Con có giấy khen "Học sinh giỏi", cha mẹ vẫn thấy "ngại" và bất an?

An An/VOV.VN | 29/05/2023, 15:11

Gần như năm nào đến dịp tổng kết cuối năm, tỷ lệ học sinh giỏi ở các lớp, các trường cũng chiếm tỷ lệ lớn, trên 90%, thậm chí nhiều nơi là tuyệt đối. Nhưng liệu con số này đã phản ánh đúng thực tế hay chúng ta vẫn cảm thấy bất an về con mình, về môi trường giáo dục hiện nay

Mỗi năm, cứ vào dịp các trường tổng kết năm học, mạng xã hội lại tràn ngập các loại giấy khen học sinh giỏi và bảng điểm toàn những điểm 9, 10. Và thực tế không chỉ những điểm số được khoe trên mạng, mà hầu như lớp nào, trường nào tổng kết cũng chỉ toàn kết quả đẹp như vậy. Ở nhiều lớp, nhiều trường, tỷ lệ học sinh giỏi chiếm đến trên 90%, học sinh tiên tiến chỉ chiếm 1 tỷ lệ rất nhỏ, thậm chí trong nhiều lớp học không có đối tượng này. Về xếp loại hạnh kiểm, tỷ lệ hạnh kiểm khá còn hiếm hơn nhiều, chỉ là một vài em trong một số lớp hay trường.

Và những con số này cũng là chỉ tiêu để xếp loại lớp xuất sắc, lớp tiên tiến, đồng thời xếp hạng giáo viên của năm, từ đó là cơ sở để xét lương, thưởng trước hạn. Vì những thành tích đó, áp lực về điểm số, thành tích đẹp của lớp khiến nhiều thầy cô dù biết thực chất khả năng của học trò, nhưng vẫn phải “nương tay” hay tạo điều kiện cho các em “gỡ điểm”, vừa làm vui lòng các bậc phụ huynh, vừa làm đẹp thành tích của lớp, của trường.

Có lẽ điểm số đẹp là phổ biến đến nỗi một số trường khi tuyển sinh lên bậc THCS, ngay từ vòng hồ sơ đã đăng thông tin chỉ xét tuyển những học bạ hầu như chỉ điểm 10 trong các năm học cấp 1, nghĩa là các em phải thuộc diện học lực hoàn hảo tuyệt đối. Theo thông báo mới đây của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam vào lớp 6, vòng sơ tuyển bằng cách xét học bạ. Theo đó, trong số 17 bài kiểm tra ở tiểu học, học sinh đạt 14 điểm 10 và 3 điểm 9 trở lên mới đủ điều kiện thi vào lớp 6 trường chuyên Hà Nội-Amsterdam.

Nếu nhìn qua, có thể chúng ta sẽ rất tự hào và trầm trồ về những điểm số trong mơ, nhưng ngẫm lại sẽ khiến nhiều người không khỏi thắc mắc, trẻ em có thực sự giỏi như vậy. Giỏi ngay từ khi bắt đầu đi học, các em đã chỉ toàn điểm 9, 10, trường hợp có điểm 7-8 chỉ rơi vào hy hữu một số em?

Tuyển sinh ở bậc cao hơn cũng tương tự, nhiều trường yêu cầu điểm tổng kết học bạ phải trên 8,5-9,0, kèm theo một số chỉ tiêu khác nữa như về chứng chỉ ngoại ngữ, giải học sinh giỏi từ cấp tỉnh/thành phố trở lên… Và cho rằng, tiêu chí tuyển sinh như thế này thì mới lọc được các em giỏi (xét ở tiêu chí điểm số trong học bạ), vì những điểm tổng kết như thế này là thực tế ở hầu hết ở các trường hiện nay, nhiều trường điểm tổng kết còn ở mức cao hơn nhiều.

Thành tích giáo dục là như vậy, nhưng tại sao nhiều người lại cảm thấy lo lắng, bất an đến như vậy? Vì sao đa số học sinh hạnh kiểm tốt nhưng chưa bao giờ bạo lực học đường lại ở mức báo động như hiện nay?.

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT mới đây, mỗi năm toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình có khoảng 5 vụ bạo lực/ngày. Cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì bạo lực học đường.

Trong thời gian dài vừa qua, liên tiếp có những vụ bạo lực học đường xảy ra với nhiều mức độ, nhẹ thì bè phái xúc phạm, tẩy chay đến chặn đường hành hung, quay clip tung lên mạng. Có những vụ đang trong quá trình điều tra khi có dấu hiệu bè phái, tẩy chay khiến nạn nhân tự hủy hoại mạng sống của mình. Có những vụ đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải khởi tố vụ án. Mới đây nhất là vụ một học sinh lớp 8 Trường THCS Trung Mầu (Hà Nội) bị bạn nữ đá, đạp vào mặt rất nhiều lần rồi bị tung clip lên mạng. Sau vụ việc này, nạn nhân bị sợ hãi đến trường và trầm cảm, đang phải điều trị tại khoa Tâm thần bệnh viện Bạch Mai suốt gần 2 tháng và biểu hiện bệnh ngày càng nặng. Đau xót hơn là em đã nhiều lần tự hủy hoại cuộc sống của mình bằng cách tự rạch tay, lao đầu vào tường, dí dây điện vào người… ngay cả khi đang điều trị trong bệnh viện.

Nạn bạo lực học đường không chỉ là nỗi đau hiện tại mà còn dai dẳng, ám ảnh kéo dài đối với người trong cuộc và gia đình của họ. Điển hình như vụ học sinh lớp 8 Trường THCS Trung Mầu, theo gia đình cho biết, đến nay ngoài bệnh trầm cảm ngày càng nặng thì chi phí chữa trị cho con cũng lên đến hàng trăm triệu đồng.

Rồi cũng trong môi trường giáo dục, cùng với nạn lực học đường giữa học sinh với học sinh, còn xảy ra nhiều vụ bạo lực khó có thể tưởng tượng được giữa thầy với trò, giữa các thầy cô với nhau. Điển hình như mới đây, một giáo viên tát hàng chục cái vào mặt học sinh, rồi trường hợp em .T.T.Ph, học sinh lớp 3H, trường Tiểu học Diễn Yên 1, Nghệ An không thuộc bài bị cô đánh đến bầm tím cả người, hay 1 học sinh ở trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa, Phú Yên) vì ngáp to trong lớp mà bị cô bắt nằm trên bàn, lấy thước đánh, rồi thầy giáo tại Trung tâm GDTX huyện Lục Ngạn, Bắc Giang liên tục tát vào mặt 4 học sinh ngay trên bục giảng vì những em này được cho là vi phạm các quy định về an toàn giao thông, không mặc đồng phục, mặc quần rách tới trường...

Mới đây nhất là một thầy giáo công tác tại một trường THCS ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông là phụ huynh em L.M.Q (học sinh trường THPT Lê Duẩn) tới nhà tấn công cô giáo V.T.K.Q, giáo viên Trường THPT Lê Duẩn do con bị hạnh kiểm trung bình… Và còn khá nhiều vụ việc tương tự xảy ra tại môi trường mô phạm trong thời gian vừa qua, khiến dư luận hoang mang, bức xúc.

Vì thế, đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào những thành tích và điểm số đẹp để thoát ra khỏi cơn mộng mị bây lâu nay. Bởi càng chìm đắm trong thành tích “ảo”, những hệ lụy đau lòng ngày càng trầm trọng và tồi tệ hơn.

Trước hết, thành tích ảo đang ru ngủ nhiều phụ huynh và học sinh, vì đó là những “chứng chỉ” để bố mẹ yên tâm con mình đã giỏi, đã ngoan mà không cần phải nhìn lại xem con còn hạn chế, thiếu sót ở đâu. Trong khi với một đứa trẻ đang trong giai đoạn học hỏi, phát triển nhân cách thì có vô vàn những thiếu sót mà cha mẹ, gia đình cần quan tâm để uốn sửa.

Cũng những thành tích “ảo” sẽ tạo ra những thế hệ học sinh ảo tưởng về bản thân. Nhiều em tự bằng lòng với những điểm số đẹp, kết quả hoàn hảo mà nghĩ rằng không cần phải cố gắng, từ đó làm thui chột khả năng tư duy, sáng tạo của các em.

Và nguy hại hơn, những thành tích hoàn hảo đó khiến nhiều em đang tự cho mình là những “ông trời con” trong gia đình và xã hội, không biết phân định đúng sai, thiếu kiểm soát như xảy ra những chuyện bất như ý, điển hình là các vụ bạo lực vừa qua cũng xuất phát từ những nguyên nhân rất nhỏ, chủ yếu là không vừa ý nhau, nói xấu nhau nên đánh nhau dằn mặt để chứng tỏ bản thân.

Đã đến lúc, chúng ta phải trả lại giá trị thật cho những tờ giấy khen “Học sinh giỏi”, để không còn tình trạng cầm tờ giấy khen trên tay nhưng nhiều phụ huynh vẫn cảm thấy “ngại”, cảm thấy bất an về con mình, về môi trường giáo dục./.

Bài liên quan
Nhiều tổ hợp xét tuyển mới xuất hiện trong mùa tuyển sinh 2025
Mùa tuyển sinh năm 2025, nhiều trường đại học dự kiến thay đổi tổ hợp xét tuyển để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tròn 80 năm quân đội ra đời: Bản hùng ca bất hủ trong thời đại Hồ Chí Minh
80 năm qua, dưới sự lãnh đaọ của Đảng, quân đội ta đã lập nên bao chiến công lẫy lừng. Tất cả đã đi vào lịch sử dân tộc, tạo nên bản anh hùng ca bất hủ trong thời đại Hồ Chí Minh.
Mới nhất