Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Tọa đàm góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

Lê Tuyết/VOV | 04/03/2023, 22:20

Sáng 4/3, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh diễn ra Tọa đàm góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Tọa đàm còn có sự tham gia trực tuyến của 5 Học viện trực thuộc.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhắc lại 4 vấn đề cơ bản cần quán triệt khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo kết luận của Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là, cần bám sát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng, chính sách trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII; nghị quyết, kết luận của Đảng; nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt là 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 chính sách lớn tại Nghị quyết số 18 của Trung ương về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ luật hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ.

Kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng. Luật hóa, cụ thể hóa tối đa những nội dung trong các văn bản quy định chi tiết thành luật đã được áp dụng hiệu quả qua các thời kỳ.

Chỉ luật hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ

Sửa đổi, bổ sung những quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhưng phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm. Quá trình làm luật phải đề phòng cài cắm lợi ích nhóm. Đồng thời cần chỉ rõ vướng mắc chỗ nào, hổng chỗ nào, để giải quyết. Tránh tình trạng giải quyết được điểm nghẽn này lại xuất hiện điểm nghẽn khác, bịt được lỗ hổng này, lại sinh ra lỗ hổng khác.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo ra động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Cân nhắc kỹ, không đưa vào luật những vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng mang tính sự vụ, hiện tượng nhỏ lẻ, cá thể; quá trình sửa đổi luật cần được thực hiện một cách bài bản, khoa học, khách quan, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm các nước, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân; tiếp thu, giải trình đầy đủ, cầu thị; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội.

Gợi mở những vấn đề để các nhà khoa học, các diễn giả, đại biểu tham gia tọa đàm tập trung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc tới nhóm nội dung quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ pháp luật về đất đai, nhất là vấn đề minh định rõ giữa đại diện chủ sở hữu về đất đai với quản lý nhà nước về đất đai; giữa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng chủ thể; cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực đất đai để góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai.

Cụ thể, trong 3 cấp chính quyền địa phương thì cấp xã là cấp sát với dân nhất, nhưng cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã đều chưa được đề cập trong dự thảo luật; vai trò của từng cấp chính quyền địa phương cũng chưa đủ rõ.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề lớn cả về lý luận và thực tiễn. Đất đai là tài sản đặc biệt, có giá trị và ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế-xã hội và mọi mặt của đời sống xã hội. Đây cũng là một trong những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao và nghiêm trọng nhất. Hiện có khoảng 70% khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài. Do vậy, khi thiết kế các quy định của Luật Đất đai phải bảo đảm nguyên tắc phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát khoa học, hiệu quả giữa các cơ quan chủ thể có trách nhiệm trong quản lý Nhà nước.

Nhóm vấn đề thứ hai là thể chế hóa đầy đủ, khoa học, khả thi các quy định của số 18 của Trung ương liên quan tới các vấn đề về tài chính đất đai và giá đất. Đây là nội dung rất quan trọng và cũng rất khó của dự thảo luật đất đai. Thời gian qua cũng có nhiều vi phạm pháp luật trong xác định giá đất, làm thất thoát ngân sách, mất cán bộ.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các nhà khoa học, diễn giả, đại biểu thảo luận làm rõ hơn tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai với Luật Quy hoạch; làm rõ hơn về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về tính chất, vai trò của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh; về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giải quyết phát sinh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi luật này có hiệu lực thi hành.

Nhóm vấn đề thứ tư là về các quy hoạch về thu hồi đất, nhất là các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và nhân dân phải xuyên suốt từ giao đất, sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch

Góp ý tại hội thảo, theo Giáo sư - Tiến sĩ  Trần Ngọc Đường, Luật đất đai (sửa đổi) lần này đã thể hiện khá đậm nét kiểm soát quyền lực trong việc quản lý và sử dụng đất đai. Tuy nhiên, Giáo sư - Tiến sĩ  Trần Ngọc Đường cho rằng: “Nếu chỉ quy định một vài điều trong chương thanh tra, kiểm tra, giám sát thì chưa đủ. Nên chăng, kiểm soát quyền lực nằm suốt trong tất cả các chương. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và của nhân dân phải ở tất cả các chương, từ giao đất, sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch, chứ không phải là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người chứng kiến, hay tham gia, mà qua quá trình đó họ kiểm soát quá trình thực hiện.

Tham gia ý kiến vào nhóm vấn đề liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm trong việc thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Luật đã rất chú ý đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi, ban hành nhiều chính sách, nhưng lại chưa rõ ràng, cụ thể: "Ví dụ như người bị thu hồi đất được hỗ trợ giải quyết hỗ trợ để ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh, hỗ trợ học để chuyển việc. Nhưng ai làm, ban giải phóng mặt bằng hay là nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm? Trong Luật chưa rõ. Cho nên có thể quy định là ban giải phóng mặt bằng, anh có dự án thu mặt bằng thì anh phải nộp một quỹ nào đó để hỗ trợ các đối tượng bị thu hồi đất xem họ có cần phải chuyển việc, cần phải học việc không? Như vậy sẽ rõ hơn".

Dưới góc nhìn của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Ngân cho rằng, trong quá trình thực hiện Luật đất đai 2013, các quy định về giải quyết tranh chấp đất đai ít nhiều đã bộc lộ nhiều bất cập như việc phối hợp trong quá trình xác minh, thu thập, đánh giá chứng cứ để định giá để về quyền sử dụng đất của các cơ quan cũng chưa thực sự chặt chẽ, cơ quan quản lý đất đai cung cấp thiếu thông tin, chậm trễ cung cấp thông tin, gây khó khăn cho quá trình giải quyết tranh chấp. Đó chính là những nguyên nhân làm cho việc giải quyết vụ án kéo dài.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngân kiến nghị: Thứ nhất, cơ quan quản lý đất đai cần phải nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai, sớm hoàn thiện việc cung cấp chứng nhận đảm bảo phản ánh đúng thực tế thửa đất. Thứ hai, Nhà nước cần đưa ra những biện pháp xử phạt, chế tài xử phạt cụ thể, rõ ràng đối với những hành vi vi phạm quản lý đất đai. Có chế tài chặt chẽ, cụ thể mà Nhà nước đưa ra, giúp công tác quản lý đất đai của Nhà nước đạt được những hiệu quả tối ưu nhất. Tránh những trường hợp rủi ro xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình và các tổ chức liên quan. Vấn đề thứ ba là quy định chặt chẽ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý của các công ty được thuê đất, giao rừng, xây dựng cơ chế giám sát kịp thời phản biện, xử lý kịp thời, chấm dứt tình trạng tranh chấp kéo dài và lúng túng trong biện pháp xử lý.

Việc định giá quyền sử dụng đất phải theo cơ chế thị trường

Góp ý vào việc định giá đất, Giáo sư Vũ Văn Phúc, Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã có 4 vấn đề cần góp ý, trong đó nhấn mạnh đến phương pháp định giá đất: "Việc định giá quyền sử dụng đất phải theo cơ chế thị trường, trước hết phải tuân thủ sự đồng thuận giữa bên bán và bên mua. Đồng thuận trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa hai bên. Muốn cân bằng lợi ích hai bên thì phải thực hiện theo hai nguyên tắc: thỏa thuận dân chủ; phải cung cấp thông tin đầy đủ và trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là được nhân dân ủy quyền quản lý và thống nhất sử dụng đất đai. Theo chúng tôi, nhà nước phải phân chia lợi ích từ đất, tức là từ quyền sử dụng đất cho công dân và nhà đầu tư theo nguyên tắc thị trường, tức là thỏa thuận dân chủ và theo nguyên tắc công bằng giữa các công dân, giữa những người đang có quyền sử dụng đất với Nhà nước và giữa những người đang có quyền sử dụng đất với nhà đầu tư xác nhận đất. Cần giải quyết hài hòa các yếu tố này".

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết, 14 ý kiến phát biểu, cũng như các tham luận gửi đến toạ đàm đã thể hiện ý kiến tâm huyết, rất trách nhiệm, sâu sắc. Trên cơ sở gợi ý mang tính nguyên tắc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhiều ý kiến phát biểu xác đáng, bám sát, đồng thời mở rộng ra những vấn đề căn cốt nhất.

"Việc xây dựng luật lần này, làm sao phải dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát để phát huy được quyền làm chủ của nhân dân. Chắc chắn là giảm được những tranh chấp, khiếu kiện. Đây là vấn đề nhức nhối lắm. Đồng thời cũng cho các cơ quan nhà nước rõ để làm không sai phạm. Nếu không, vận dụng kiểu gì cũng đúng thì lại không được".

Theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, trên cơ sở cuộc tọa đàm hôm nay, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sẽ xây dựng báo cáo tổng hợp tiếp thu, chọn lọc tối đa các ý kiến để gửi cho Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra của Quốc hội./.

Bài liên quan
Thủ tướng chỉ thị các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất