“Chính quyền địa phương” phù hợp với yêu cầu về quản trị nhà nước hiện đại

Minh Thư/VOV.VN | 28/05/2025, 10:22

VOVLIVE - Đó là ý kiến đóng góp của Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Phần lớn các văn bản góp ý của đại diện các phòng nghiên cứu trong Viện Nhà nước và Pháp luật đều cho rằng, các sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị quyết có định hướng phù hợp với nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, song cần tiếp tục làm rõ thêm tính thống nhất, tránh mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật chuyên ngành.

Tại Điều 9, khoản 1, Viện kiến nghị gộp hai hoạt động “thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân” và “phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan nhà nước” đang để riêng rẽ thành hoạt động liền nhau “thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan nhà nước ”.

Tại Điều 9, khoản 2, các nhà khoa học của Viện nhìn nhận, cần giữ nguyên tinh thần của Hiến pháp 2013 khi khẳng định các tổ chức Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức thành viên chứ không phải là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đối với khoản 3, ở câu cuối, bỏ cụm từ “các tổ chức xã hội khác”.

Viện Nhà nước và Pháp luật lý giải, công đoàn được hình thành từ quá trình đấu tranh giai cấp, có chức năng then chốt trong bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, là chủ thể trong quan hệ ba bên giữa Nhà nước, người lao động, người sử dụng lao động. Việc quy định Công đoàn Việt Nam “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như trong dự thảo Nghị quyết, nếu không được cân nhắc kỹ lưỡng, sẽ vô tình làm mờ đi vai trò thiết chế độc lập của tổ chức công đoàn - điều vốn là nền tảng để tạo nên sự cân bằng giữa các bên trong quan hệ lao động.

Bởi vậy, tại Điều 10, Viện góp ý cần thay câu “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” bằng câu “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, giữ nguyên quy định như Hiến pháp năm 2013. 

Với Điều 110, các nhà khoa học ở Viện kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc chuyển tên gọi “Đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố Trung ương” thành “Đơn vị hành chính cơ sở”. Việc sử dụng “Đơn vị hành chính cơ sở” thay cho thuật ngữ “Đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giúp tránh tạo ra định kiến về mối quan hệ phụ thuộc giữa hai loại đơn vị hành chính, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho chính quyền cơ sở như hiện nay. Sử dụng cụm từ “cơ sở” nhằm khẳng định vai trò và sự tự chủ tương đối của đơn vị hành chính địa phương gần dân nhất, từ đó, xác định các tiêu chí cần thiết để xác lập đơn vị hành chính cơ sở này. 

Tại Điều 111, khoản 2, việc sử dụng thuật ngữ pháp lý “Chính quyền địa phương” thay thế “cấp chính quyền địa phương” là phù hợp vì nó phản ánh đầy đủ vai trò của chính quyền địa phương như là một thiết chế quyền lực nhà nước ở địa phương mà không đơn thuần là một cấp hành chính.

Cụm từ “cấp chính quyền địa phương” có thể dễ gây hiểu nhầm rằng đó chỉ là một cấp dưới trong hệ thống hành chính. Việc sử dụng thuật ngữ “Chính quyền địa phương” thể hiện đúng định hướng phân quyền giữa trung ương và địa phương, phù hợp với yêu cầu về quản trị nhà nước hiện đại.

Điều 114 khoản 1 quy định: “1. Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên”.
Mô hình về mối quan hệ giữa Ủy ban nhân dân (UBND) và Hội đồng nhân dân (HĐND) này gặp phải một số bất cập trên thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh có một số đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được tổ chức theo mô hình không có HĐND hoặc các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Để tạo sự chủ động và linh hoạt cho việc tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc thù của từng đơn vị hành chính, Viện kiến nghị bỏ quy định “UBND do HĐND bầu ra”, giữ lại nội dung UBND là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Việc UBND được hình thành như thế nào và mối quan hệ giữa các cơ quan sẽ do Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định. 

Khoản 2, Điều 115 của dự thảo bỏ quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp địa phương so với Hiến pháp 2013 hiện tại.

Các nhà khoa học của Viện cho rằng, Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân là hai thiết chế tư pháp quan trọng gắn chặt với quyền lợi của người dân. Việc loại bỏ này không chỉ làm suy giảm thẩm quyền giám sát của HĐND mà còn tạo ra một “khoảng trống kiểm soát” đối với hoạt động tư pháp ở địa phương - lĩnh vực vốn nhạy cảm và cần sự giám sát khách quan để bảo đảm công lý và pháp quyền.

Vì thế, Viện kiến nghị cần giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân như quy định hiện hành, nhằm duy trì tính toàn diện trong cơ chế kiểm soát quyền lực và bảo đảm sự giám sát của cơ quan dân cử đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước ở địa phương, bao gồm cả hành pháp và tư pháp.

Bài liên quan
Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
VOVLIVE - Sáng 26/5, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư: Con thuyền cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn tăng tốc, bứt phá
VOVLIVE - Chiều 27/5, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Tổ chức Trung ương về tình hình, kết quả nổi bật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay và nhiệm vụ thời gian tới.
Mới nhất