Xử lý hàng loạt cán bộ, đảng viên... tránh "xin xỏ" khi vi phạm nồng độ cồn
Theo số liệu từ Bộ Công an, trong quý III, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 864.000 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, riêng vi phạm nồng độ cồn lên tới hơn 176.000 trường hợp, chiếm hơn 20%.
Đặc biệt, Bộ Công an chỉ đạo thành lập 6 tổ công tác phối hợp với công an các địa phương để tổng kiểm soát, xử lý trên tinh thần "không vùng cấm, không ngoại lệ". Chỉ trong hơn 1 tháng ra quân (từ 28/8 đến 30/9) kiểm tra, xử lý vi phạm được lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc thực hiện, đã có trên 3.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 22% tổng số trường hợp bị xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trong số các trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, có 160 trường hợp là cán bộ, công chức; có người giữ vị trí lãnh đạo, như Chủ tịch UBND phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Phó Giám đốc Trung tâm Quỹ đất TP. Bắc Giang, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Bắc Giang; Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự của một huyện tại TP.HCM; cán bộ Chi cục thuế khu vực Bến Cát, huyện Bàu Bàng (Bình Dương); một số cán bộ thuộc tỉnh Đắk Lắk như giám đốc Bưu điện TP. Buôn Ma Thuột, Trưởng Phòng Tài chính kế hoạch huyện Ea Kar, Phó Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ea Kar, giám đốc Trạm Đăng kiểm số 4703D và cán bộ Chi cục Thú y Đắk Lắk.
Đáng chú ý, trong số các trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, có cả người giữ vị trí lãnh đạo, đang công tác trong ngành công an như Phó trưởng Công an TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), Trưởng Công an phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội)…
Rất nhiều trường hợp cán bộ, công chức khi được lực lượng CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, đã có thái độ chống đối, gọi điện nhờ vả người quen, gây khó khăn cho người thực thi công vụ. Tuy nhiên, theo đại diện Cục CSGT, việc xử lý vi phạm lần này được lực lượng chức năng thực hiện kiên quyết, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật; tất cả các trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản và tạm giữ phương tiện.
Điều này thể hiện qua những kết quả cụ thể với việc không ít cán bộ, công chức, thậm chí cả những người trong ngành công an vi phạm đều được xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một số trường hợp quen thói "cậy quan hệ" để nhờ vả, can thiệp, nhưng lực lượng CSGT đã kiên quyết lập biên bản, xử lý vi phạm.
Duy trì việc xử lý vi phạm nồng độ cồn thường xuyên, liên tục
Đại tá Nguyễn Quang Nhật (Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT) cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT trên cả nước sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn một cách thường xuyên và liên tục.
“Vi phạm về nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, vì thế công tác xử lý được thực hiện xuyên suốt. Với trường hợp vi phạm là cán bộ, đảng viên, ngoài xử lý vi phạm hành chính theo quy định, lực lượng CSGT sẽ gửi thông báo về đơn vị công tác để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan. Việc làm này nhận được sự ủng hộ của dư luận. Đây là biện pháp rất hiệu quả để giảm thiểu vi phạm về nồng độ cồn nói riêng và vi phạm trật tự, an toàn giao thông nói chung”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ.
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, ngày 15/10 tới đây, kế hoạch phối hợp xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông giữa Cục CSGT và công an các địa phương sẽ kết thúc. Tuy nhiên việc kiểm tra, xử lý không dừng lại. S
“Sau khi kế hoạch kể trên kết thúc, lực lượng CSGT công an các địa phương sẽ phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ như chúng tôi vừa làm. Việc này sẽ tạo nề nếp, thói quen cho người tham gia giao thông trên tinh thần đã uống rượu bia là không lái xe, từ đó cũng giúp người dân tuân thủ, chấp hành luật an toàn giao thông một cách nghiêm túc hơn", Đại tá Nguyễn Quang Nhật nhấn mạnh.
Cao điểm xử lý nồng độ cồn mang lại ý nghĩa tích cực cho xã hội
Chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức đánh giá, công tác triển khai xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đặc biệt là xử lý vi phạm nồng độ cồn thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực.
“Mấu chốt của vấn đề lần cao điểm này, công tác xử lý vi phạm đã được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm nên kết quả mang ý nghĩa rất tích cực cho xã hội, được nhân dân ủng hộ. Trong đó, lực lượng CSGT đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tất cả các tuyến đường, các khung giờ, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm, các dịp lễ, Tết. Việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn cũng được thực hiện nghiêm túc, không có tình trạng chìm xuồng", chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức nêu quan điểm.
Cụ thể, theo thống kê của Cục CSGT, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 1,2 triệu trường hợp vi phạm, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số người vi phạm nồng độ cồn giảm 20%, số người vi phạm bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 15 năm giảm 25%.
“Tuy nhiên, tình hình vi phạm giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là các hành vi vi phạm về nồng độ cồn. Nguyên nhân của tình trạng này là do một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ của việc lái xe khi có nồng độ cồn, chưa có ý thức chấp hành pháp luật”, chuyên gia Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đặc biệt là xử lý vi phạm nồng độ cồn, theo chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức cần thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân, đặc biệt là các quy định về nồng độ cồn. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tất cả các tuyến đường, các khung giờ, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm, các dịp lễ, Tết. Tăng cường xử phạt nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi vi phạm về nồng độ cồn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác xử lý vi phạm, đặc biệt là xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Tránh hô hào khẩu hiệu, cần xử lý nghiêm minh ma men
Chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức cho rằng, việc triển khai thường xuyên liên tục là một yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả và bền vững của các hoạt động.
“Nếu chỉ dừng lại ở mức độ khẩu hiệu, hay thực hiện theo từng đợt cao điểm rồi lại bỏ ngỏ khi hết cao điểm, thì sẽ không thể tạo ra được sự thay đổi tích cực và lâu dài. Việc này cũng sẽ làm mất đi sự tin tưởng và hỗ trợ của các đối tác và người dân. Do đó, chúng ta cần phải có kế hoạch và phương pháp triển khai thường xuyên liên tục, chứ không nên chỉ dựa vào những cơn sốt nhất thời”, chuyên gia Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức cho biết thểm, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đang được triển khai trên toàn quốc cho thấy, Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được lực lượng cảnh sát giao thông quán triệt và thực hiện nghiêm túc, với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ngoài áp dụng các mức phạt theo quy định, lực lượng chức năng còn gửi thông báo về cơ quan, đơn vị công tác đối với cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, của cơ quan theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Không thể trông chờ vào sự tự giác hay bằng hình thức tăng mức xử phạt, mà đòi hỏi phải có một chiến lược bài bản với những quy định, chế tài hiệu quả, loại bỏ hoàn toàn thói quen xin xỏ, nhờ vả khi vi phạm nồng độ cồn. Phải siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông; nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng", chuyên gia Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh thêm.