Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng, liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các Anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch 81 ngày - đêm (28/6-16/9/1972) chiến đấu và bảo vệ thị xã Quảng Trị cũng như Thành cổ. Sự hy sinh của các chiến sĩ là biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; nguồn động viên, cổ vũ đồng chí, đồng bào tiến lên dành thắng lợi cuối cùng vào mùa xuân 1975, đưa đất nước đi đến thống nhất, hòa bình và độc lập.
Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm khốc liệt ấy, hàng ngàn chiến sĩ giải phóng quân trên khắp cả nước và đồng bào Quảng Trị đã chiến đấu anh dũng, hy sinh, vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này. Máu của các anh đã hòa vào lòng đất, vào dòng sông Thạch Hãn cho non sông đất nước có ngày độc lập, nhân dân được tự do hạnh phúc. Tại sông Thạch Hãn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thả vòng hoa tại Bến thả hoa.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Đây là nơi an nghỉ của các liệt sĩ trong cả nước, chủ yếu là liệt sĩ của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phần lớn là các liệt sĩ tại nghĩa trang này là con em của các tỉnh, thành phố phía bắc.
Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác đã đâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các anh hùng, liệt sĩ đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và ở đất nước bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành độc lập dân tộc cũng như hy sinh trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong không khí linh thiêng, trước anh linh của các anh hùng, liệt sĩ, Chủ tịch Quốc hội và đoàn kính cẩn dâng hoa, dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Khu di tích lưu niệm đồng chí Lê Duẩn, đây là nơi giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào của dân tộc, một trong những địa chỉ đỏ về hoạt động giáo dục truyền thống và sinh hoạt văn hóa cho các thế hệ không chỉ riêng ở Quảng Trị mà còn đối với cả nước.
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội đã viết trong sổ lưu niệm: “Trong những ngày cả nước kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh liệt sĩ và nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày mất của Tổng Bí thư Lê Duẩn, đoàn công tác của Quốc hội và Trung ương thắp những nén hương thơm tưởng nhớ và biết ơn Tổng Bí thư Lê Duẩn, người chiến sĩ Cộng sản kiên cường, người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhà nước ta mãi mãi giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nguyện phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường và trường tồn”.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đã tới thăm Mẹ Nguyễn Thị Phước, đang sống cùng con trai Nguyễn Phi Tuyến tại Khu phố 3, Phường 3, thị xã Quảng Trị. Mẹ Phước có chồng và 1 con là liệt sĩ, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng năm 2014. Đặc biệt, Mẹ là con dâu của Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Chuốc (người có 3 con trai, 1 cháu trai là liệt sĩ, được truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng năm 1994).
Chủ tịch Quốc hội thăm thương binh Nguyễn Thị Phồn, thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong; thương binh 23%. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 60%. Năm 1972 bà là du kích của xã Triệu Thượng. Bà đã anh dũng chiến đấu cùng đồng đội tại Thành Cổ Quảng Trị vào mùa hè năm 1972; bị địch đánh sập hầm tại thôn Xuân An, xã Triêu Thượng, bị thương ở đầu, thủng 2 mảng nhĩ. Bà Nguyễn Thị Phồn được Nhà nước trao tặng huy chương kháng chiến hạng Nhì.