Biến động lớn trên chính trường Israel và những hệ lụy

Ngọc Thạch/VOV-Cairo | 22/06/2022, 09:26

Chính trường Israel lại đang dậy sóng khi Thủ tướng nước này Naftali Bennett mới đây tuyên bố, chính phủ liên minh của ông sẽ giải tán Quốc hội vào tuần tới.

Theo ông Bennett, đây là một quyết định đúng đắn vì lợi ích của người dân Israel, đồng thời giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của một liên minh đa dạng các đảng phải lần đầu tiên tại nước này.

Tuy nhiên theo giới quan sát, thực tế quyết định này được đưa ra sau rất nhiều mâu thuẫn trong nội bộ liên minh cầm quyền và với các phe phái đối lập tại

Nguyên nhân khiến ông Naftali Bennett giải tán Quốc hội

Kịch bản này đã được giới phân tích khu vực đưa ra sau khi Israel thành lập chính phủ mới. Bởi chính phủ liên minh này ngày từ đầu đã gồm nhiều đảng phái và ngay trong các đảng phái cũng có những bất đồng về quan điểm trong một số vấn đề nội bộ và quốc tế. Một chính phủ được thành lập sau một cuộc khủng hoảng chính trị có tới 4 cuộc bầu cử trong vòng chưa đầy 2 năm. Và sự đổ vỡ lần này cho thấy những bất đồng phe phái và khủng hoảng chính trị lớn ở Israel.

Cuộc khủng hoảng của liên minh chính phủ ở Israel bắt đầu từ việc bà Idit Silman, người đứng đầu đảng Liên minh cánh hữu Israel (Yamina) tuyên bố sẽ rút khỏi Yamina. Liên minh gồm 8 phe phái bắt đầu tan rã. Động thái này khiến đa số của liên minh chính phủ trong Quốc hội vốn mong manh lại trở nên mong manh hơn và bị chia rẽ về các vấn đề như xung đột Palestine-Israel, tôn giáo và nhà nước. Đối mặt với thách thức này, buộc liên minh chính phủ hiện nay phải tuyên bố giải tán Quốc hội.

Theo cam kết trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Yair Lapid sẽ thay ông Bennett làm thủ tướng nếu Quốc hội bị giải tán. Động thái này được cho là nỗ lực ngăn cản ông Benjamin Netanyahu trở lại nắm quyền Thủ tướng Israel. Quốc hội giải tán sẽ buộc phải tổ chức bầu cử lại khi đó cơ hội và sự cạnh tranh quyền thành lập chính phủ mới giữa các đảng phái lại bắt đầu. Khi đó liên minh hiện nay gồm đảng cánh tả, cánh hữu và các lực lượng khác hy vọng sẽ vẫn giành chiến thắng trước đảng Likud của cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Lãnh đạo phe đối lập kiêm cựu Thủ tướng Netanyahu trở lại chính trường

Sự đổ vỡ trên chính trường Israel hiện này lại là niềm vui của Đảng Likud và ông Benjamin Netanyahu. Lực lượng cánh hữu này đã chờ đợi thời điểm này hơn 1 năm nay và coi cuộc bầu cử sắp tới là cơ hội để ông Netanyahu quay lại cai trị Israel. Đảng Likud cho rằng người dân cần một chính phủ cánh hữu hoàn chỉnh và sẽ khôi phục an ninh, kinh tế.

Cơ hội là có cho Đảng Likud và ông Benjamin Netanyahu. Likud đang chiếm 30 ghế trong quốc hội, không chỉ là đảng đối lập lớn nhất mà còn là đảng lớn nhất trong quốc hội. Nếu đảng đối lập tiến hành thành công cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thì ông Netanyahu chắc chắn sẽ được bầu làm ứng cử viên thủ tướng mới. Hiện nay, phe ủng hộ ông chiếm 53 ghế trong quốc hội.

Tuy nhiên, nó vẫn phụ thuộc vào kết quả bầu cử và số phiếu mà Đảng Likud giành được, cũng như các chương trình hành động từ nay tới bầu cử dự kiến vào tháng 10 tới. Nhưng cơ hội có thể sẽ lớn hơn cho Likud bởi trong 1 năm qua, Israel bị nhiều cuộc tấn công khủng bố hơn, an ninh suy giảm, kinh tế khủng hoảng điều này khiến cho liên minh chính phủ hiện nay mất điểm trước cử tri.

Trước vấn đề an ninh, kinh tế, cuộc bỏ phiếu tới có thể dẫn đến sự trở lại của một chính phủ theo khuynh hướng tôn giáo, dân tộc chủ nghĩa do cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu lãnh đạo, hoặc dẫn đến một giai đoạn bế tắc chính trị kéo dài khác. Ông Benjamin Netanyahu nói rằng “đây là một buổi tối mang tin tức tuyệt vời cho người dân Israel”, đồng thời cho biết sẽ thành lập một chính phủ quốc gia rộng lớn do Likud đứng đầu.

Ảnh hưởng trục quan hệ giữa Israel với đồng minh Mỹ     

Israel vẫn được coi là đồng minh số một của Mỹ ở Trung Đông. Những biến động chính trị ở Israel ít nhiều ảnh hưởng tới các chính sách của Mỹ ở khu vực này. Tuy nhiên, mối quan hệ đồng minh chiến lược này vẫn được duy trì chặt chẽ và đảm bảo dù người đứng đầu Mỹ hay Israel thay đổi. Đương nhiên, chính quyền Mỹ vẫn muốn phe cánh hữu và đảng likud lên năm quyền hơn. Ngược lại, các nhà lãnh đạo Israel vẫn coi đồng minh chiến lược không thể thay thế của họ là Mỹ, trước hết là người đảm bảo cho Israel về vấn đề an ninh.

Chuyến thăm Israel và khu vực vào tháng 7 của Tổng thống Mỹ Joe Biden có những mục đích riêng. Nhưng nội bộ Israel khủng hoảng cũng ảnh hưởng tới việc triển khai các chính sách của Mỹ ở khu vực và nhiều quyết định hoặc thỏa thuận cũng khó đưa ra vào thời điểm này. Tuy nhiên, các lợi ích cốt lõi trong quan hệ Mỹ - Israel và với khu vực vẫn được hai bên duy trì và củng cố.

Tổng thống Joe Biden tới Israel và có kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khu vực bao gồm các nhà lãnh đạo của khu vực và Israel. Điều có nghĩa là Mỹ muốn hỗ trợ tình hình hiện tại ở Israel, thiết lập lại khuôn mẫu quan hệ giữa Israel và Mỹ, thậm chí làm việc theo hướng khu vực và theo đúng lộ trình của họ. Các thỏa thuận an ninh khu vực vẫn là chủ đề được Mỹ-Israel cân nhắc và quan tâm, và trong khuôn khổ làm dịu bầu không khí trong khu vực cũng như cố gắng chấm dứt cuộc xung đột ở Trung Đông, đặc biệt là vì tầm nhìn của Israel với hệ thống an ninh khu vực được ủng hộ và hậu thuẫn của Mỹ. Khoản viện trợ mà Israel đã có được từ Mỹ lên tới 3,8 tỷ USD, trong đó 500 triệu USD sử dụng trong các hệ thống phòng thủ chống tên lửa./.

Bài liên quan
Tổng thống Serbia giải tán Quốc hội
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ký sắc lệnh giải tán Quốc hội và ấn định ngày tổ chức bầu cử Quốc hội sớm.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
VOVLIVE - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, tỉnh Phú Thọ và nhân dân về dự Lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Mới nhất