Chìa khóa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ

03/04/2025, 10:25

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học, công nghệ, các trường đại học đóng vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ là nơi đào tạo mà còn là nơi tập trung lượng lớn các nhà khoa học. Song thời gian qua, việc đào tạo khoa học, công nghệ vẫn còn không ít vướng mắc.

Nghị quyết 57 -NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xác định là “kim chỉ nam” cho đào tạo, cơ hội cho các cơ sở giáo dục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ trình độ cao. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người/1 vạn dân; có từ 40 - 50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới; số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm…

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học, công nghệ, các trường đại học đóng vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ là nơi đào tạo mà còn là nơi tập trung lượng lớn các nhà khoa học. Song thời gian qua, việc đào tạo khoa học, công nghệ vẫn còn không ít vướng mắc.

Nói về công tác đào tạo trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, PGS.TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông nhận định, hiện nay, các trường đại học vẫn đang chú trọng vào việc truyền đạt kiến thức và mô tả, diễn giải công nghệ. Trong khi đó, việc cần làm là giảng dạy cho sinh viên một cách căn bản về việc hấp thụ, chuyển giao, ứng dụng công nghệ, từ đó sẽ có thế hệ sinh viên làm chủ và sáng tạo công nghệ. Điều này đòi hỏi sự thay đổi căn bản, dài hơi trong giáo dục đại học, từ đó sẽ nói tiếp đến câu chuyện đổi mới sáng tạo.

Theo PGS.TS Đặng Hoài Bắc, khi đánh giá sinh viên thường dựa vào 3 yếu tố gồm kiến thức, kỹ năng và hành vi, thái độ trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với xã hội. Về kiến thức của sinh viên Việt Nam khá tốt, tuy nhiên kỹ năng lại cần cải thiện rất nhiều. Muốn vậy, sinh viên cần tăng sự trải nghiệm ngay từ năm nhất, năm hai đại học. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học cũng cần có những môi trường thực tế để khuyến khích sự sáng tạo của sinh viên từ sớm, từ xa. Đặc biệt, để nâng cao kỹ năng cho sinh viên, rất cần các doanh nghiệp tạo điều kiện để các em được trải nghiệm, học hỏi.

Đồng thời, giảng viên cũng phải là những người mang “hơi thở cuộc sống” trong quá trình giảng dạy, vừa cập nhật kiến thức, vừa phải là những người đã được trải nghiệm trong môi trường thực tế để sáng tạo, đổi mới về ứng dụng công nghệ, về cung cấp các giải pháp công nghệ. Do vậy, sự gắn kết của các trường đại học phải có sự 3 gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh, và ba yếu tố này không thể tách rời nhau.

Là đơn vị trực tiếp sử dụng nguồn nhân lực về công nghệ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (Vinades) Nguyễn Thế Hùng nhận định, nguồn nhân lực tại Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế đáng ghi nhận như sự trẻ trung, năng động, đây cũng là nền tảng cho sự sáng tạo và đổi mới trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, chất lượng đào tạo cơ bản, đặc biệt ở bậc đại học đã có sự cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây, đem lại đội ngũ nhân sự có trình độ và kiến thức vững chắc.

Đối với ngành công nghệ cao, nguồn nhân lực không chỉ đạt chất lượng tương đối tốt mà còn được đánh giá cao về tính cạnh tranh chi phí so với các quốc gia khác.

Dù có nhiều lợi thế, song theo ông Nguyễn Thế Hùng, nguồn nhân lực hiện nay vẫn có không ít những hạn chế cần khắc phục. Trong đó phải kể đến vấn đề lao động mới tốt nghiệp đại học thiếu hụt kỹ năng thực tiễn. Dù một số trường đã có chương trình đào tạo bài bản, nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao thường đã được các tập đoàn lớn hoặc doanh nghiệp nước ngoài sớm tuyển dụng ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tuyển dụng nhân sự giỏi.

Phần lớn, nhân lực còn thiếu kỹ năng mềm và tư duy sáng tạo. Khi làm việc tại các doanh nghiệp, nhiều kỹ năng cơ bản như viết email, thiết kế slide, giao tiếp và báo cáo vẫn cần được đào tạo lại. Thậm chí cả những kỹ năng đã được phổ cập từ hơn 20 năm trước như tin học Văn phòng hay việc sử dụng các thiết bị văn phòng, doanh nghiệp còn phải hỗ trợ đào tạo thêm. Có thể thấy, chất lượng kỹ năng vẫn chưa đồng đều và chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp.

Đặc biệt, hạn chế về khả năng ngoại ngữ không chỉ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà còn làm giảm hiệu quả giao tiếp, hợp tác với đối tác nước ngoài, đặt ra thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Bên cạnh đó, khoảng cách về công nghệ tiên tiến giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới vẫn còn khá lớn, đặc biệt khi xét đến tốc độ phát triển vượt bậc của các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) và hàng loạt công nghệ mới khác. Nhân lực của Việt Nam gặp nhiều khó khăn để bắt kịp xu thế toàn cầu.

Ông Nguyễn Thế Hùng đơn cử như lĩnh vực nguồn mở đòi hỏi kỹ thuật sâu rộng, yêu cầu cao về kỹ năng sáng tạo, khả năng hợp tác, cũng như thích nghi với các xu hướng công nghệ toàn cầu. Tuy vậy, so các quốc gia khác và mặt bằng chung trên thế giới, Việt Nam gần như chỉ dừng lại ở mức ứng dụng và sử dụng các thành quả sẵn có từ công nghệ nguồn mở, thay vì làm chủ sâu sắc các công nghệ này.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ, PGS.TS. Đặng Hoài Bắc cho rằng, khung pháp lý cần phải được tháo gỡ một cách mạnh mẽ để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo nhanh chóng đưa các chủ trương mới, đột phá của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống trong bối khoa học, công nghệ là thay đổi từng ngày, từng giờ.

“Hiện nay, việc học tập suốt đời đang trở nên cần thiết, nhất là ngay trong ngành khoa học, công nghệ. Đến năm 2040, Việt Nam sẽ hết thế hệ dân số vàng và lúc đó tỷ lệ những người lớn tuổi sẽ tăng lên. Nếu chúng ta không nhìn ra nhu cầu đào tạo, nhu cầu học tập của xã hội sắp tới là rất lớn thì sẽ xuất hiện bài toán là thiếu hụt nguồn nhân lực”, PGS.TS Đặng Hoài Bắc lo ngại.

Cũng theo PGS.TS. Đặng Hoài Bắc, Việt Nam cần nhìn vào bài toán toàn cầu. Đưa ra ví dụ về mô hình xuất khẩu tri thức ra nước ngoài, ông cho rằng, chúng ta phải tự tin và xuất khẩu tri thức. Nếu nói Việt Nam hùng cường thì tri thức cũng phải hùng cường. Chúng ta phải có sự so sánh với nước ngoài, như Ấn Độ, Trung Quốc – những nước có kế hoạch xuất khẩu tri thức rất tốt. Vì vậy Việt Nam cũng phải chú trọng làm nguồn nhân lực chất lượng cao toàn cầu hoặc là xuất khẩu tri thức. Như vậy, cũng phải có những chính sách mạnh mẽ hơn.

Còn theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT, hiện số lượng người học trong lĩnh vực STEM (khối ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) còn thấp. Do đó, cần có giải pháp để tạo sự dịch chuyển, tác động vào từng người học lựa chọn lĩnh vực này.

TS Lê Trường Tùng phân tích, nếu như có người học sẽ có cách thức triển khai, cùng với sự quản lý của Nhà nước, sự đầu để cuối cùng chất lượng cao hơn. Nhưng nếu không có người học hoặc không đủ số lượng như mong muốn sẽ rất khó.

“Hiện nay, chúng ta đang xây dựng khung chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, trong đó đưa ra những chỉ tiêu đầu vào. Đây là mong muốn về mặt chất lượng, nhưng nếu số lượng đáp ứng không cao thì nên chăng cần suy nghĩ rất kỹ. Chúng ta cần chất lượng, quản lý ở đầu ra chứ không phải thắt chặt ngay đầu vào. Bởi vì đào tạo nhân lực cho một ngành công nghiệp yêu cầu số đông, khác với đào tạo tinh hoa. Cần số đông mà chúng ta lại “chặn” ngay đầu vào thì chính sách sẽ ngược với nhau”, TS Lê Trường Tùng nhìn nhận.

Bên cạnh đó, theo TS Lê Trường Tùng, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao không chỉ dừng lại ở kiến thức mà còn đòi hỏi khả năng nghiên cứu, thực hành sáng tạo. Trong bối cảnh hiện nay, cần có cơ chế, chính sách về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ then chốt. Hiện nay mô hình tài chính sinh viên và mở rộng ra là mô hình kinh tế của các tổ chức giáo dục đại học là vấn đề ít khi được quan tâm ở mức độ cần thiết. Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm với rất nhiều nội dung, nhưng dường như còn thiếu một nội dung liên quan đến tài chính cho giáo dục đại học. Nếu không đủ chi phí cho giáo dục đại học, yêu cầu về nhân lực chất lượng cao rất khó đạt như mong muốn.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (Vinades) Nguyễn Thế Hùng nhận định, trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nhân lực ngành khoa học, công nghệ nói riêng, thì nguồn lực doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nhân tâm huyết là tài sản quý giá cần được khai thác. Sự ra đời của thế hệ doanh nhân mới đã tạo ra một lực lượng tiềm năng lớn. Bài toán đặt ra là làm thế nào để tận dụng tốt, hiệu quả nguồn lực này?

Để tăng cường hiệu quả hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, ông Hùng kiến nghị, cầntăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục, đặc biệt trong việc định hướng nghề nghiệp; Đẩy mạnh các chương trình này từ sớm, thậm chí từ cấp cơ sở hoặc phổ thông. Điều này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh, sinh viên mà còn xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và hệ thống giáo dục.

Bên cạnh đó, khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục trong việc đồng thiết kế chương trình đào tạo. Điều này giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay các yêu cầu thực tế của doanh nghiệp mà không cần mất thêm thời gian và chi phí đào tạo lại. Về phía doanh nghiệp, khoản chi phí tiết kiệm được từ việc này là rất đáng kể.

“Các trường đại học nên chủ động phối hợp với doanh nghiệp để khảo sát nhu cầu thực tế, từ đó xây dựng các module đào tạo ngắn hạn, phù hợp với yêu cầu cụ thể của các nhân lực hiện hữu. Vấn đề này hiện chưa được các cơ sở giáo dục đại học chú trọng đúng mức”, ông Nguyễn Thế Hùng nói.

Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các chương trình khơi dậy đổi mới sáng tạo và nghiên cứu trong nhà trường. Nhiều trường đại học đã bắt đầu triển khai và đạt được kết quả tích cực. Mô hình hợp tác chặt chẽ này không chỉ tạo động lực cho sinh viên mà còn thúc đẩy sự phát triển của cả cộng đồng doanh nghiệp và nền giáo dục.


Thứ Năm, 06:00, 03/04/2025

VOV.VN trên Google News
Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Liên Bang Nga Gennady Bezdetko
VOVLIVE - Chiều 2/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko.
Mới nhất