Công chức nghỉ việc hàng loạt: Khó giữ chân nhân tài với thu nhập 'chuẩn nghèo'

08/11/2022, 11:20

Theo các chuyên gia, thu nhập của công chức quá thấp, chỉ tương đương mức “chuẩn nghèo” thì rất khó để họ tập trung vào công việc, khó giữ chân nhân tài.

Mức lương thuộc diện ‘chuẩn nghèo’

Trả lời VTC News, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện - cho rằng, công chức cũng là người lao động, cũng phải lo cho cuộc sống cho nên tiền lương với họ rất quan trọng.

“Họ cũng cần mức lương phù hợp với mức độ làm việc, cống hiến, phục vụ, phù hợp với giá cả thị trường để nuôi sống gia đình. Người lao động trong thị trường nếu đã có đủ năng lực, sức khỏe thì cứ lương cao, môi trường làm việc tốt là hấp dẫn rồi”, ông Nhưỡng nói.

Phó trưởng Ban Dân nguyện cho biết, theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, lương tối thiểu vùng áp dụng với khu vực doanh nghiệp từ 3,25 đến 4,68 triệu đồng/tháng.

Trong khi tại khu vực công, công chức tốt nghiệp đại học được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên bậc 1 có hệ số lương là 2,34 chỉ bằng 3.486.600 đồng/tháng, chưa tính đến các khoản phải đóng góp. Mức này chỉ tương đương lương tối thiểu vùng 4 của người lao động đang làm việc ở khu vực tư.

“Khó có thể giữ chân được cán bộ với mức lương thuộc diện ‘chuẩn nghèo’ như thế được”, ông Nhưỡng khẳng định.

Theo ông Nhưỡng, chúng ta đang xây dựng chế độ trả lương khu vực công theo bằng cấp, trả lương cào bằng áp dụng tất các tỉnh, thành trên toàn quốc, mà chưa thực hiện việc trả lương dựa trên kết quả, hiệu quả công việc.

Đặc biệt, việc trả lương chưa tính tới các yếu tố đặc thù của từng địa phương, mức sống chênh lệch giữa thành thị và nông thôn.

Công chức nghỉ việc hàng loạt: Khó giữ chân nhân tài với thu nhập 'chuẩn nghèo' - 1

Theo báo cáo của các địa phương (giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022), 9.397 viên chức y tế đã xin thôi việc, bỏ việc. (Ảnh: Anh Văn).

Cũng có cùng quan điểm này, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, thời gian qua, việc chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực tư đã diễn ra mạnh mẽ, tạo thành làn sóng sau đại dịch COVID-19, gây ra sự đột biến cũng như thiếu hụt lực lượng lao động ở khu vực công, nhất là lao động có năng lực, kinh nghiệm làm việc.

Theo ông Túc, đây là vấn đề đáng báo động, ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước cũng như các khu vực cung cấp dịch vụ công, nhất là ngành Y tế.

“Tôi lo ngại nhất về ngành Y tế vì đây là ngành có thời gian đào tạo dài nhất và trực tiếp gắn với sinh mệnh của con người. Nhưng tiền lương chưa thỏa đáng”, ông Túc nhấn mạnh.

Ông Túc phân tích, một bác sĩ để có kỹ năng thực hành y khoa được người bệnh công nhận, ít nhất phải qua chục năm đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Bước vào hành nghề, họ đã đến 30-35 tuổi và phải đối mặt với gánh nặng, trách nhiệm về gia đình, con cái. Với mức lương khoảng 5-7 triệu đồng không thể khiến họ yên tâm công tác, yên tâm cống hiến được.

Trong khi đó, người giúp việc nhà ở các thành phố hiện nay có mức lương khoảng 7-10 triệu đồng, người phụ hồ với mức chi trả hơn 300 nghìn/ngày công, cũng thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng. Điều này khiến bất cứ ai cũng phải đặt lên bàn cân để so sánh.

Vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói lên thực trạng, cuộc sống của cán bộ ngành Y tế ngày càng khó khăn, khiến nhiều người phải bỏ nghề.

Thời gian qua, mình chống tiêu cực, phong bì thì gần như đã xoá bỏ tình trạng bồi dưỡng y bác sĩ. Thêm vào đó, mấy năm xảy ra COVID-19 nên đời sống của bác sĩ, nhân viên y tế vô cùng khó khăn”, ông Túc nói.

Ngược lại, tại các cơ sở y tế tư nhân trả lương rất cao. “Đứa con của ông bạn tôi, trước làm ở Bệnh viện Xanh Pôn đã chuyển sang làm Vinmec với mức lương gấp 10 lần”, ông Túc chia sẻ.

Công chức nghỉ việc hàng loạt: Khó giữ chân nhân tài với thu nhập 'chuẩn nghèo' - 2

Khó có thể giữ chân được cán bộ với mức lương thuộc diện "chuẩn nghèo".

Ông Lưu Bình Nhưỡng

Áp lực công việc gia tăng

Cũng bình luận vấn đề này, ông Phạm Văn Hoà - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng cán bộ, công chức, viên chức đang chịu áp lực công việc rất lớn.

Lấy ví dụ tại TP.HCM với dân số hơn 9 triệu người, đông nhất nước, ông Hoà cho biết, theo thống kê, 90/249 phường tại TP.HCM có dân số từ 30.000 dân trở lên.

Trong đó, 54 phường có dân số từ 30.000 đến dưới 50.000 dân, 21 phường từ 50.000 đến dưới 75.000 dân, 12 phường từ 75.000 đến dưới 100.000 dân và đặc biệt có 3 phường trên 100.000 dân là Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), Hiệp Thành (quận 12), Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân).

Theo quy định biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường trên địa bàn TP.HCM là 15 người. Điều này tạo nên một khối lượng công việc khổng lồ cho công chức. Có người phải làm việc từ 7h sáng đến 9h tối vẫn chưa hết việc”, ông Hoà nêu.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định rằng những cán bộ này hầu như bị quá tải trong công việc, một cán bộ phải tiếp rất nhiều người dân, trong khi đó thu nhập của cán bộ xã phường vẫn thấp, không đủ để trang trải cho cuộc sống.

Tương tự, với giáo viên, áp lượng công việc cũng rất lớn, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư, tỷ lệ gia tăng dân số cơ học cao. Tại quận Hoàng Mai (TP Hà Nội), việc phụ huynh phải bốc thăm để giành suất cho con vào học trường non mầm công lập là một ví dụ.

Công chức nghỉ việc hàng loạt: Khó giữ chân nhân tài với thu nhập 'chuẩn nghèo' - 3

Người dân đi làm thủ tục hành chính tại TP Thủ Đức, TP.HCM. (Ảnh: Báo Người Lao Động).

Ông Hoà cho rằng, một đối tượng cũng chịu áp lực công việc rất lớn trong những năm qua là nhân viên y tế. Trong và sau dịch COVID-19, bệnh viện và cơ sở y tế trên cả nước đều rơi vào tình trạng quá tải.

Áp công việc lớn, trực bệnh viện liên tục, người bệnh ngày càng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao cho nên bác sĩ, nhân viên y tế luôn cảm thấy mệt mỏi, không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Bên cạnh đó, họ còn phải đối diện với sự xúc phạm, thậm chí đe dọa đến sức khỏe và tính mạng từ phía người bệnh và người thân của họ”, ông Hoà nêu thực trạng.

Liên quan đến phát biểu của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc về thực trạng nhiều cán bộ thuộc Bộ Tài chính xin nghỉ việc, trong đó có cả Vụ phó, Trưởng phòng tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của Ủy  ban Thường vụ Quốc hội, ông Hoà cho rằng chưa thể đánh giá nguyên nhân những cán bộ có chức vụ này xin nghỉ việc nhưng “chắc cũng có vấn đề”.

Nếu Vụ phó, Trưởng phòng đang làm việc rất tốt mà xin nghỉ việc thì môi trường hoạt động bên ngoài có lẽ hoạt động thuận lợi hơn. Cũng không loại trừ khả năng họ sợ trách nhiệm, đang mắc khuyết điểm, thiếu sót gì đó, nếu để kéo dài thời gian quá thì không nên”, ông Hoà nói thêm.

Trong khi đó, bình luận về phát biểu của Bộ trưởng Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, ông Nguyễn Túc cũng cho rằng, nhiều cán bộ, công chức có chức vụ hoặc hoạt động trong lĩnh vực được xem là nhạy cảm xin nghỉ việc vì “ngại trách nhiệm”.

Lấy dẫn chứng trong ngành y tế, theo ông Túc, trước đây giám đốc bệnh viện không chịu trách nhiệm toàn bộ, đặc biệt là về quản lý kinh tế vì sẽ có một phó giám đốc phụ trách lĩnh vực này.

Nhưng hiện nay, chúng ta sẽ quy trách nhiệm của người đứng đầu, vì vậy nhiều anh em giỏi chuyên môn nhưng không làm tốt quản lý đã vi phạm ví dụ như ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai”, ông Túc nói.

Với tư cách Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Túc đã phát biểu trước Trung ương về vấn đề này rằng cần phải xem xét lại các quy định để “những bàn tay vàng” trong ngành Y tế hay các lĩnh vực khác chú tâm thực hiện tốt công tác chuyên môn.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: "Càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng phải quyết tâm cao"
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt".
Mới nhất