Đại biểu Quốc hội hiến kế giúp Thủ đô thu hút nhân tài

11/11/2023, 09:58

Các ĐBQH đều nhất trí việc cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) để xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, là động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó, giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều. Dự luật đóng vai trò quan trọng với cả nước, nên việc cân nhắc, xem xét trên nhiêu phương diện đang được các ĐBQH tiếp tục nghiên cứu và cho ý kiến.

Góp ý vào dự thảo luật, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đề ra trong các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Đặc biệt quan tâm tới quy định về thu hút nhân tài, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là mục tiêu lớn của cả nước, đã được thể hiện trong Nghị quyết số 26 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018), trong Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Vì vậy, quy định tại dự luật cần thể hiện tinh thần của các chính sách, định hướng đề ra đồng thời tạo được cơ sở pháp lý rõ ràng.

Nêu ý kiến đóng góp, đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng, nội dung của Điều 17 của dự luật chưa thể hiện được tính phân hóa trong nhu cầu thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các khu vực khác nhau (công - tư) hay ở các lĩnh vực khác nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng…) và vẫn chủ yếu dựa vào những mô tả trừu tượng như “có tài năng đặc biệt”, có “phẩm chất, trình độ, năng lực vượt trội”. Do đó, rất khó để đánh giá các mô tả này ngoài việc dựa chủ yếu vào bằng cấp của ứng viên thuộc diện xem xét.

Ngoài ra, các nội dung của dự thảo luật mới chỉ đề cập sơ lược về tuyển dụng, thu hút nhân tài mà chưa quy định về các cách thức sử dụng nhân tài sau khi được tuyển dụng; chưa thể hiện rõ chế độ thù lao dành cho ứng viên tài năng, chất lượng cao; chưa thể hiện được tính tự chủ của Chính quyền Thủ đô nói chung và về thu hút nhân tài nói riêng...

Có cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) đề nghị nghiên cứu lại quy định tại khoản 2, Điều 17. Đại biểu cho rằng, dù có quy định 4 điểm liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, tuy nhiên, nội dung còn chung chung, không định hình được tiêu chí làm cơ sở áp dụng trong thực tiễn.

“Thực tiễn triển khi khai thực hiện chính sách đặc thù, nếu không có định hình cụ thể thì cho dù Quốc hội giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân quyết định, thì cũng phải thận trọng quay về xin ý kiến các bộ, ngành chuyên môn, mới có thể ban hành và thực hiện được. Do đó, trong quy định tại dự thảo cần dự phòng các tình huống, đảm bảo quy định chặt chẽ, dễ áp dụng”, đại biểu Trần Thị Hoa Ry nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút và phát triển nhân tài, theo đó, dự thảo luật bên cạnh việc chú trọng làm rõ các chính sách, cơ chế đặc thù cũng cần quan tâm làm rõ quy định về thu hút nhân tài phục vụ sự phát triển chung của Thủ đô.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, quy định của dự thảo luật chưa rõ mục tiêu phát triển nguồn nhân lực để phục vụ bộ máy của hệ thống chính trị của TP. Hà Nội hay là phát triển nguồn nhân lực nói chung, chưa lý giải rõ căn cứ để cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cũng cho rằng, dự luật nên đặt trọng tâm vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 15 của Bộ chính trị: “Nên nghiên cứu theo hướng là giao cho Hội đồng nhân dân thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm mà đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ của chính quyền thành phố”.

Qua thảo luận, các đại biểu cũng đề nghị cần tập trung quy định các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô trên những lĩnh vực quan trọng để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới...

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII của Tổng Bí thư
Sáng nay (16/5), Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Thủ tướng Phạm Minh Chính điều hành phiên khai mạc.
Mới nhất