Cầu truyền hình Khúc tráng ca hòa bình kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ

Lại Hoa - Lê Tuyết/VOV | 27/07/2022, 23:30

Tại điểm cầu Hà Giang, tối nay (27/7) lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham dự cầu truyền hình trực tiếp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ - Khúc tráng ca hòa bình.

Tham dự chương trình có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương đảng; các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phó chủ tịch nước, phó thủ tướng Chính phủ, phó chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên, nguyên ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các đại phương; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước, đại biểu đại diện lãnh đạo cán bộ,đảng viên và các tàng lớp nhân dân nơi tổ chức các điểm cầu.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn - Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tháng 7 hàng năm là dịp để cả dân tộc cùng tri ân, tưởng nhớ những người hi sinh cả máu xương cho hòa bình trên mọi miền Tổ quốc. Với 6 điểm cầu ở: Hà Nội, TP.HCM, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang và An Giang, "Khúc tráng ca hòa bình" đã ghi khắc những trang sử hào hùng của dân tộc, những người đã ngã xuống và hi sinh cho khát vọng hòa bình cháy bỏng của người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

“Khúc tráng ca hòa bình” được thể hiện với 3 chương gồm: “Những dấu chân hòa bình”, “Bài ca không quên” và Khát vọng hòa bình”.

Trong đó chương 1 - “Những dấu chân hòa bình”, một lần nữa khẳng định, dân tộc Việt Nam từ bao đời nay, khi Tổ quốc cần, hay nền hòa bình bị đe dọa thì lớp lớp thế hệ lại sẵn sàng lên đường. Những dấu chân thế hệ từ thuở dựng nước đến ngày nay đều cất bước, để lại dấu ấn không thể quên về một thời ta đã "sống và hy sinh vì hòa bình".

Tại chương này, khán giả được nghe câu chuyện về “Tuổi 20 giữa bão lửa”. Bên cạnh đó là câu chuyện về “Một thời hoa lửa” của Bà Trần Thị Dự (74 tuổi) - người con đất Quảng Nam về những ngày tháng thanh xuân cùng bạn bè chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hay những hi sinh anh dũng của những cô gái ngày ấy mới 19, 20 - ngã xuống để bảo vệ mảnh đất quê hương. Phóng sự : “Khúc bi tráng trên đồi Xuân Sơn” ở Bình Định kể về câu chuyện của những người con quê hương Hoài Ân, luôn đau đáu khôn nguôi đi tìm đồng đội nơi chiến trường xưa và mới đây, 60 hài cốt liệt sĩ hy sinh nơi đây được đồng đội tìm về dù có những người chưa xác định được danh tính.

Trong chương 2 - “Bài ca không quên”, chương trình đã nêu bật những cống hiến hết mình, không ngại khó, ngại khổ hay gian lao - đi qua những mất mát của chiến tranh - đường về nhà của những "dấu chân hòa bình" mỗi người mỗi khác. Có những người trở về với dấu chân tròn trên cát, có người mất nhiều chục năm sau để đoàn tụ được với người thân, có những người mải miết đi tìm những đồng đội cũ…, tất cả để tri ân - tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Những người còn sống luôn mang trong mình những "Bài ca không quên" về những người đã ngã xuống vì hòa bình.

Chương này là câu chuyện về Liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh – người lính Vị Xuyên, Hà Giang đã bất khuất hi sinh 38 năm trước khi trong tay vẫn ôm khẩu súng có khắc dòng chữ: “Sống bám đá đánh giặc/ Chết hóa đá bất tử” lan tỏa khắp mặt trận Vị Xuyên. Dòng chữ ấy được truyền tai nhau và trở thành thứ “vũ khí tinh thần”, một “khẩu hiệu sắt đá” của những người lính ngày đêm chiến đấu thời gian đó.

“Khát vọng hòa bình” cũng là phần cuối của chương trình, giúp mỗi người Việt Nam hiểu hơn về "cái giá của hòa bình" sau những mất mát, hy sinh do chiến tranh gây ra. Đây cũng là dịp để các thế hệ chung tay giữ gìn, bảo vệ hòa bình; khơi dậy động lực cống hiến - hi sinh vì một Việt Nam phát triển, phồn vinh như tinh thần đã được khẳng định tại Đại hội 13 của Đảng; mở ra những cơ hội lớn "sánh vai với các cường quốc năm châu" như lời Bác Hồ từng căn dặn. 

Thượng tá Trương Xuân Bình, Binh đoàn 12- Con trai anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trương Xuân Hòa cho biết, bố luôn dặn mẹ tôi, dù sau này sinh con trai hay con gái hãy đặt tên con là Bình-vì bố tôi hiểu giá trị của hòa bình. Đó cũng là lý do tôi chọn trở thành người lính để viết tiếp câu chuyện hòa bình, nhưng điều chúng tôi lo nhất là thất hứa với người dân.

“Những lúc khó khăn nhất, tôi thường nghĩ đến bố. Tinh thần của những người lính Bộ đội Cụ Hồ là không bao giờ chùn bước. Với lời hứa ở trong tim, chúng tôi tiếp tục xứ mệnh mà mình đã lựa chọn. Và tôi tin rằng ở trên cao, cha tôi cũng như những đồng đội của cha đang mỉm cười”- Thượng tá Trương Xuân Bình nói.

Bên cạnh những câu chuyện đầy bi tráng về những thế hệ đã ngã xuống vì hòa bình, xuyên suốt chương trình là những tiết mục được đầu tư công phu tại các điểm cầu - cũng là điểm nhấn của chương trình với: Giao hưởng "khúc tráng ca hoà bình", Liên khúc Lá xanh - Gửi anh đi đầu quân - Hát mãi khúc quân hành, liên khúc Kỷ niệm của tôi - Thời hoa đỏ, liên khúc Vết chân tròn trên cát - Tổ quốc gọi tên mình, Bài ca không quên, liên khúc Huyền thoại mẹ - Đất nước, Đất nước tình yêu, Một đời người, một rừng cây… qua sự thể hiện của nhiều nghệ sĩ đã đưa khán giả trở lại mạch cảm xúc đầy bi tráng và xúc động của một thời hoa lửa, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sỹ 27/7./.

Bài liên quan
Toàn cảnh chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
VOVLIVE - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức nước CHND Trung Hoa từ ngày 7 - 12/4/2024 theo lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII của Tổng Bí thư
Sáng nay (16/5), Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Thủ tướng Phạm Minh Chính điều hành phiên khai mạc.
Mới nhất