Khoai lang là món ăn quen thuộc với đa số người Việt Nam. Ở nước ta có nhiều loại khoai lang được trồng ở khắp nơi như khoai lang trắng, khoai lang tím, khoai ruột vàng. Khoai lang rất dễ chế biến thành nhiều món ăn dân dã như luộc, nướng, làm mứt, làm bánh, nấu chè.
Theo bài viết báo VnExpress, Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ chia sẻ, khoai lang là thực phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng cao như protein, lipid, vitamin, chất xơ và các khoáng chất khác.
Tuy nhiều dinh dưỡng nhưng hàm lượng calo trong khoai lang khá thấp, chỉ 85 calo trong mỗi 100g. Đây là yếu tố quan trọng để khoai lang được đưa vào danh sách những thực phẩm hỗ trợ giảm cân.
Có nên ăn khoai lang lúc đói?
Theo bài viết trên website Nhà thuốc Long Châu được kiểm duyệt nội dung bởi Dược sĩ Đại học Trần Thị Dương, nếu bạn đang đói, ăn khoai lang có thể không phải là lựa chọn tốt nhất.
Khoai lang kích thích tiết axit dạ dày, vì vậy, nếu bạn có vấn đề về dạ dày, hãy tránh ăn khoai lang lúc đói để không làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Khoai lang chứa nhiều đường và ăn chúng khi đói có thể làm tăng tiết dịch vị, gây ra các triệu chứng như nóng ruột, đầy hơi và ợ chua.
Để giảm những tác động này, hãy luộc kỹ khoai lang và thêm một chút rượu vào quá trình nấu để phá hủy các enzym gây khó tiêu. Uống nước gừng cũng có thể giúp giảm chướng bụng. Ngoài ra, ăn khoai lang khi đói còn có thể làm giảm huyết áp và gây mệt mỏi do sự sụt giảm đường huyết.
Ăn khoai lang khi nào tốt nhất?
Dưới đây là thời điểm ăn khoai lang có ảnh hưởng đến hiệu quả giảm cân.
Ăn khoai lang vào bữa sáng
Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh chia sẻ trên website Nhà thuốc Long Châu, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, vì vậy bạn cần chọn những thực phẩm cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể.
Khoai lang là một lựa chọn tuyệt vời cho bữa sáng, vì nó chứa carbohydrate phức tạp, chất xơ và nhiều vitamin, khoáng chất. Ăn khoai lang vào bữa sáng giúp bạn cảm thấy no lâu, giảm cảm giác đói và ngăn ngừa ăn quá nhiều trong các bữa ăn sau.
Ngoài ra, khoai lang còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa và cải thiện sức khỏe da. Bạn có thể ăn khoai lang luộc, nướng, hấp hoặc làm salad, xôi, chè, bánh... để đa dạng hóa khẩu vị.
Ăn khoai lang vào bữa trưa
Theo website Hellobacsi, bữa trưa cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể sau những giờ làm việc buổi sáng. Tuy nhiên, nếu bạn ăn quá nhiều cơm, bánh mì, mì, phở... bạn sẽ dễ bị tăng cân và mệt mỏi.
Thay vào đó, bạn nên ăn khoai lang thay cho những thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao. Khoai lang sẽ cung cấp cho bạn đủ năng lượng mà không làm tăng đường huyết và insulin. Điều này giúp bạn giảm nguy cơ bị tiểu đường, béo phì và các bệnh tim mạch.
Hơn nữa, ăn khoai lang vào bữa trưa còn giúp bạn hấp thụ tốt canxi, một khoáng chất quan trọng cho xương khớp. Bạn nên ăn khoai lang vào khoảng 12 - 13 giờ, khi ánh nắng mặt trời có tác dụng tốt nhất cho quá trình hấp thụ canxi. Bạn có thể kết hợp khoai lang với các loại rau xanh, đậu, thịt, cá, trứng... để tăng độ ngon và cân bằng dinh dưỡng.