Chưa được cấp phép, Temu vẫn dùng đủ chiêu trò giữ chân khách Việt

29/10/2024, 19:44

VOVLIVE - Hàng hóa trên Temu không thật sự rẻ, đây chỉ là hệ thống đa cấp khổng lồ đang càn quét khắp thế giới và có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp Việt.

Temu - nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới xuất hiện rầm rộ tại Việt Nam gần một tháng nay. Sau khi bị báo chí phản ánh vì hoạt động không phép, đến ngày 24/10, Temu mới có văn bản gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương về thực hiện các yêu cầu pháp luật thương mại điện tử Việt Nam. Hiện đơn này vẫn chưa được xét duyệt.

Dù chưa được cấp phép, ứng dụng này vẫn đang tìm mọi cách để lôi kéo người dùng.

Loạt chiêu trò lôi kéo người dùng

Dù đã xóa ứng dụng Temu sau vài giờ tải vì cho rằng bản thân bị "dắt" quá nhiều, thế nhưng, chị Hồng Huế (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) vẫn phải nhận email chào mời từ ứng dụng này mỗi ngày.

Ứng dụng mua sắm trực tuyến Temu.
Ứng dụng mua sắm trực tuyến Temu.

"Lúc cài đặt thì ứng dụng này bắt tôi nhập địa chỉ email và số điện thoại, tôi làm theo. Nhưng sau đó 2 tiếng tôi đã xóa đi vì thấy nó không an toàn. Cứ tưởng xóa đi là xong, thế mà tới bây giờ, ngày nào sàn này cũng gửi email cho tôi, chào mời mua hàng với những ưu đãi riêng. Tôi cảm giác rằng ứng dụng này đang cố gắng mọi cách để không tuột mất khách hàng nào", chị Hồng Huế cho hay.

Email Temu gửi đến chị Huế hầu hết đều mang nội dung chị là khách hàng đặc biệt, được hưởng ưu đãi với mức giảm giá lên đến 90%. Chị cần nhanh tay thêm vào giỏ hàng vì ưu đãi chỉ có thời hạn ngắn.

Trường hợp của chị Huế cũng là tình trạng nhiều người gặp phải khi "tải thử Temu cho biết". Hộp thư đến của họ liên tục nhận được chào mời kèm ưu đãi tưởng chừng duy nhất "một mình mình", dù rằng đã xóa ứng dụng từ lâu. 

Ngoài cách thức gửi email cho người dùng, theo nhiều người, "chiêu" giảm giá sâu đến 90% cũng khiến nhiều người sập "bẫy".

Lướt một vòng ứng dụng Temu, không khó để thấy những mặt hàng được giảm giá đến 90%. Chẳng hạn, máy hút bụi có giá gốc gần 3 triệu đồng, nhưng người mua chỉ cần trả 300 nghìn đồng đã có thể sở hữu. Đáng nói, người mua sẽ không cần trả thêm bất kỳ chi phí vận chuyển nào. Hay, chiếc túi xách có giá hơn 7,1 triệu đồng, được giảm đến 74% chỉ còn gần 1,8 triệu đồng.

Với cách hiển thị giá gốc cao ngất ngưởng cạnh bên giá bán rẻ bèo, cùng với thời gian ưu đãi có hạn, nhiều người đã nhanh chóng "chốt đơn". Dù vậy, việc giảm giá quá sâu cũng khiến một số người nghi ngại.

"Temu này là app gì vậy cả nhà ơi? Sao mà nó rẻ vậy? Tổng gần 10 món mà có 800 nghìn, trong khi giá gốc gần 9 triệu, có lừa đảo không vậy cả nhà? Nhưng mà nó bắt mua tối thiểu phải 740 nghìn và thanh toán trước thì mới được giảm vậy. Thấy rẻ cũng ham mà lo quá cả nhà!", chị Thùy Trần (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) lên Facebook để thăm dò thông tin về ứng dụng Temu.

Cùng một sản phẩm, mức giá gốc và khuyến mãi của Temu (trái) đều cao hơn ở sàn khác.
Cùng một sản phẩm, mức giá gốc và khuyến mãi của Temu (trái) đều cao hơn ở sàn khác.

Một chiêu thức khác của ứng dụng này đang khiến nhiều người "phát sốt" vài ngày trở lại đây là chương trình tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing) để mở rộng mạng lưới người dùng. Mở tài khoản có ngay số dư 50 nghìn đồng, giới thiệu thêm một người tải có thêm 150 nghìn đồng trong tài khoản app. 

"Tôi tải app lúc 6h sáng 23/10, đến 9h, tức sau 3 tiếng tôi có số dư tài khoản hơn 9 triệu đồng mà chưa phải làm bất kỳ điều gì. Nếu tôi chịu khó chia sẻ, tạo nhóm này nọ thì con số có thể lên đến hàng chục triệu. Chính điều này đã kích thích người ta chia sẻ nhiều hơn, chính tôi cũng vậy. Mặc dù chưa biết làm gì với số dư trong tài khoản này vì chưa thể dùng nó để mua hàng và cũng chẳng thể rút tiền mặt được", anh B.G (ngụ TP.HCM), một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Facebook cho hay.

Theo nhiều nguồn thống kê không chính thức, tính đến ngày 29/10, Temu đã thu hút gần 150.000 lượt cài đặt tại Việt Nam.

Cảnh báo đa cấp online

Theo nhiều người dùng, dù hiển thị mức giá giảm sâu, nhưng thực chất giá cả tại Temu không hề thấp hơn những sàn thương mại khác. Thậm chí, nhiều sản phẩm tại Temu có giá cao hơn.

"Nhà của họ thì đăng gì chẳng được. Giá gốc 1 triệu mà nói là 10 triệu, rồi chơi chiêu giảm 90% còn 1 triệu thì mấy người biết được. Khổ người dùng, cứ thấy giảm sâu là ham mà không hề biết bị dắt mũi', đánh giá của một khách hàng trên ứng dụng Temu. 

Để xác thực, PV thử tìm kiếm mặt hàng là chiếc túi xách được hiển thị giảm 74% nói trên tại Temu. Tại đây, sau khi giảm giá, chiếc túi này còn 1,7 triệu đồng. Thế nhưng, cùng chiếc túi này khi tìm mua trên sàn S., chỉ có giá 1,5 triệu đồng (giá gốc hiển thị là 1,6 triệu đồng).

Ông Mai Quốc Bình - Chủ tịch Công ty Cổ phần Thế Giới Giấy cho rằng, có thể Temu sẽ làm tê liệt và đánh sập các doanh nghiệp sản xuất trong nước. 

Với nhiều năm kinh nghiệm trong mảng Affiliate Marketing, ông Mai Quốc Bình nêu 4 lý do khiến Temu phát triển thần tốc tới hơn 80 quốc gia trong 2 năm.

Đầu tiên, không thể phủ nhận là sự hỗ trợ từ Pinduoduo - một nền tảng TMĐT khổng lồ, lắm tiền ở Trung Quốc, cũng là cha đẻ của Temu. 

Thứ hai là giá bán thấp. Temu hoạt động như một nền tảng kết nối người tiêu dùng trực tiếp với các nhà sản xuất chủ yếu từ Trung Quốc, loại bỏ các khâu trung gian như nhà phân phối và bán lẻ. Điều này giúp giảm đáng kể chi phí và cho phép nền tảng này cung cấp sản phẩm với mức giá thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Không giống như các nền tảng khác như Amazon, Lazada, Shopee, Tikshop - Nơi người bán tự do định giá. Temu kiểm soát chặt chẽ giá bán của các nhà cung cấp để đảm bảo giá luôn ở mức cạnh tranh.

Thứ ba là chiến lược thu hút người dùng. Temu khuyến khích rủ thêm bạn bè cùng mua để được giảm giá thêm. Chiến lược này không chỉ làm tăng doanh số mà còn tạo ra hiệu ứng lan truyền, khuyến khích sự tham gia rộng rãi của người tiêu dùng. Hệ thống vì vậy tăng lên theo cấp số nhân.

Mời chào bằng chiêu giảm sâu tới người dùng.
Mời chào bằng chiêu giảm sâu tới người dùng.

Cuối cùng là Affiliate Marketing, cũng chính là thứ kinh khủng nhất của Temu.

"Gọi là mô hình Affiliate Marketing cho thời thượng, sang miệng thôi, thực chất đây là một mô hình kinh doanh đa cấp online (MLM). Họ chi hoa hồng cho người này giới thiệu người kia. Giới thiệu được thêm tiền, người được giới thiệu mua hàng thì người giới thiệu lại được nhận tiền. Cứ như vậy cơn bão giới thiệu lan đi như một loại virus.

Không những vậy, họ liên tục cập nhật số tiền mà người làm Affiliate Marketing nhận được. Kiểu như “Có người sắp đuổi kịp bạn rồi kìa”, “Chỉ cần thêm chút xíu này nữa thôi bạn sẽ đạt được mốc này, mốc kia… Cứ như vậy dân Affiliate Marketing bị kích thích lòng tham.

Và thế là họ lùa bất chấp từ người thân, bạn bè chỉ mong muốn để được thưởng, được trích hoa hồng. Lúc này họ chẳng quan tâm đến hàng rẻ hay đắt, họ chỉ quan tâm đến số tiền mình nhận được, cứ như vậy người này kéo người kia không hồi kết", ông Bình phân tích.

Theo Chủ tịch Công ty Cổ phần Thế Giới Giấy, mô hình đa cấp truyền thống cũng y hệt vậy. Những người trong hệ thống chèo kéo bất chấp dù giá trên trời, cao hơn giá trị thật. Thứ duy nhất họ quan tâm là hoa hồng nhận được.

Temu lợi hại hơn là làm online, mời các KOL, KOC tham gia, quảng cáo.

"Thực chất hàng trên Temu không hề rẻ, nó chỉ là một hệ thống đa cấp khổng lồ đang càn quét khắp thế giới mà thôi. Temu ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp Việt Nam và ứng phó thế nào? Không những ảnh hưởng mà nguy cơ dẹp tiệm là rất cao. Đây là một cuộc chiến không cân sức", ông Bình đánh giá.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng.

“Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử. Thời gian thực hiện trong tháng 10/2024”, văn bản của Bộ Công Thương chỉ rõ.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tham mưu cho lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Đơn vị cũng cần chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.

Thy Huệ
Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng cho ý kiến tháo gỡ vướng mắc cho VOV trong xử lý các vấn đề của VTC
Nói về các vấn đề của VTC trong xử lý vấn đề nhân sự, Thủ tướng chỉ rõ, tinh thần chung là đảm bảo được quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Mới nhất