. Tôi đã định đến chào và hỏi thăm ông ấy như theo thông lệ. Ông Rawat cũng thường có những bài phát biểu rất hay về chiến lược. Và chúng tôi cố gắng hẹn gặp nhau. Tôi thậm chí còn có kế hoạch mời ông đến Đại sứ quán dùng cơm, bởi ông rất thích ăn đồ Việt Nam. Thế nhưng dự định đó đã không thực hiện được.
Mong muốn thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng Việt - Ấn
Đặc trưng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ là có niềm tin chiến lược và tương đồng về lợi ích. Và khi có hai yếu tố này thì người ta hiểu ngay tới khía cạnh an ninh và quốc phòng. Ấn Độ là một trong hai quốc gia mà Việt Nam có mối quan hệ này rất sâu và toàn diện, từ đó nó tạo nên độ tin cậy rất lớn giữa hai nước.
Bên cạnh sự nhất trí và ủng hộ của cấp lãnh đạo chính trị, của đảng cầm quyền và các lực lượng chính trị có liên quan, sự ủng hộ, gần gũi, thường xuyên giao lưu với nhau giữa các tướng lĩnh, sỹ quan quân đội của 2 bên là điều hết sức quan trọng. Nếu ở cấp độ chính trị muốn mà ở dưới cấp tướng lĩnh vẫn không thoải mái thì không thể triển khai được. Ở đây chúng ta thấy quan hệ quốc phòng giữa hai đất nước tốt là bởi 1 bên ‘kéo’ và 1 bên ‘đẩy’, bên trên ‘đưa xuống’ và bên dưới ‘đưa lên’. Trong bối cảnh đó, cố Đại tướng Bipin Rawat là người có tiếng nói quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ ngày càng tốt đẹp dù công tác trên nhiều chức vụ khác nhau.
Trên cương vị Tư lệnh Lục quân, ông đã đóng góp rất nhiều sáng kiến để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xây dựng kỹ năng, đào tạo cán bộ, đào tạo chiến sỹ từ lý thuyết đến ngoại ngữ, thực hành tác chiến và cả các thông tin quan trọng. Đến khi lên làm Tổng tham mưu trưởng, ông lại có tầm nhìn rộng hơn, vì là người đứng đầu toàn bộ lực lượng vũ trang. Ông chia sẻ bức tranh rộng hơn về an ninh và chiến lược, không phải chỉ riêng Ấn Độ mà còn của cả khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
Ông nhìn thấy trong bối cảnh chung đó, ý nghĩa của mối quan hệ Việt Nam Ấn Độ lớn như thế nào. Là người tác chiến từ thực tiễn trưởng thành lên, là người được đào tạo bài bản và cùng chịu ảnh hưởng của trường phái Chiến tranh Nhân dân và các kinh nghiệm chiến tranh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có lẽ ông là một trong số ít người hiểu hơn ai hết tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của sự hợp tác về chiến lược an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ. Ông đã có những đóng góp cả về mặt ly luận cả về mặt chính sách. Vì vậy việc ông đột ngột ra đi là một tổn thất rất to lớn./.