Xem trang Facebook của nhà văn Di Li, có lẽ những người quen thân lâu sẽ đoán được việc chị sắp có một cuốn sách trình làng. Lần này, Di Li thông báo về sự kiện ra mắt cuốn sách mới với tựa đề: “Tật xấu của người Việt”. Có lẽ trong hơn chục lần ra mắt sách với sự đa dạng trong thể loại, chưa khi nào nhà văn phải trình bày, giải thích cẩn trọng và cặn kẽ đến vậy.
Theo nữ nhà văn, công cuộc lọc lựa, nghiên cứu tư liệu cổ từ các nhà truyền giáo, thương nhân, chính khách, bác sĩ, nhà truyền giáo, trí thức người Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan... đã đến Việt Nam từ thế kỉ XVI, XVII, XVIII cũng như những chuyến đi đến nhiều châu lục, tiếp xúc với những con người, vùng đất khác nhau để có thể phỏng vấn, so sánh, đối chiếu với tính cách dân tộc để hoàn thành bản thảo đáng để sánh ngang với chặng cuối cùng cho sự ra đời của “Tật xấu người Việt”.
Vào ngày diễn ra sự kiện ra mắt sách “Tật xấu người Việt” tại Hà Nội, không gian tổ chức ra mắt sách, ngập trong nắng, đông chật khách mời. “Đây là cuốn sách mang giá trị tự trào khá nhiều. Bản thân Di Li cũng là người Việt nên mình cũng mang đậm tính cách Việt. Chỉ khi ra nước ngoài, tiếp xúc với bạn bè mới thấy rõ ràng ở nhiều nước không có tật này. Mình cũng chưa sửa được đâu dù biết đấy là không tốt. Ví dụ như cả nể chẳng hạn. Mình ngại từ chối, cứ nhận nhưng phút cuối không đến. Không muốn làm nhưng ngại tổn thương người khác nên cứ nhận”, nữ nhà văn Di li bộc bạch cùng độc giả.
Nếu ở cuốn “Người Việt Phẩm chất và Thói hư-Tật xấu” tập hợp nhiều tác giả của NXB Thanh niên cách đây 15 năm khi đề cập bệnh “Sĩ” của người Việt cũng mới chỉ dám nhắc chung chung chuyện ở làng, ở quê nào đó không tên, không tuổi, không địa chỉ. Nhân vật ông cậu, anh bạn cũng chỉ của “tôi” - tác giả bài viết là cùng. Nhưng ở ngay bài đầu tiên của “Tật xấu người Việt” với nhan đề “Cả một trời kiêu hãnh” thì cả nơi cấp giấy phép xuất bản cuốn sách cũng được nhắc đến với nguyên dòng: “Hội Nhà văn đứng ở vị trí quán quân (hội nào...cãi nhau nhiều hơn) chỉ vì...nhiều chữ hơn nên biết đường lập luận”. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội nhà văn, một trong những người đọc tác phẩm từ dạng bản thảo cũng có mặt tại buổi ra mắt sách và còn khẳng định bản thân phát hiện “mọi tật xấu trong này đều có tôi trong đó”.
Nhưng “Tật xấu người Việt” không một màu, không nhờ nhờ, không dùng mãi thủ pháp tự trào khi sẵn sàng gọi đích danh tật xấu trong xã hội. Có thể kể ngay như chuyện “...hiếm người lên chức “quan” mà không mắc “bệnh quan” dù chức quan ấy có vĩ đại hay chỉ bé xíu một khoảng...”. Những dẫn chứng được nêu cụ thể, chi tiết và cả trong đối sánh với nước ngoài gồm cả tích cực và tiêu cực khiến độc giả gật gù.
Từ góc nhìn logic của người viết trinh thám, nữ nhà văn không dừng ở việc chỉ ra mà còn đưa tới độc giả những phân tích, góc nhìn mang tính hai mặt, tìm ra căn nguyên của tật xấu. Ví dụ như hành động vi phạm luật khá thường xuyên của người Việt, từ những hành động nhỏ nhất thể hiện qua việc tham gia giao thông. Di Li lí giải từ sự linh hoạt, khả năng ứng biến trong quá trình giải quyết vấn đề của người Việt có từ trong lịch sử để lại.
“Tật xấu của người Việt” thu hút độc giả còn bởi Di Li cực kì điêu luyện trong việc gây cười hay khiêu khích tò mò từ việc đặt nhan đề cho từng bài viết. Nào “Giáo dục toàn diện trên giấy”, “Chà, tài quá”, “Tôi đã thấy điện Kremli”, “Bạn đã mua ô tô chưa?”…Gần 50 bài viết nhưng nữ nhà văn “dắt” độc giả một hành trình khám phá cả trăm tật xấu ở ngay trong lời nói, hành động, cách suy nghĩ mà thông thường ai cũng nghĩ bình thường. Và nói như lời PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương trong buổi ra mắt sách “đọc mỗi bài chúng ta thấy mình trong đó, bạn bè mình trong đó, kể cả một phần đất nước mình trong đó. Nó như tấm gương để mình nhìn thấy và khắc phục phần nào những tật xấu, hướng tới những điều tốt đẹp hơn”.
Gập trang cuối của “Tật xấu người Việt”, độc giả có ngay lời hứa hẹn về “Tính tốt người Việt” không lâu nữa sẽ ra mắt góp phần vẽ nên chân dung người Việt trọn vẹn gồm cả tốt và xấu.