Bổ sung quy định riêng về điều kiện PCCC nhà ở kết hợp kinh doanh

Lê Hoàng/VOV.VN | 01/11/2024, 15:47

VOVLIVE - Sáng 1/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ.

Bổ sung quy định riêng về điều kiện PCCC nhà ở kết hợp kinh doanh

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) đã được Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này. Dự thảo luật sau tiếp thu, chỉnh lý có 59 điều (giảm 6 điều do chỉnh lý, ghép các nội dung quy định có tính tương đồng và lược bỏ 1 điều về xã hội hóa hoạt động kinh doanh dịch vụ PCCC).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị tách riêng quy định PCCC đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu tách Điều 17 về Phòng cháy đối với nhà ở thành 2 điều gồm: 1 điều về Phòng cháy đối với nhà ở (Điều 19) và 1 điều về Phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (Điều 20); đồng thời phân loại, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ việc không có quy định riêng về PCCC nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu chế xuất… Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các loại hình nêu trên đều được định nghĩa là "cơ sở" tại khoản 7 Điều 2 và quy định cụ thể tại Điều 22.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung đầy đủ các quy định về phòng cháy đối với cơ sở và thể hiện cụ thể tại Điều 22 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý. 

Đồng thời, tại khoản 5 Điều 54 đã giao các Bộ chức năng ban hành, sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trong đó có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC đối với từng loại cơ sở như nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu chế xuất…

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép không quy định cụ thể về phòng cháy đối với nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu chế xuất… trong dự thảo Luật này.

Về quy định kinh doanh dịch vụ PCCC, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các ý kiến trên là cần phải thực hiện chủ trương của Đảng về việc "đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy", tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho cơ sở, doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, thiết kế, thi công, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ. 

Do vậy, để tiếp thu ý kiến ĐBQH và tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bỏ quy định kinh doanh dịch vụ PCCC là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật này. Đồng thời, đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 nhằm bỏ quy định này tại mục số 11 Phụ lục IV của Luật Đầu tư.

Về hoạt động cứu nạn, cứu hộ giao cho lực lượng quân đội đảm nhiệm đã được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng, chống thiên tai... Hoạt động cứu nạn, cứu hộ do Luật này điều chỉnh chỉ bao gồm các tình huống như cháy và các tai nạn, sự cố diễn ra thường ngày chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự, cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định của pháp luật có liên quan và giao cho lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ chủ trì phối hợp với các lực lượng khác có liên quan thực hiện.

Đề nghị bổ sung phòng cháy đối với chung cư cao tầng

Phát biểu tại Hội trường, Đại biểu Vũ Hồng Luyến (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, nhiều chung cư cao tầng xây dựng từ lâu, trong quá trình sử dụng gây hư hỏng hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, cứu nạn, cứu hộ không còn đảm bảo.

Do đó, đại biểu Vũ Hồng Luyến cho rằng, cần có các quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng phải đảm bảo tối thiểu cho xe phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng có thể tiếp cận được khi cháy, nổ xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.

Cũng đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn các nguồn nước chữa cháy ở các ngõ nhỏ, chung cư cao tầng, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) cho rằng, thực tế thời gian qua, nhiều vụ cháy xảy ra liên quan đến nhóm nguyên nhân chập điện và hàn xì, liên quan đến các quán karaoke và vũ trường... Do vậy, những nội dung liên quan đến các nhóm này cần được rà soát chặt chẽ để đảm bảo ngăn ngừa công tác PCCC.

"Bởi thực tế hiện nay, chúng ta đang chỉ tiếp cận một nguồn nước riêng biệt và từ các ao, sông, hồ để chữa cháy. Trong khi đó, chúng ta chưa tiếp cận được nguồn nước của các gia đình từ trên xuống để xử lý cho vấn đề chữa cháy để linh hoạt và kịp thời. Các nhà ở chung cư nên bố trí một ụ nước hoặc hệ thống vòi nước, dây dẫn, vòi xịt… để xử lý khi xảy ra sự cố cháy. Đồng thời cần khai thác các nguồn nước từ các hộ gia đình đã có, bố trí thêm các vòi nước dự phòng, vòi xịt để xử lý kịp thời", đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu ý kiến.

Rõ ràng trách nhiệm trong PCCC

Quan tâm đến nội dung về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) nêu ý kiến, Điểu 7 của dự thảo Luật đang quy định người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm thành lập, duy trì hoạt động Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành hoặc phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. 

Trong khi đó, tại Điều 22 quy định về điều kiện an toàn phòng cháy đối với cơ sở cũng yêu cầu phải thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cơ sở chuyên ngành theo quy định của pháp luật. Đồng thời tại khoản 4, Điều 37 đề nghị Chính phủ quy định cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành.

Theo đại biểu, giữa các quy định của dự thảo Luật chưa có sự thống nhất, chưa rõ ràng trường hợp nào thì cơ sở chỉ cần phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mà không cần thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành. Do đó, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, chỉnh lý các quy định này để bảo đảm tính thống nhất…

Cùng nêu ý kiến với nội dung này, đại biểu Trần Đình Chung (Đoàn Đà Nẵng) và đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) đề nghị bổ sung trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình thi công công trình xây dựng. 

Theo đại biểu Trần Đình Chung, tại Điều 18 về phòng cháy đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công, công trình xây dựng trong quá trình thi công phải đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhưng dự thảo chưa nêu trách nhiệm của các bên liên quan. Do vậy, cần bổ sung trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy của các bên liên quan trong quá trình thi công, gồm: chủ cơ sở, cá nhân, đơn vị thi công, tư vấn giám sát và thẩm định thiết kế.

Đại biểu đoàn Đà Nẵng cũng đề nghị bổ sung thêm một khoản 5 vào Điều 18: Chủ cơ sở, cá nhân, đơn vị thi công giám sát và thẩm duyệt thiết kế chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. Điều này cũng phù hợp với khoản 2, Điều 15 quy định đối với công trình tạm phải có các giải pháp thiết kế về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với công năng, đặc điểm của công trình.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng: "Điều 7 dự thảo Luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, điều luật này cũng chưa nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình. Đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều này nội dung: người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình phải chịu trách nhiệm chính trong việc phòng cháy, trong trường hợp để xảy ra cháy tại cơ quan, tổ chức, gia đình mình". 

Bài liên quan
Xây dựng pháp luật: Dứt khoát bỏ tình trạng "không quản được thì cấm"
VOVLIVE - Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: "Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm là một định hướng hoàn toàn đúng đắn. Định hướng này sẽ là điểm mốc rất quan trọng và làm thay đổi cơ bản công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội .

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm: "Chuyển mình chậm là lạc hậu với thế giới"
VOVLIVE - Trao đổi với các học viên cán bộ quy hoạch Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XIV, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, cần phải có kế hoạch dài hạn để đạt được mục tiêu đã đề ra. Bởi thế giới đang thay đổi liên tục, chuyển mình chậm là lạc hậu với thế giới.
Mới nhất