Hội thảo có sự tham dự của hơn 160 đại biểu từ các cơ quan quản lý của Trung ương và địa phương, các chuyên gia về du lịch, văn hóa, âm nhạc đến từ Thái Lan, Singapore, doanh nghiệp hàng không, dịch vụ du lịch cùng một số đạo diễn, nhạc sĩ, hoa hậu...
Tại 2 phiên thảo luận xoay quanh chủ đề về phát triển du lịch xanh tại Đà Lạt, phát triển công nghiệp văn hóa ở Đà Lạt gắn với cam kết Thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO, hội thảo được nghe hơn 30 ý kiến trao đổi, đề xuất các giải pháp, sáng kiến để tiếp tục phát triển du lịch Đà Lạt theo hướng du lịch xanh, bền vững, từng bước đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế gắn với phát triển du lịch địa phương và phát triển các sản phẩm du lịch âm nhạc; chia sẻ kinh nghiệm từ các nước có ngành du lịch phát triển; mô hình xây dựng nền công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa địa phương ở các quốc gia trong khu vực…
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng sự kết hợp giữa góc nhìn chuyên môn của các nhà nghiên cứu và chia sẻ thực tế từ những nhà hoạt động nghệ thuật tại hội thảo đã mang đến những ý tưởng sáng tạo, các giải pháp thiết thực gợi mở cho Đà Lạt có thêm nhiều ý tưởng trong xây dựng hình mẫu tăng trưởng xanh, xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn với danh hiệu thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO.
“Tôi nghĩ rằng Đà Lạt nên tập trung các định vị: xây dựng như thế nào để trở thành mô hình kiểu mẫu về du lịch xanh; trung tâm bảo tồn phát huy di sản văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa; xây dựng Đà Lạt trở thành đặc trưng về thành phố âm nhạc toàn cầu của UNESCO tại Việt Nam. Đồng thời, xây dựng thành phố tổ chức sự kiện, lễ hội tầm quốc gia và quốc tế. Tùy theo điều kiện có thể hàng tháng, hàng năm diễn ra rất nhiều sự kiện, trong đó có sự kiện âm nhạc, các cuộc thi điện ảnh. Không gian không giới hạn, ở đâu cũng có thể xây dựng được các sân khấu biểu diễn, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa”, ông Phạm S cho biết.