Coi thường pháp luật về bảo vệ trẻ em đang là hiện tượng phổ biến?

29/03/2023, 08:03

Coi thường pháp luật về bảo vệ trẻ em đang là hiện tượng phổ biến. Người lớn đang tự cho mình cái quyền “dạy dỗ”, chỉ bảo, thích làm gì thì làm với con trẻ.

Liên tiếp các vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em, thậm chí ép trẻ làm những việc phi pháp đã bị phát giác trong thời gian qua, làm dư luận không chỉ bức xúc, phẫn nộ mà còn lo lắng. Lo lắng bởi lẽ, xã hội ngày càng phát triển, văn minh thì những hình thức hành hạ trẻ ngày càng hoang dại, thú tính. Những đứa trẻ chưa có khả năng tự vệ, phản kháng, bị chính cha mẹ, giáo viên, những người chăm sóc thường xuyên làm tổn thương, tổn hại. Quyền trẻ em, quyền được bảo vệ của trẻ bị xâm phạm nghiêm trọng.

Những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình đổ vỡ hôn nhân không chỉ thiếu hụt tình cảm mà còn trở thành “mồi ngon” cho các đối tượng bạo hành.

Vụ việc mới nhất là bé 3 tuổi ở TP.HCM có dấu hiệu bị bạo hành, dụ dỗ và ép sử dụng chất ma túy. Cơ quan chức năng đã tạm giữ  mẹ đẻ và người tình để làm rõ vụ việc. Nếu sự thật đúng như clip lan truyền trên mạng xã hội thì 2 kẻ bất lương này đối diện với khung hình phạt từ 15 năm đến 20 năm tù.

Chưa đầy 1 tháng, 2 vụ việc liên quan đến trẻ em gây rúng động dư luận. Đầu tháng 3 vừa qua, 2 bảo mẫu ở huyện Thanh Trì - Hà Nội đã bị bắt giam để điều tra về hành vi bạo hành bé trai 17 tháng tuổi dẫn đến tử vong. Giữa tháng 10 năm ngoái, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trung Huyên (sinh năm 1993, trú tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội), kẻ đóng đinh vào đầu bé gái 3 tuổi gây rúng động dư luận, mức án tử hình về tội “Giết người” và 4 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Còn rất nhiều vụ việc lớn nhỏ khác về bạo hành trẻ em, kể cả các vụ chưa bị phát hiện.

Xâm hại trẻ em luôn là hành vi bị xử lý nghiêm khắc, bị áp dụng chế tài tăng nặng theo quy định của pháp luật cho dù là xử lý vi phạm hành chính hay hình sự. Nhưng vì sao, những vụ việc như vậy vẫn không có dấu hiệu dừng lại?

Trả lời phỏng vấn VOV, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em xảy ra thường xuyên là do thiếu hiểu biết pháp luật về bảo vệ trẻ em, coi trẻ em là đối tượng phụ thuộc, yếu thế để trút bỏ, áp đặt những cơn nóng giận, bực tức, hận thù, những ham muốn vô lý, vô luân lên một đứa trẻ.

Rõ ràng, coi thường pháp luật về bảo vệ trẻ em đang là hiện tượng phổ biến. Người lớn đang tự cho mình cái quyền “dạy dỗ”, chỉ bảo, thích làm gì thì làm với con trẻ. Lối hành xử “thương cho roi cho vọt” vẫn đang hiện diện ở nhiều gia đình, nhiều cộng đồng trong xã hội.

Dùng đòn roi để dạy bảo và dùng đòn roi để hành hạ, ngược đãi - khoảng cách rất mong manh. Thậm chí, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng khi trả lời cơ quan chức năng, kẻ xâm hại vẫn thản nhiên trả lời: Chỉ là đùa giỡn con trẻ!

Đã có người cười khẩy khi một vị Giáo sư đề cập việc giáo dục quyền con người cho trẻ mầm non. Vì sao? Vì nhiều người vẫn nghĩ, trẻ em biết gì mà tuyên truyền về quyền này quyền nọ. Vị giáo sư kia nói rằng: Một đứa trẻ 3 tuổi ở Việt Nam, có khi nào chúng được hỏi thích màu gì khi cha mẹ định mua cho chúng một tấm áo hay một món đồ chơi? Nhưng ở nhiều quốc gia khác, chuyện này là hết sức bình thường. Cũng chính vì coi thường trẻ, không tôn trọng quyền của trẻ nên mới dẫn đến các vụ việc đau lòng.

Bảo vệ trẻ em không phải là trách nhiệm đạo lý mà còn là trách nhiệm pháp lý đã được luật hóa. Hiến pháp 2013 đã bổ sung rất nhiều quyền con người, trong đó có quyền trẻ em. Từ văn bản pháp lý cao nhất, chúng ta đã cụ thể hóa bằng rất nhiều điều luật và văn bản dưới luật. Nhưng pháp luật có đến được với người dân hay không mới là điều quan trọng. Việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật hiện nay vẫn là khâu yếu, nhất là pháp luật liên quan đến quyền trẻ em.   

Cũng đừng quên rằng, chúng ta có 17 cơ quan bảo vệ trẻ em, có trách nhiệm phòng chống, giải quyết các vấn đề xâm hại trẻ em. Quốc hội có giám sát tối cao về thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em và đã ra Nghị quyết 121 (QH khóa XIV) về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.

Hãy xử thật nghiêm các vụ việc xâm hại trẻ em, tuyên truyền mạnh mẽ pháp luật về bảo vệ trẻ em, phát hiện sớm các dấu hiệu, nguy cơ trẻ bị xâm hại, đặc biệt trẻ bị bạo lực, hay xâm hại tình dục…. Đó là việc đáng làm và phải làm, càng sớm càng tốt./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất