
Điểm sáng trong quá trình triển khai là sự vận dụng sáng tạo các giải pháp xây dựng nhà ở ngay trên những khu vực đất thuộc quy hoạch khoáng sản, đất lâm phần, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật hiện hành. Mặt khác, địa phương đã huy động sức mạnh cộng đồng, chung tay vì người nghèo.
"6 dám" kiến tạo an cư giữa vùng đất khó
Ông Điểu Gây, người dân thôn Bình Lợi, xã Nghĩa Bình, nhiều năm nay phải sống trong căn nhà tạm bợ với vách tre, mái tôn rách nát. Không có nghề nghiệp ổn định, vợ chồng ông phải mưu sinh bằng việc làm thuê, làm mướn để nuôi hai con nhỏ.
Gia đình ông được các cấp chính quyền xét duyệt hỗ trợ xây nhà theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tuy nhiên, do đất thuộc diện quy hoạch khoáng sản, gia đình ông phải chờ đợi. Sau nhiều tháng, đến nay căn nhà lắp ghép đã hoàn thành.

Ông Điểu Gây tâm sự: Cảm ơn chính quyền đã xây cho tôi căn nhà che nắng, che mưa, tiếp thêm sức mạnh để gia đình tôi xây dựng kinh tế. Tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn chính quyền xã đã giúp đỡ gia đình tôi".
Gia đình ông Điểu Gây chỉ là một trong số 202 căn nhà mới được bàn giao. Phần lớn những căn nhà này đều nằm trong khu vực quy hoạch bô-xít, đất lâm phần, do đó hành trình "kiến tạo an cư" này không hề dễ dàng bởi rào cản pháp lý. Do đó, chính quyền địa phương Bù Đăng đã phải trăn trở, tìm hướng đi.
Ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết, địa phương đã nghiên cứu và xin ý kiến của tỉnh xây dựng nhà lắp ghép, nhà tiền chế cho các hộ dân. Dù đây là một giải pháp chưa từng có tiền lệ, chính quyền địa phương vẫn quyết tâm "cân đo đong đếm" kỹ lưỡng trong từng bước triển khai.

“Khi tỉnh đồng ý cho xây dựng nhà lắp ghép, việc này chưa có tiền lệ, nên từ hồ sơ tính quyết toán đến căn nhà mẫu đều là một thử thách. Trên cơ sở đó, chúng tôi xác định rõ những khó khăn và tiến hành làm thí điểm ở một số khu vực, tính toán chi phí sao cho phù hợp với tiêu chuẩn của tỉnh. Sau khi thành công với mô hình thử nghiệm, chúng tôi mới mạnh dạn nhân rộng”, ông Lưu nói.
Kết quả đầy ấn tượng khi 202 căn nhà tạm, nhà dột nát được huyện Bù Đăng bàn giao cho người dân trước ngày 30/4 minh chứng cho sự thành công của phương pháp này.
Bài toán khó về xóa nhà tạm, nhà dột nát trên đất quy hoạch khoáng sản, đất lâm phần tưởng chừng không có lời giải, nay đã được hóa giải với phương châm "6 dám": dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và dám hành động.
"Chắp cánh" ước mơ an cư bằng sức mạnh cộng đồng
Không chỉ riêng Bù Đăng, huyện biên giới Bù Đốp cũng ghi dấu ấn đậm nét trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng 102 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là 17 hộ gia đình không có đất để xây dựng, dù kinh phí đã sẵn sàng.

Trước tình cảnh đó, chính quyền địa phương không ngừng nỗ lực vận động và nhận được sự sẻ chia từ cộng đồng doanh nghiệp. Hai đơn vị là Công ty TNHH Thành Liêm và Công ty TNHH Minh Nhật, đã mua, tặng 17 nền đất cho các hộ dân khó khăn này. Nhờ sự chung sức đó, Bù Đốp có đủ quỹ đất để xây nhà cho người dân, giúp chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát hoàn thành một cách trọn vẹn và ý nghĩa.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thiện Hưng cho biết, hầu hết các căn nhà mới đều rộng hơn quy định. Để làm được điều này, chính quyền cũng đã sự chung tay của cả cộng đồng:
"Các ban ngành, đoàn thể hỗ trợ thêm ngày công. Vận động các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ thêm cho nhà thầu gạch, xi măng, vật liệu xây dựng để bà con có căn nhà khang trang để ở."
Giờ đây, 102 mái ấm khang trang đã được trao tặng các hộ gia đình, không chỉ mang đến một nơi ở an toàn, kiên cố mà còn tạo nền tảng vững chắc để họ có thêm động lực, điều kiện vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
Đồng lòng, chung sức vì an sinh xã hội
Nhờ những cách làm sáng tạo và sự chung tay của cộng đồng, Bình Phước đã về đích sớm trong việc xây dựng 765 căn nhà với kinh phí gần 54 tỷ đồng cho chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, 625 căn dành cho hộ nghèo, cận nghèo và 140 căn cho người có công.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, để đạt được kết quả này, các sở, ngành, địa phương đã huy động tối đa mọi nguồn lực. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách địa phương, tỉnh còn tận dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 để hỗ trợ chương trình.
Trong quá trình triển khai, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những khó khăn liên quan đến quỹ đất xây dựng, đặc biệt là đối với những hộ nằm trong vùng quy hoạch bô-xít hoặc đất lâm phần. Những trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc gặp vướng mắc về quy hoạch cũng được địa phương hỗ trợ giải quyết kịp thời.
Ông Hà Anh Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, những căn nhà mới không chỉ là nơi ở mà còn là khởi đầu cho một tương lai tươi sáng hơn đối với các hộ dân. Thế nhưng, việc chăm lo cho người dân sẽ là một quá trình liên tục, không dừng lại sau khi hoàn thành chương trình lần này.

Ban chỉ đạo của tỉnh tiếp tục giao Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát đối với những đối tượng đã được thụ hưởng từ lâu nhưng hiện nay nhà đã xuống cấp. Chúng tôi sẽ lựa chọn để xem xét và tiếp tục hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp những ngôi nhà đó. Tôi cho rằng, việc chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người khó khăn và tất cả đối tượng yếu thế là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, chứ không phải là chúng ta vui mừng báo cáo kết quả đến đây là xong", ông Dũng nói.
Với 765 mái ấm nghĩa tình được dựng xây, Bình Phước đã viết nên một câu chuyện đẹp về sự sẻ chia và tinh thần trách nhiệm. Đây không chỉ là kết quả của những giải pháp sáng tạo và sự quyết tâm cao độ, mà còn là nguồn động lực to lớn để tỉnh tiếp tục hành trình vì an sinh xã hội.
Bình Phước tin rằng, với sự đồng lòng và chung sức của cả cộng đồng, mục tiêu xóa nghèo bền vững vào năm 2025 sẽ sớm trở thành hiện thực, mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân.