Chính thức khởi động xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc

Theo Phan Hậu/Thanh niên | 17/11/2022, 11:40

Bộ NN-PTNT đã hoàn tất việc ký nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc và chính thức khởi động xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc.

Ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết ông đã ký hoàn tất nghị định thư (đã được phía Trung Quốc ký trước) về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc.

Theo đó, Bộ NN-PTNT chính thức khởi động xúc tiến công tác chuẩn bị để sớm xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc.

Ông Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam có một điều kiện đặc biệt là gần Trung Quốc, thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, chiếm hơn 80% thị phần toàn cầu. Việt Nam cũng có nhiều điều kiện tự nhiên như bờ biển dài, nhiều vịnh, đầm, phá… thuận lợi để phát triển ngành nuôi yến.

Nhận thức được lợi thế Trung Quốc là một thị trường rộng lớn và trong nước có điều kiện tự nhiên ưu đãi để phát triển nghề nuôi yến, trong suốt 3 năm qua, Bộ NN-PTNT đã đưa vào chiến lược và kiên trì để đưa loại thực phẩm này vào Trung Quốc.

 “Kết quả đến nay là nghị định thư giữa hai nước đã được hoàn tất và Bộ NN-PTNT chính thức khởi động xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang thị trường Trung Quốc”, ông Hoan nói.

Ông Hoan cũng nhấn mạnh, nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến sẽ kích hoạt chuỗi ngành hàng này và nó cần được cấu trúc lại để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giúp thu nhập của người nuôi yến và doanh nghiệp chế biến yến tăng cao, bền vững hơn so với xuất khẩu tiểu ngạch.

Ngay sau khi ký hoàn tất nghị định thư, Bộ NN-PTNT đã giao các đơn vị chức năng xúc tiến sớm để tổ chức hội nghị quán triệt, thông tin đầy đủ đến các hiệp hội ngành hàng, bà con nông dân địa phương trọng điểm nuôi yến các quy định về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm theo nghị định thư.

Theo Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có trên 22.000 nhà nuôi chim yến với sản lượng mỗi năm khoảng 120 tấn, giá trị trên 500 triệu USD. Để đảm bảo chất lượng tổ yến xuất khẩu, Bộ NN-PTNT đề nghị các doanh nghiệp, địa phương phối hợp để tổ chức triển khai chương trình giám sát bệnh cúm gia cầm và bệnh newcastle trên chim yến; kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm tổ yến./.

Bài liên quan
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon: DN xuất khẩu cần định hướng đúng để ứng phó
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (cơ chế CBAM) được Liên minh châu Âu (EU) ban hành, với mục tiêu xử lý lượng phát thải khí nhà kính trong một số hàng hóa nhất định nhập khẩu vào EU, sẽ bước vào giai đoạn chính thức vận hành từ ngày 1/1/2026.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thông báo Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18/9 đến ngày 20/9/2024 tại thủ đô Hà Nội.
Mới nhất