Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Không để tăng giá vé máy bay trái quy định

Phi Long/VOV.VN | 13/07/2024, 09:07

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh thanh tra, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, không để tình trạng tăng giá vé trái quy định của các hãng hàng không.

Vé máy bay “hạ nhiệt” giữa cao điểm hè

Khảo sát của phóng viên VOV.VN, tại thời điểm đầu tháng 7/2024, giá vé cho chặng bay Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh chỉ hơn 1,5 triệu đồng/chiều, đã bao gồm thuế phí. Giá vé từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đi nhiều các điểm du lịch trọng điểm như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... cũng "giảm nhiệt", với mức hơn 1,2 triệu đồng/chiều như TP. Hồ Chí Minh - Quy Nhơn từ 1,1 triệu đồng/chiều, Hà Nội - Đà Nẵng từ 1,2 triệu đồng/chiều; TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng từ 1.227.000 đồng/chiều; Hà Nội - Nha Trang từ 1,6 triệu đồng/chiều... đã bao gồm thuế phí.

“Vừa rồi gia đình tôi đặt vé máy bay chặng Hà Nội – Đà Nẵng, vé khứ hồi Vietnam Airlines là gần 3,4 triệu đồng/vé, bay khung giờ mình được lựa chọn, tôi thấy như vậy khá thoải mái. Nghe nói hè năm nay vé máy bay khan hiếm, giá cao. Tuy nhiên, với mức giá vé như vậy là có thể chấp nhận được”, chị Trần Hồng Lê ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết.

Về phía các hãng hàng không liên tục thông báo tăng chuyến và mở bán nhiều khung giờ để hành khách có thêm nhiều lựa chọn giá tốt.

Như Vietnam Airlines mở bán gần 300.000 vé máy bay giá ưu đãi trong mùa cao điểm Hè năm nay với chương trình “Bay giờ đêm, thêm giá tốt”. Theo đó, hành khách có thể mua vé máy bay nội địa với mức giá chỉ từ 1 triệu đồng/chiều cho hạng phổ thông và hơn 1,9 triệu đồng/chiều cho hạng thương gia. Giá này đã bao gồm thuế, phí và mở bán trên các chuyến bay sáng sớm hoặc tối muộn.

Theo ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines, hãng đang phải tạm dừng 12 máy bay A321NEO dưới mặt đất do ảnh hưởng bởi triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt&Whitney.

"Quá trình đưa động cơ vào bảo dưỡng kéo dài đến 300 ngày, gần gấp ba trước kia. Tình huống thiếu máy bay sẽ còn tiếp diễn đến nửa đầu năm 2025", ông Hà thông tin thêm.

Trong điều kiện nguồn lực máy bay bị sụt giảm 15% đã ảnh hưởng đến năng lực khai thác của Vietnam Airlines, hãng đã thực hiện các giải pháp điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thay đổi đường bay, điều kiện khai thác, vận hành, thời gian quay đầu máy bay tại các cảng hàng không nên đã tăng được năng suất sử dụng máy bay lên 26%.

“Ngoài ra, Vietnam Airlines đã chủ động tìm các giải pháp, thuê ướt 4 máy bay phục vụ cao điểm, đáp ứng tải cung ứng cho thị trường nội địa, khai thác chuyến bay đêm để có cơ hội giảm giá vé cho người dân; tiếp tục mở rộng mạng đường bay quốc tế”, ông Hà thông tin.

Tổng giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam nhận định, giá vé máy bay nội địa chỉ có thể hạ nhiệt và có nhiều ghế dành cho các loại vé giá rẻ khi số lượng máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tăng.

Ông Nam cho biết, từ đầu năm 2024, Bamboo Airways đã thuê ướt hai máy bay Airbus A320 phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Việc thuê thêm máy bay khi chi phí đầu vào của hàng không tăng vọt, đặc biệt là chi phí thuê máy bay. Tuy nhiên, đây là nỗ lực và trách nhiệm của hãng trong việc tìm giải pháp tăng nguồn cung vé, góp phần giảm nhiệt cho thị trường hàng không nội địa.

“Hãng dự kiến sẽ tiếp tục thuê thêm một máy bay trong giai đoạn từ nay đến cuối năm để mở thêm các đường bay nội địa như TP.HCM – Đà Lạt, TP.HCM – Thanh Hóa, TP.HCM – Phú Quốc… phục vụ hành khách. Việc thuê thêm máy bay minh chứng cho đà phục hồi ổn định và khả quan của Bamboo Airways”, ông Nam nói.

Vietjet cũng tăng chuyến, mở thêm các đường bay du lịch biển khắp Việt Nam như Vinh (Nghệ An) - Nha Trang, Thanh Hóa - Nha Trang, Hà Nội – Tuy Hòa (Phú Yên)... tăng cơ hội trải nghiệm bay cho hành khách.

Thị trường quốc tế tăng vọt, nội địa giảm

Theo ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, 2 quý đầu năm nay, tổng thị trường hành khách ước đạt 38,1 triệu khách, tăng 6,7% so với năm 2023.

Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 21 triệu khách, tăng hơn 44% so với cùng kỳ 2022 và tăng 3% so cùng kỳ 2019. Khách nội địa đạt 17 triệu khách, giảm hơn 19%.

Cục Hàng không Việt Nam dự báo thị trường vận tải hàng không năm 2024 đạt khoảng 78,3 triệu khách (gần 35 triệu khách nội địa, hơn 43 triệu khách quốc tế) và hơn 1,2 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 7,7% về hành khách và 13,4% về hàng hóa.

Đề cập đến khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hiện nay, theo ông Thắng, do thiếu hụt đội máy bay nên các hãng hàng không Việt Nam phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa. Đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường nội địa giảm so cùng kỳ 2023 và 2019.

Mặc dù vậy, các hãng vẫn duy trì mạng đường bay nội địa với 50 đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM và 20 cảng hàng không. Vietnam Airlines là hãng chiếm thị phần lớn nhất với 42% và tiếp đó là Vietjet Air với 40%, hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 84%.

"Hoạt động vận tải hàng không 6 tháng đầu năm về cơ bản đáp ứng nhu cầu của hành khách với an toàn, an ninh hàng không được đảm bảo và chất lượng dịch vụ được duy trì", ông Thắng đánh giá.

Thanh tra, kiểm soát chặt giá vé bay

Để tránh tình trạng thiếu hụt máy bay, các đại lý vé nâng giá vé vô tội vạ, Cục Hàng không yêu cầu các hãng bay rà soát, điều chỉnh cách thức hiển thị thông tin, làm rõ những khoản mục cấu thành mà khách hàng phải trả trong giá vé.

“Các hãng cần tích cực làm việc với các đối tác cho thuê máy bay trên thế giới để tìm kiếm máy bay, bổ sung lực lượng vận tải, thay thế các máy bay dừng khai thác vì lý do triệu hồi động cơ đồng thời nghiên cứu tăng tải cung ứng trên các đường bay nội địa, các đường bay phục vụ du lịch, đặc biệt là các chuyến bay đi/đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ”, ông Thắng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không cần xây dựng các dải giá vé linh hoạt, tiếp tục có chính sách ưu đãi về giá vé trên đường bay nội địa phù hợp với thực tiễn thị trường vận tải hàng không, cũng như nhu cầu của người dân và các chương trình du lịch, lễ hội lớn.

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm mới đây của Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh thanh tra, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, không để tình trạng tăng giá vé trái quy định; quản lý nghiêm việc điều phối, sử dụng slot (lượt cất, hạ cánh) của các hãng hàng không.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, điều đáng mừng trong 6 tháng đầu năm là dù thiếu máy bay do nguyên nhân khách quan, song có nhiều giải pháp, song các hãng hàng không vẫn bảo đảm năng lực vận tải phục vụ người dân trên các chặng bay trong nước, quốc tế.

"Cái khó ló cái khôn", các hãng đã tính toán tiết giảm thời gian dừng đỗ, tăng cường bay đêm… tiết giảm chi phí nhưng nâng cao hiệu suất hoạt động. Đây là sự nỗ lực của cả hệ thống", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Để tạo thuận lợi cho các hãng hàng không duy trì tốt các chặng bay, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đại diện hãng bay kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục hỗ trợ các hãng hàng không làm việc với các nhà chức trách hàng không các quốc gia để đảm bảo giữ slot (lượt cất, hạ cánh) khai thác cho các hãng trong điều kiện thị trường vận tải hàng không quốc tế đang phục hồi…

Bài liên quan
Các hãng hàng không liên tiếp ra thông báo huỷ, điều chỉnh lịch bay
Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air đồng loạt ra thông báo huỷ, điều chỉnh lịch khai thác nhiều chuyến bay do ảnh hưởng của bão Yagi.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sau bão số 3, các tỉnh phía Bắc sẽ hứng chịu một đợt mưa rất lớn
Trong đêm 7/9 và ngày 8/9, thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ vẫn hứng chịu các trận mưa lớn. Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hà Nội sẽ có thể bị ngập lụt nặng nề.
Mới nhất