Theo kế hoạch, liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ công bố giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ vào chiều nay (12/12).
Dựa theo xu hướng giảm của giá dầu thô trên thế giới, nhiều ý kiến dự báo giá xăng trong nước hôm nay có thể giảm khoảng 30 - 100 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có thể giảm khoảng 100 - 150 đồng/lít. Trường hợp cơ quan quản lý trích quỹ bình ổn thì giá xăng có thể giảm ít hơn hoặc giữ nguyên.
Trong khi đó, theo dự báo của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), giá xăng hôm nay có thể tiếp tục giảm 0,9 - 1,1%, giá dầu giảm 1,6 - 3,3%, nếu liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hay chi sử dụng quỹ bình ổn giá.
Cụ thể, VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON92 có thể giảm 220 đồng (1,1%) về mức 19.640 đồng/lít, còn xăng RON95 có thể giảm 180 đồng (0,9%) về mức 20.380 đồng/lít. Giá dầu cũng được dự báo giảm 1,6 - 3,3%, trong đó dầu mazut có thể giảm mạnh 3,6% về mức 15.590 đồng/kg, tiếp theo là dầu hỏa dự báo giảm 2,1% về mức 18.408 đồng/lít, dầu diesel có thể giảm 1,6% về mức 18.083 đồng/lít.
VPI cho rằng liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Ở kỳ điều hành ngày 5/12, giá xăng E5 RON92 tăng 24 đồng/lít, không cao hơn 19.864 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 294 đồng/lít, không cao hơn 20.563 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 395 đồng/lít, không cao hơn 18.382 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 325 đồng/lít, không cao hơn 18.817 đồng/lít. Giá dầu mazut giữ nguyên mức 16.125 đồng/kg như kỳ trước.
Trên thị trường thế giới, lúc 6h ngày 12/12, giá dầu Brent ở mốc 73,53 USD/thùng, tăng 1,90% (tương đương tăng 1,37 USD/thùng). Giá dầu WTI ở mốc 70,31 USD/thùng, tăng 2,52% (tương đương tăng 1,73 USD/thùng).
Giá dầu tăng sau khi Liên minh châu Âu đồng ý áp dụng thêm một vòng trừng phạt đe dọa dòng chảy dầu của Nga, có thể làm thắt chặt nguồn cung dầu thô toàn cầu. Trong khi đó, nhóm các nhà sản xuất OPEC đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng nhu cầu trong năm 2024 và 2025 trong tháng thứ năm liên tiếp, với mức cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay.
OPEC+ đầu tháng này đã hoãn kế hoạch tăng sản lượng. Nhu cầu yếu, đặc biệt là từ Trung Quốc, và tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC+ là hai yếu tố dẫn đến động thái này.