Tại buổi gặp mặt, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng và đại diện cộng đồng người Việt Nam, đại diện Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta về các hoạt động của các cơ quan đại diện.
Cộng đồng người Việt Nam tại Singapore hiện nay có khoảng 25.000 người, là cộng đồng rất đoàn kết, gắn bó. Trong đó, đa phần là người trẻ, có năng lực và trí thức, nhiều người có uy tín, vị thế xã hội và làm việc tại các tập đoàn lớn tại Singapore.
Kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội, đại diện các nhà trí thức tại Singapore mong muốn hai nước Việt Nam - Singapore tăng cường hợp tác hơn nữa nhất là ở 3 lĩnh vực mà Singapore quan tâm, chú trọng gồm: năng lượng, lương thực, chuỗi cung ứng; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư cho các doanh nghiệp.
Đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Singapore đề nghị, cần đẩy mạnh hợp tác, thu hút đầu tư và hỗ trợ kiều bào khởi nghiệp; tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào quá trình lập pháp và thảo luận chính sách; cho phép các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trở thành các thành viên các tổ chức chính trị- xã hội trong nước…
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Singapore thời gian qua, sự tham gia tích cực các hoạt động hướng về cội nguồn, quê hương như hỗ trợ người dân trong nước trong các đợt thiên tai, bão lũ; tin tưởng rằng, cộng đồng người Việt Nam tại Singapore sẽ ngày một phát triển, đoàn kết, hướng về đất nước.
Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, chuyến thăm lần này của Đoàn nhằm thúc đẩy nâng cấp quan hệ song phương giữa hai nước lên Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện trong năm 2025 - thời điểm quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội đã thông báo với cộng đồng người Việt Nam tại Singapore về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; công tác đối ngoại được nâng cao. Đặc biệt là công cuộc phòng chống tham nhũng tiếp tục quán triệt thực hiện không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã phát động mạnh mẽ về cuộc chiến chống lãng phí, đã có những phân tích sâu sắc, ý nghĩa quan trọng của việc phòng, chống lãng phí đối với công cuộc xây dựng phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, đất nước ta cũng đang tích cực chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng vào đầu năm 2026 và cuộc bầu cử Quốc hội khóa 16 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Đây là nhiệm vụ quan trọng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tới đây, sẽ gửi các văn kiện đến người dân, đồng bào ta ở nước ngoài đóng góp ý kiến. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cán bộ Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và ở Singapore nói riêng có những đóng góp vào văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đến Cộng hòa Singapore diễn ra vào thời điểm Quốc hội Việt Nam vừa kết thúc Kỳ họp thứ 8. Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn, dự kiến thông qua 18 luật, 03 Nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thảo luận, quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; đặc biệt là việc thông qua dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Những dự án luật được thông qua với sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: “Hiện nay, đang triển khai Kết luận số 12 ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác Người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Quốc hội, Chính phủ đang hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý liên quan theo hướng tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt, kể cả các thế hệ thứ hai, thứ ba gắn bó chặt chẽ hơn nữa với quê hương, trở về nước sinh sống, làm việc, kinh doanh”.
Vừa qua, Quốc hội đã ban hành chính sách miễn thị thực, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật căn cước…. Theo đó, với Luật Căn cước (năm 2023), mọi công dân Việt Nam đều được cấp căn cước, không phân biệt là người đó sinh sống trong nước Việt Nam hay định cư ở nước ngoài. Trong Luật Đất đai sửa đổi (năm 2024), người Việt Nam định cư nước ngoài đã được mở rộng quyền sử dụng đất, quy định chính sách đất đai đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam giống như cá nhân trong nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn biểu dương nỗ lực của Đại sứ, tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã nỗ lực, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.
Chủ tịch Quốc hội thông tin, tháng 4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến nhất trí với chủ trương và nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 08 ngày 23/01/2019 quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài để bảo đảm chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với các thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Quốc hội đang đề nghị Chính phủ sớm triển khai Nghị định này.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Đại sứ quán chung sức, đồng lòng cùng bà con tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện cho bà con học tập, sinh sống, làm ăn thuận tiện; tăng cường quan hệ với các cơ quan của bạn để làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam- Singapore; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác về các lĩnh vực như kinh tế - xã hội, kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, quốc phòng, an ninh; thu hút nhiều nhà đầu tư Singapore đến Việt Nam. Về lĩnh vực này, Quốc hội vừa sửa các luật liên quan đến đầu tư, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp. Đây cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất.
Với những đề xuất của cộng đồng người Việt Nam tại Singapore, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong chuyến thăm chính thức này sẽ có các cuộc hội kiến, hội đàm với lãnh đạo cấp cao của bạn sẽ trao đổi cụ thể về những vướng mắc này.