Chánh án Nguyễn Hoà Bình: "Thẩm phán nể nang là có thật, nhưng không nhiều"

20/03/2023, 12:07

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình khẳng định điều này khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nguyên nhân tỷ lệ án hành chính bị huỷ, sửa còn cao.

Sáng nay, tại phiên họp 21 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình.

Dẫn báo cáo gửi đến Quốc hội cho thấy tỷ lệ án hành chính bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn còn cao, đại biểu Mai Phương Hoa (đoàn Nam Định) đặt vấn đề, phải chăng một bộ phận thẩm phán còn tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm; đồng thời đề nghị Chánh án TAND Tối cao có giải pháp căn cơ để xử lý vấn đề này.

Trả lời đại biểu, Chánh án Nguyễn Hoà Bình thừa nhận đang còn nhiều tồn tại xung quanh án hành chính. Đó là tỷ lệ thường thấp hơn so với yêu cầu của Quốc hội, năm 2022, với nỗ lực của toà án thì tỷ lệ xét xử án hàn chính có tăng hơn.

Cũng theo ông Nguyễn Hoà Bình, tỷ lệ huỷ, sửa án hành chính nhiều hơn loại án khác, có năm lên đến 4% trong khi Quốc hội chỉ cho phép huỷ, sửa 1,5%. Bản án có hiệu lực nhưng không được thực thi, UBND các cấp không thi hành nghiêm túc, gây bức xúc cho người dân.

Trước vấn đề có phải do thẩm phán nể nang hay không, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình nói: “Việc nể nang là có thật, nhất là khi xét xử vụ án liên quan UBND cùng cấp, nhưng không phải nhiều. Tuyệt đại đa số thẩm phán phát huy bản lĩnh, chuyên nghiệp, xét xử nghiêm túc”.

Ông Nguyễn Hoà Bình cũng khẳng định sự nể nang không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ huỷ, sửa án hành chính cao. Nguyên nhân còn có việc cung cấp tài liệu của UBND các cấp cho người dân không đầy đủ.

“Trong án hành chính thì trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ thuộc các bên. Việc chuẩn bị đủ hay không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử. Thông thường UBND các cấp phải có trách nhiệm cung cấp tài liệu theo yêu cầu của người dân nhưng việc cung cấp hạn chế nên tài liệu không đủ” – ông Nguyễn Hoà Bình thông tin.

Một nguyên nhân quan trọng khác là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên toà hành chính còn hạn chế. Theo quy định, Chủ tịch UBND khi bị kiện phải ra toà, hoặc chỉ được uỷ quyền đến cấp phó, nhưng thông thường với án hành chính cấp tỉnh, việc chủ tịch ra toà còn hạn chế.

Đây là nguyên nhân chính khiến án hành chính bị huỷ, sửa chậm được khắc phục.

Đề cập giải pháp, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, đã tổ chức hội nghị chánh án 4 cấp toàn quốc thảo luận và đề ra 14 giải pháp, trong đó có đề xuất thành lập toà chuyên biệt xét xử các vụ án hành chính ở cấp tỉnh để khắc phục tình trạng nể nang.

Đem tất ra toà thì liệu có khả thi?

Đại biểu Quốc hội cũng cho biết các vụ án hành chính tăng về số lượng, nhất là liên quan tranh chấp đất đai. Trong khi đó, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được xây dựng theo hướng chuyển toàn bộ sang toà giải quyết thì liệu có khả thi?

Nêu quan điểm về vấn đề này, Chán án TAND Tối cao cho biết, luật hiện hành cho phép người dân kiện ra UBND và ra toà. Nếu đưa hết ra toà sẽ hạn chế quyền lựa chọn của người dân.

Theo ông, việc giải quyết vấn đề hành chính tại UBND có cái lợi rất lớn, nếu cấp dưới sai thì cấp trên có đủ tài liệu để xử lý ngay mà không cần ra toà.

“Không nên đưa hết cho toà, vì cuối cùng án hành chính không xử được ở uỷ ban thì cũng đến tay toà, khi đó quyền người dân vẫn được đảm bảo” – ông Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh và đề nghị Quốc hội cân nhắc trong quá trình xem xét, thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất