
Mức xử phạt tại Nghị định 168 đã rất nghiêm khắc
Mới đây tại Nghị trường Quốc hội, một số đại biểu góp ý về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, có đại biểu đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy lên tới 200 triệu đồng. Ý kiến đề xuất này gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thạch, Phó Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam cho rằng: "Theo tôi, hiện nay, Nghị định 168 mới được ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã rất nghiêm khắc. Nhiều hành vi vi phạm mức xử phạt đã nâng lên rất cao so với Nghị định NĐ 100/2019. Nếu đề xuất tăng mức xử lý vi phạm chỉ nên lựa chọn một số hành vi cố tình vi phạm gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông".
Cụ thể, những hành vi cố tình vi phạm gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông như đi ngược chiều, lùi xe, quay đầu xe trên cao tốc, xe máy đi vào đường cao tốc hoặc chở quá tải gây hư hỏng kết cấu hạ tầng, nhồi nhét khách; điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia, chất ma tuý...
"Những hành vi khác khó phân biệt giữa cố ý vi phạm và vô tình vi phạm nên giữ như NĐ168. Vì hiện nay có trường hợp vi phạm là do vô tình, ví dụ đường rất đông, một xe con đi sau một xe khách không quan sát được đèn đỏ, rất dễ phạm lỗi. Vì vậy theo tôi có thể tăng mức phạt ở 6 thành phố trực thuộc trung ương, nhưng không tăng tất cả, chỉ chọn một số hành vi cố ý, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông", Phó Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam nêu quan điểm.
Đề xuất nâng mức phạt vi phạm an toàn giao thông lên tới 200 triệu là quá cao so
Liên quan đến đề xuất này, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng: "Giao thông ở Việt Nam có đặc thù riêng nhưng không nằm ngoài các nguyên lý giao thông của các nước trên thế giới. Quá trình xử phạt vi phạm cũng phải hòa nhập quốc tế, trong đó lưu ý tới những đặc điểm riêng của Việt Nam bao gồm văn hóa tham gia giao thông, quy mô nền kinh tế. Để đưa ra mức xử phạt, các nước căn cứ vào những yếu tố như thu nhập và mức độ vi phạm trật tự an toàn giao thông của người dân”.

Theo TS. Khương Kim Tạo, trên thực tế, ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông của người dân đã được nâng lên. Đặc biệt là sau khi Nghị định 168 có hiệu lực thi hành. “Ý thức của người dân đã tăng lên rõ rệt, tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe đã giảm đáng kể. Số vụ tai nạn giao thông trong các kỳ nghỉ lễ cũng đã giảm. Bằng chứng là trong 5 ngày nghỉ lễ từ 30/4 tới 4/5 vừa qua, cả nước xảy ra 268 vụ tai nạn giao thông, làm 128 người thiệt mạng và 203 người bị thương. So với kỳ nghỉ lễ năm 2024, giảm 79 vụ tai nạn, giảm 10 người chết và giảm 82 người bị thương”, TS. Khương Kim Tạo chia sẻ.
Vì vậy, TS. Khương Kim Tạo bày tỏ băn khoăn: "Việc triển khai Nghị định 168 có hiệu quả thì chúng ta có nhất thiết phải tiếp tục nâng cao mức phạt nữa hay không? Vì mục đích của xử phạt là giáo dục con người, tạo ra văn hóa ứng xử, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Giáo dục con người phải hài hòa giữa giáo huấn và trừng phạt”.
TS. Khương Kim Tạo dẫn chứng số liệu của Tổng cục Thống kê, mức thu nhập bình quân của lao động Việt Nam năm 2024 là 7,7 triệu đồng/tháng. "Nếu xử phạt cao gấp nhiều lần mức thu nhập bình quân của người dân thì sẽ không phù hợp và khả thi vì đa số người dân không đủ khả năng nộp phạt. Mức phạt 200 triệu đồng là quá cao so với thu nhập của rất nhiều người dân. Do đó, tôi cho rằng chỉ cần duy trì mức phạt hiện hành mà không nhất thiết phải điều chỉnh”, TS. Khương Kim Tạo nhấn mạnh.