Các bệnh viện ở ĐBSCL thiếu máu trầm trọng, cả bác sĩ và bệnh nhân cùng khổ

Hồng Phương/VOV-ĐBSCL | 12/11/2023, 09:44

Những tháng gần đây, bệnh viện các tỉnh ĐBSCL thiếu nguồn máu cho bệnh nhân, trong khi đó Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ đảm nhận cung cấp máu cho 11/13 tỉnh trong khu vực, lại đang gặp nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng. Thiếu máu khiến bác sĩ rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”, bệnh nhân thì “khóc hết thành tiếng” vì chờ đợi được truyền máu.

Đến kho trữ máu của Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ - nơi từng chứa hàng ngàn đơn vị máu - giờ chỉ còn khoảng vài chục đơn vị. Tình trạng khan hiếm máu trầm trọng, nên từ đầu tháng 9/2023, Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ thông báo tạm dừng giao máu, chế phẩm máu cho 74 bệnh viện, cơ sở y tế khu vực ĐBSCL và chỉ phát máu, chế phẩm máu trong trường hợp cấp cứu.

BS.CKII Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do gặp khó khăn trong công tác đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2023-2024, trong đó có túi lấy máu và hóa chất xét nghiệm sàng lọc máu. Từ tháng 6/2023, bệnh viện đã bắt đầu hết túi đựng máu và hóa chất sàng lọc bệnh lây qua đường máu… Đây đều là những mặt hàng của hồ sơ gói thầu tổng trị giá gần 150 tỷ đồng, với 394 mặt hàng, nhưng lại có 47 mặt hàng tăng giá so với quyết định dự toán ban đầu (giá của năm 2022).

BS.CKII Nguyễn Xuân Việt cho biết thêm: “Cho tới ngày 18/10/2023, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ mới nhận được quyết định cuối cùng để tổ chức đấu thầu. Thời gian chờ đợi lâu quá đã dẫn đến tình trạng thiếu các hóa chất, vật tư trên”.

Tình trạng khan hiếm máu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các bệnh viện, nhất là công tác phẫu thuật, truyền máu cấp cứu, truyền máu định kỳ.... Nhiều cơ sở y tế trong khu vực đã gửi công văn “cầu cứu” nhiều nơi. Điển hình như tại Khoa nội tiêu hóa - huyết học lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương TP. Cần Thơ, nhiều bệnh nhân nằm chờ đợi mỏi mòn. Trong đó có ông Nguyễn Cộng Đồng, nhập viện đã mấy ngày, vẫn phải nằm chờ mỏi mòn để được tiếp máu chữa bệnh.

Anh Nguyễn Thanh Sang, con trai ông Đồng bày tỏ: “Tình trạng của ba tôi là thiếu máu. Trong phiếu xét nghiệm, ba thiếu máu nhiều, cần phải tiếp máu, nhưng đợi hai ngày rồi chưa có máu”.

Khoa Thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Trung ương TP. Cần Thơ, bệnh nhân lại càng khổ hơn vì đây là căn bệnh cần truyền máu để duy trì sự sống và tiền điều trị lại cao, nhưng hiện bệnh viện không có máu để truyền. Nhiều bệnh nhân cùng người nhà từ tỉnh khác đến điều trị, gia cảnh khó khăn, đã bật khóc khi “ở đây cũng dở, về nhà cũng không xong”.

“Bệnh viện lớn cũng thiếu máu, tôi hỏi giờ con cháu có cho máu để truyền được không, bác sĩ nói không được”, anh Danh Cua, đến từ tỉnh Hậu Giang, chăm người nhà tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương TP. Cần Thơ chia sẻ.

Có thể thấy, nguồn máu hiện chỉ dự phòng và ưu tiên cho cấp cứu, điều này thực sự không chỉ gây khó khăn cho bệnh nhân, mà còn là nỗi lo lắng của đội ngũ bác sĩ điều trị.

BS.CKII Bố Kim Phương, Trưởng Khoa nội tiêu hóa - huyết học lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương TP. Cần Thơ cho biết: “Có những ca xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày chẳng hạn, điều trị rồi mà vết loét lớn quá hoặc trường hợp điều trị nội soi thất bại, thuốc thất bại thì đôi khi phải phẫu thuật. Phẫu thuật như vậy thì cần máu dự trù, mà máu dự trù không có thì rất khó khăn”.

Trước đó, vào ngày 22/9, UBND TP. Cần Thơ đã ra Quyết định về việc điều chỉnh 47 mặt hàng thuộc gói thầu mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2023-2024 tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, điều này đã giúp tháo gỡ khó khăn bước đầu.

Bên cạnh đó, đầu tháng 11/2023, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế tiếp tục có văn bản gửi các đơn vị liên quan yêu cầu phải bảo đảm cung cấp đủ máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện. Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương phối hợp bảo đảm đầy đủ nguồn cung ứng máu và chế phẩm máu ở vùng ĐBSCL. Bộ cũng yêu cầu Sở Y tế TP. Cần Thơ, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ nghiêm túc rút kinh nghiệm việc không bảo đảm nguồn cung ứng máu, ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ thông tin, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu thành lập tổ công tác đặc biệt giúp gỡ khó cho bệnh viện. Chậm nhất là đến tháng 12, đơn vị sẽ có đủ trang thiết bị để huy động người dân hiến máu, đảm bảo tốt cho việc cấp cứu và điều trị.

“Đề xuất kiến nghị UBND thành phố, HĐND thành phố xem xét sẽ phân cấp được rộng hơn cho các đơn vị tự chủ việc mua sắm của mình, để quy trình thủ tục được đi nhanh hơn”, bà Nguyễn Ngọc Việt Nga cho biết.

Hiện Bệnh viện Huyết học Truyền máu Cần Thơ vẫn nhờ hỗ trợ từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Huyết học TP. Hồ Chí Minh, lượng máu dự trữ chỉ dành riêng cho cấp cứu. Hy vọng lần này với sự vào cuộc “thực sự quyết liệt” của cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, tình trạng khan hiếm máu trầm trọng tại ĐBSCL sẽ được tháo gỡ, để người dân yên tâm điều trị bệnh.

Bài liên quan
VinFast giới thiệu mẫu xe ý tưởng và công nghệ mới tại CES 2024
VinFast công bố sẽ tham dự trưng bày sản phẩm tại triển lãm công nghệ CES 2024, tổ chức ngày 9/1 – 12/1/2024 tại Las Vegas Convention Center.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi hợp luyện.
Mới nhất