Chiến lược huấn luyện 6C: Giúp học sinh nâng cao thể chất, tự tin và năng động

Chung Thủy/VOV.VN | 08/11/2022, 14:33

Chiến lược huấn luyện 6C” đã được áp dụng thành công tại nhiều nước nhờ tính linh động, thích ứng, kết nối cao, tạo cảm hứng, giúp học sinh Tiểu học tự tin, nỗ lực và đạt được thành tích cao hơn trong môn Giáo dục thể chất.

Sáng nay (8/11), tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng giảng dạy của giáo viên thể chất trong các trường Tiểu học tại Việt Nam thông qua “Chiến lược huấn luyện 6C”.

Theo ông Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện khoa học giáo dục Việt Nam, “Chiến lược huấn luyện 6C” đã được áp dụng thành công tại nhiều nước nhờ tính linh động, thích ứng, kết nối cao, tạo cảm hứng cho học sinh, thúc đẩy trẻ tự tin, nỗ lực và đạt được thành tích cao hơn trong môn GDTC.

“Việc vận dụng "Chiến lược huấn luyện 6C” cũng giúp cho kết quả các giờ học được nâng cao; Thông qua việc tổ chức các trò chơi vận động do giáo viên hướng dẫn, học sinh hào hứng học và tiếp thu nội dung các bài học tốt hơn; chủ động, tự giác tích cực thực hiện được cơ bản những động tác mà giáo viên truyền đạt, không khí lớp học qua đó cũng sôi động và các tiết học đạt chất lượng cao hơn”, ông Vinh cho hay.

Đánh giá về hiệu quả của “Chiến lược huấn luyện 6C”, ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chiến lược 6C là phương pháp dạy học tích cực, có thể giúp giáo viên triển khai chương trình GDTC một cách linh hoạt, bài bản, hiện đại, giúp học sinh đạt được những phẩm chất năng lực, kỹ năng mà chương trình đã đặt ra. Đồng thời, các thầy cô giáo dạy môn GDTC có thêm cơ hội tiếp cận với phương pháp dạy học mới, qua đó, truyền cảm hứng để học sinh thêm yêu thích môn học này.  

Ông Trí mong muốn, “Chiến lược 6C” sẽ được vận dụng trong tất cả các giờ giáo dục thể chất ở các trường tiểu học trên toàn quốc, góp phần cải thiện sức khỏe, phát triển hành vi, kết quả học tập cũng như sự phát triển lâu dài của trẻ.

Chia sẻ thêm về tính tích cực của môn GDTC trong các nhà trường hiện nay, thầy Nguyễn Mạnh Tuấn, giáo viên dạy môn GDTC,  Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay, bên cạnh việc học các môn văn hóa thì làm sao để con có được một thể chất khỏe mạnh, năng động là điều mà rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm hiện nay.

“Sau nhiều nỗ lực để thay đổi, đến nay, hầu hết các em học sinh trong trường đều rất say mê và yêu thích môn GDTC, nhiều em mong chờ đến tiết học để xuống sân trường gặp gỡ thầy cô, để vui chơi, giao lưu với các bạn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số em ngại vận động, các thầy cô ngoài việc động viên, thay đổi phương pháp dạy học, đã tăng cường tổ chức các trò chơi vận động, để giúp học sinh thích thú hơn với môn học. Đặc biệt, thông qua các hoạt động trò chơi, chúng tôi đã kết hợp dạy kiến thức mới, ví dụ như tổ chức các trò chơi có hình thức giống như các bài tập thể dục trước đây để học sinh dễ nhớ và tăng sự hấp dẫn với các con. Bên cạnh đó, cho các con thi đấu với nhau, với hình thức này đã giúp các em lười vận động cũng rất thích thú với môn học”, thầy Nguyễn Mạnh Tuấn cho hay./.

Bài liên quan
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Cân nhắc bỏ xét tuyển sớm
VOVLIVE - Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, để tạo sự công bằng, Bộ đang xem xét giảm tỷ lệ xét tuyển sớm hoặc bỏ luôn hình thức này.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Sẽ có chính sách phù hợp để lao động hợp đồng không chịu thiệt thòi
Chiều nay 17/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 4 của Ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017.
Mới nhất