Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ điều này với báo tại cuộc họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, chiều 16/6, liên quan đến việc Quốc hội tiến hành bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội và phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long.
“Thật bùi ngùi khi phải đọc nghị quyết bãi nhiệm đồng chí, đồng nghiệp của mình” - ông Bùi Văn Cường nói, đồng thời nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật và để giữ vững kỷ cương, kỷ luật thì buộc phải thực hiện, như tinh thần Nghị quyết của Quốc hội ngay đầu nhiệm kỳ khẳng định không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong thực hiện công vụ của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị.
“Dù đau xót, buồn, và cũng thấy đóng góp của ngành y tế và cá nhân ông Nguyễn Thanh Long trong chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân là rất lớn, nhưng sai phạm vẫn phải xử lý” – ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng chia sẻ thêm, khi Ban Chấp hành Trung ương tổ chức phiên họp bất thường để xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Thanh Long thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nghẹn ngào khi phát biểu đánh giá thành thích, chia sẻ với ngành và đặc biệt nêu về nguyên tắc, kỷ luật của Đảng là nghiêm minh.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc phải chăng do thiếu sự giám sát trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội với nhiều cơ chế đặc cách, đặc biệt, đặc thù, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết 30 là kịp thời tháo gỡ về mặt thể chế, đảm bảo quy định của pháp luật được thực thi.
Hiến pháp quy định người dân không bị hạn chế đi lại nhưng trong trường hợp không công bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, nhằm phòng chống dịch lây nhiễm ra cộng đồng thì tuỳ theo từng địa bàn, hệ thống hành chính có quyền hạn chế quyền tự do đi lại của công dân. Như vậy, nếu không có Nghị quyết của Quốc hội thì việc làm trên sẽ vi hiến.
“Còn vi phạm của ông Nguyễn Thanh Long không phải xuất phát từ Nghị quyết với các cơ chế đặc biệt, đặc cách, đặc thù” – ông Bùi Văn Cường khẳng định, đồng thời cho biết thêm liên quan vụ án Việt Á, sai phạm của tổ chức, cá nhân đã được kết luận.
Đề cập giải pháp ổn định tâm lý cho cán bộ nhân viên ngành y tế sau những vụ việc vừa qua, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Nghị quyết Kỳ họp thứ 3 nêu rõ: “Sớm có biện pháp ổn định tổ chức bộ máy và tâm lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong ngành y tế từ trung ương đến địa phương trong bối cảnh có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân; tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế” và giải pháp cụ thể sẽ do điều hành của Chính phủ và ngành y tế.
“Hàng loạt cán bộ liên quan đến vụ án Việt Á có vi phạm, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự thì phải xử lý. Điều đó cũng có gây tâm lý, có một bộ phận có thể nói không phê duyệt hay quyết định mua sắm để đảm bảo “an toàn” – ông Bùi Văn Cường thừa nhận, song cũng nhấn mạnh pháp luật về đấu thầu, mua sắm đã rất cụ thể nên nếu cán bộ thực hiện đúng quy định, quy trình sẽ không vi phạm.
Tổng Thư ký Quốc hội phân tích, giá kit xét nghiệm chưa được hội đồng chuyên môn thẩm định nhưng cục chuyên môn của Bộ Y tế đã có mấy văn bản gửi địa phương về việc mua theo chỉ đạo của ông Nguyễn Thanh Long là không đúng quy định.
“Có trục lợi hay không thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ, nhưng hình thức bề ngoài mà có văn bản thông báo giá như thế để địa phương mua khi không được hội đồng có thẩm quyền, chức năng tư vấn đánh giá, chưa làm đầy đủ quy trình thì rõ ràng bỏ sót quy trình, gây hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước thì phải xử lý theo quy định pháp luật” – Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định./.