“Đấu trường” Bắc Cực tăng nhiệt khi Mỹ-Nga-Trung ra sức cạnh tranh
VOV.VN - Trong khi Mỹ và Nga tập trung vào các cuộc tập trận tại Bắc Cực, Trung Quốc lại “để mắt” tới một nhánh mới của Con đường Tơ lụa ở khu vực này.
Franz Josef Land – quần đảo được băng bao phủ ở Bắc Băng Dương, cách đây một vài năm vẫn là một nơi hầu như không có người sinh sống nhưng do biến đổi khí hậu, tất cả mọi thứ đều đang thay đổi nhanh chóng.
Không có nơi nào trên Trái Đất biến đổi khí hậu dễ nhận thấy như ở vùng cực. Sự ấm lên toàn cầu đã khiến cho lượng băng ở các đại dương sụt giảm mạnh mẽ, nhưng cũng đồng thời tạo điều kiện cho các tàu thuyền có thể đến Bắc Cực vào những tháng mùa hè. Điều này đang phơi bày những mối đe dọa an ninh mới với nước Nga.
Cơn ác mộng tồi tệ của Nga
Giữa lúc băng ở Bắc Cực tan chảy, Nga đang triển khai binh lính và các trang thiết bị tới đây với mức độ chưa từng thấy. Trong suốt lịch sử, Nga đã được bảo vệ khỏi những mối đe dọa từ phía bắc nhờ khu vực Bắc Băng Dương bị đóng băng. Tuy nhiên, những khối băng tối thiểu vào mùa hè ở đại dương này những năm gần đây chỉ bằng chưa tới 1/3 mức trung bình vào những năm 1980. Bắc Băng Dương đã mất gần 2,5 triệu mét vuông băng và có thể gần như không còn băng vào mùa hè vào giữa thế kỷ này.
Việc băng tan chảy trên quy mô lớn là "cơn ác mộng tồi tệ" của Nga, Michael Kofman, một nhà nghiên cứu cấp cao tại CNA, một tổ chức nghiên cứu tại Arlington, Virginia đánh giá, đồng thời nhận định: "Điều này sẽ mở ra một mặt trận mới trong cuộc xung đột với Mỹ". Trong số 5 quốc gia có đường bờ biển dài đáng kể ở Bắc Cực - Canada, Đan Mạch, Na Uy, Nga và Mỹ - Nga là nước có đường bờ biển dài nhất.
"Ở một khía cạnh nào đó, Nga đang có những biên giới bên ngoài mới cần được bảo vệ trước những mối đe dọa tiềm ẩn", Viện Nghiên cứu Các vấn đề an ninh Quốc tế Đức - một tổ chức nghiên cứu ở Berlin nhận định.
Trung tá Balabeg A. Eminov, chỉ huy lực lượng chống hạm và các cơ sở khác ở Franz Josef Land, nơi đặt Căn cứ Arctic Trefoil của Nga cho biết: "Trước đây, vấn đề quan trọng đặt ra là sự hạn chế trong việc tiếp cận Bắc Cực của các tàu thuyền do băng tuyết. Tuy nhiên, hiện nay, những vùng biển mở đang ngày càng mở rộng và đi cùng với đó là những khu vực mà tàu thuyền có thể hoạt động dễ dàng hơn".
Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực
Việc máy bay vận tải hạng nặng 4 động cơ Ilyushin Il-76 có thể hạ cánh ở quần đảo Franz Josef Land giữa Bắc Băng Dương là một bằng chứng cho thấy sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Nga ở khu vực xa xôi này của thế giới,
Nga gần đây đã mở rộng đường băng ở căn cứ không quân Nagurskoye trên quần đảo này thêm 3.500 mét, đồng nghĩa với việc nó có thể được sử dụng cho các máy bay quân sự của Nga hạ cánh và tiếp nhiên liệu, trong đó có các chiến đấu cơ tuần tra trên bầu trời vùng cực.
Khi được hỏi liệu những máy bay ném bom chiến lược hạng nặng của Nga như "Gấu già" TU-95 có thể hoạt động ở đây hay không, Thiếu tướng Igor Churkin đã trả lời đầy tự hào rằng điều này có thể thực hiện.
"Dĩ nhiên là chúng có thể. Hãy nhìn xem. Chúng tôi có thể hạ cánh tất cả các loại máy bay ở căn cứ này".
Căn cứ Arctic Trefoil, được hoàn thành vào năm 2017, cách một phần quần đảo Svalbard của Na Uy - một lãnh thổ của NATO chỉ 257 km về phía bắc.
Căn cứ mới này là nơi hoạt động của khoảng 150 binh lính và là một phần trong điều mà Tổng thống Nga Putin gọi là nỗ lực quan trọng thúc đẩy sự hiện của Nga ở Bắc Cực nhằm đảm bảo "tương lai"của nước Nga.
Căn cứ trên cũng được Nga coi là một trung tâm radar hiện đại giám sát các hoạt động của tàu thuyền và chiến đấu cơ của NATO. Chỉ huy căn cứ này cho biết, quân đội Nga ở đây thường xuyên theo dõi Mỹ và các chiến đấu cơ khác mà họ coi là kẻ thù.
"Chỉ ngày hôm qua thôi, chúng tôi đã nhận thấy hoạt động của một máy bay trinh sát của NATO. Chúng tôi đã giám sát nó trong 4 tiếng bằng cách truyền thông tin về vị trí máy bay và hướng đi của nó tới các trung tâm chỉ huy cao hơn. Kẻ thù của chúng tôi không thể phát hiện ra điều này", ông Churkin nhận định.
Trong cuộc họp báo hôm 20/5, Đô đốc Aleksandr A. Moiseyev, chỉ huy Hạm đội phương Bắc cũng cho biết sự tăng cường lực lượng của Nga là nhằm phản ứng trước những động thái quân sự ngày càng gia tăng của phương Tây ở Bắc Băng Dương.
"Hải quân của NATO thường xuyên đưa những tàu chiến trên mặt nước hoặc thậm chí các đội tàu hộ tống tới vùng biển này và ở lại lâu hơn so với trước đây", Đô đốc Moiseyev cho hay. Ông cũng gọi đây là hoạt động quân sự đáng chú ý nhất trong khu vực kể từ Thế chiến II. Về phía Nga, Hạm đội phương Bắc sẽ tiến hành các cuộc thử nghiệm trên biển với 13 tàu thuyền mới vào năm nay, đồng thời cho biết hơn 40 tàu đã sẵn sàng hoạt động.
Điểm nóng châm ngòi xung đột Nga – Mỹ?
Nhà Trắng coi việc Nga tăng cường lực lượng là một mối lo ngại ngày càng gia tăng. Phát biểu trước Hội đồng Bắc Cực, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, Mỹ "lo ngại về một vài động thái quân sự gia tăng ở Bắc Cực".
Trong khi đó, hôm 20/5, Tổng thống Putin đe dọa sẽ khiến những kẻ thù nước ngoài phải "trả giá" nếu muốn "cắn miếng bánh của Nga". Nhà lãnh đạo Nga chỉ trích những nhận định cho rằng việc Nga sở hữu một khu vực rộng lớn và giàu tài nguyên như Siberia là "không công bằng", đồng thời nói rằng những nhận định kiểu như vậy đôi khi được đưa ra "trong những bài phát biểu công khai". Tổng thống Putin không nêu chi tiết những bài phát biểu mà ông nhắc đến là của ai, song cảnh báo hậu quả nếu bất kỳ bên nào định tiến hành những hành động như vậy. Ông cũng cho rằng việc phát triển lực lượng vũ trang Nga là giải pháp duy nhất hiện nay.
Theo Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie ở Moscow, cuộc cạnh tranh giữa Nga và phương Tây có thể sẽ diễn ra ở Bắc Cực bởi một lý do đơn giản.
"Ở đây có nhiều thứ để khai thác, và đây là khu vực có thể sinh lợi nhuận với rất nhiều tài nguyên sẵn có, cùng với khí tự nhiên và kim loại hiếm".
Chính Nga cũng khẳng định trong kế hoạch Bắc Cực của nước này rằng: "Biến đổi khí hậu tạo điều kiện cho nhiều cơ hội kinh tế mới". Do đó, chính phủ Nga và các công ty có thể sẽ nghĩ tới nhiều ý tưởng thu lợi nhuận để tận dụng những cơ hội từ biến đổi khí hậu qua việc khai thác nguồn dữ trự dầu, khí đốt và than đá mới tiếp cận được. Moscow cũng dự định phát triển một tuyến đường biển ở Bắc Băng Dương giữa châu Âu và châu Á gọi là Tuyến Biển Bắc.
Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, kế hoạch trên có trở thành nguồn cơn căng thẳng mới giữa Nga và Mỹ bởi Washington coi tuyến đường biển này là một tuyến trao đổi thương mại quốc tế. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Washington sẽ bảo vệ quyền tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải ở Bắc Cực, tương tự như những gì nước này hiện đang làm ở Biển Đông.
Ngoài ra, nhà phân tích Trenin cho rằng, còn có "một yếu tố quân sự mạnh mẽ" nữa lý giải sự mở rộng của Nga ở Bắc Cực.
"Nếu bạn nhìn vào quả địa cầu thay vì bản đồ, bạn sẽ nhận ra rằng tuyến đường ngắn nhất giữa các căn cứ tên lửa của Mỹ và các mục tiêu của Nga không phải là qua Đại Tây Dương mà là qua Bắc Cực. Tương tự, đây cũng là con đường ngắn nhất cho các tên lửa của Nga nhắm vào các mục tiêu của Mỹ"./.