Ca bệnh đậu mùa khỉ tuy giới hạn trong cộng đồng hẹp nhưng không được chủ quan

Nguyễn Hà/VOV.VN | 16/09/2024, 16:16

VOVLIVE - Tại Việt Nam, bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện từ năm 2022, đến nay, vẫn rải rác ghi nhận ca bệnh, với 202 ca mắc và 8 ca tử vong. Hiện nay dịch vẫn giới hạn trong cộng đồng hẹp, chủ yếu lây lan qua đường quan hệ tình dục như ở các đối tượng gái mại dâm, người đồng tính, tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan.

Lo ngại đại dịch bệnh đậu mùa khỉ có thể xảy ra

Vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế với dịch đậu mùa khỉ do sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh này tại nhiều quốc gia châu Phi.

Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ hiện đang bùng phát dữ dội tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo, đồng thời bệnh đã lan rộng qua nhiều quốc gia châu Phi lân cận. Hơn 15.600 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và 537 ca tử vong đã được phát hiện tại nước này trong năm nay.

Tại Việt Nam, bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện từ năm 2022, đến nay, vẫn rải rác ghi nhận ca bệnh, với 202 ca mắc và 8 ca tử vong. Tuy nhiên, dịch vẫn giới hạn trong cộng đồng hẹp, chủ yếu lây lan qua đường quan hệ tình dục như ở các đối tượng gái mại dâm, người đồng tính.

TP.HCM là tỉnh ghi nhận số ca mắc và tử vong cao nhất tại khu vực phía Nam trong thời gian này. Theo đó, tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ phát hiện trong 2 năm 2023-2024 TP.HCM là 156 ca, trong đó có 6 ca tử vong. Riêng năm 2024, có 49 ca mắc đậu mùa khỉ, không có ca tử vong.

Các ca bệnh đều là nam, tuổi trung bình là 32 (nhỏ nhất là 18 và lớn nhất là 53 tuổi). 84% ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Đáng chú ý, 55% bệnh nhân là người sống chung với HIV và 7% đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, bệnh có tên đậu mùa khỉ là bệnh lây từ động vật gặm nhấm sang người và lây từ người sang người. Dịch vẫn lưu hành tại châu Phi, nhưng từ năm 2022 dịch đã lan ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.

“Năm nay, dịch đậu mùa khỉ ở Công gô diễn biến nặng nề, với hàng nghìn ca tử vong. Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp của bệnh đậu mùa khỉ vì khả năng chống dịch tại châu Phi khó khăn; lo sợ dịch lan ra như năm 2022 và cũng có thể biến chứng thành những chủng nguy hiểm hơn, gây tử vong nhiều hơn”, PGS.TS Trần Đắc Phu bày tỏ lo ngại.

Tuy nhiên, trước sự lo lắng của cộng đồng về việc dịch có thể tiếp tục lây lan ở trong nước, PGS.TS Trần Đắc Phu, cho biết: “Chúng ta không nên quá lo lắng về nguy cơ lây nhiễm của dịch đậu mùa khỉ, nhưng cũng không được chủ quan. Cần phải xác định được nguy cơ và nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó. Nếu chúng ta không đáp ứng tốt có thể bùng dịch, nhưng đáp ứng thái quá gây tốn kém cho nguồn lực. Vì trong lúc này, còn nhiều dịch bệnh khác cần được tập trung hơn”.

Chủ động kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam cũng từng rải rác ghi nhận các ca mắc đậu mùa khỉ tại các tỉnh: Đồng Nai, Kiên Giang, Cà Mau… tuy không ghi nhận sự lây lan mạnh, nhưng trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước và trong bối cảnh giao thương giữa các nước, Việt Nam vẫn cần chủ động không để tiếp tục lây lan mầm bệnh vào trong nước.

Theo đại diện Bộ Y tế, để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ trong nước và xâm nhập, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát diện rộng, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống, các hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ; phòng ngừa lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tại các cửa khẩu, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay tại cửa khẩu.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện giám sát chủ động với bệnh đậu mùa khỉ, lưu ý lồng ghép giám sát, dự phòng với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp các dịch vụ về phòng chống HIV/AIDS.

Các địa phương cần rà soát, cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch. Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế; tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao, tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các địa phương; báo cáo các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh về Bộ Y tế.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, các bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm cũng tiến hành phân tích, đánh giá, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch đậu mùa khỉ tại các địa phương để kịp thời phát hiện các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh, tác nhân gây bệnh mới nhất, bất thường (nếu có) để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo đặc điểm như: Dịch lây qua dịch tiết, qua đường giọt bắn… và thực hiện tốt các biện pháp tránh tiếp xúc với mầm bệnh, không thực hiện các hành vi gây nguy cơ cao như quan hệ tình dục không lành mạnh, hạn chế tiếp xúc với những người từ vùng có dịch về…

Bài liên quan
Anh phát hiện thêm 2 ca mắc biến thể đậu mùa khỉ mới lớp Ib
VOVLIVE - 2 ca mắc biến thể đậu mùa khỉ mới được phát hiện cũng là những trường hợp đầu tiên mắc biến thể đậu mùa khỉ mới lớp Ib, ở những người tiếp xúc trong gia đình ở Anh.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Tìm được người tài để vận hành bộ máy
VOVLIVE - Người phát ngôn Bộ Nội vụ nhấn mạnh điểm quan trọng nhất khi tinh gọn bộ máy là tìm được người tài để vận hành bộ máy. Làm như vậy mới có được kết quả tích cực.
Mới nhất