Biến đổi khí hậu tác động thế nào đến sức khỏe con người?

14/04/2024, 21:01

Dù nền y học đạt nhiều tiến bộ nhưng biến đổi khí hậu lại đang đặt ra nhiều thách thức mới trong việc bảo vệ sức khoẻ con người.

Nhân loại đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong y học, với việc các nhà nghiên cứu liên tiếp tìm ra các loại vaccine, phương pháp điều trị mới với tốc độ nhanh chóng. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu cũng đang gây ra khủng hoảng kép về khí hậu và y học, đe doạ sức khoẻ của người dân trên trái đất.

Trong đó, với việc mức nhiệt và độ ẩm tăng, nhiều bệnh dịch vốn đang được kiểm soát tốt có nguy cơ bùng phát trở lại, như sốt rét hay zika lây nhiễm qua muỗi. 

Đảo ngược tiến bộ y học

Bên cạnh nguy cơ bùng phát các loại bệnh truyền nhiễm do muỗi, tác động thật sự của biến đổi khí hậu tới sức khoẻ cộng đồng còn lớn hơn nhiều. 

Trong đó, những đợt nắng nóng khiến mức nhiệt tăng cao hơn mức con người có thể chịu đựng, gây ra cháy rừng, làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiếu hụt nguồn nước. Đáng nói, những tác động này được ghi nhận ở mọi khu vực, từ Qatar, tới Canada, Mỹ hay Malawi. 

Theo một nghiên cứu năm 2023, tính từ năm 2010-2019, khoảng 2 tỷ người trên trái đất phải tiếp xúc với nguồn không khí bị ô nhiễm do cháy, đảo ngược những thành tựu trong nỗ lực chống các bệnh đường hô hấp. Tại Mỹ, các nhà nghiên cứu kết luận rằng khói từ các vụ cháy rừng làm mất đi gần 1/4 tiến bộ đạt được nhờ Đạo luật Không khí Sạch năm 1970.

Lũ lụt khiến dịch tả bùng phát ở nhiều hơn. (Ảnh: UN)

Lũ lụt khiến dịch tả bùng phát ở nhiều hơn. (Ảnh: UN)

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, lũ lụt đang khiến dịch tả bùng phát với tốc độ "chưa từng có". Tại Pakistan, vụ lũ lụt lịch sử gây ngập 1/3 đất nước hồi năm 2023. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau trận lũ, quốc gia này đã ghi nhận 987 trường hợp mắc bệnh tả. Con số thực tế thậm chí còn có thể cao hơn vì chỉ khoảng 2% trong số 1,4 triệu trường hợp có triệu chứng tiêu chảy được xét nghiệm. 

Từ những con số này, các chuyên gia gióng lên hồi chuông cảnh báo, rằng biến đổi khí hậu đang là mối đe doạ lớn nhất đối với phúc lợi và sức khoẻ con người. 

"Mọi vấn đề, từ ô nhiễm không khí, sự gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan đến sự thay đổi dài hạn về thời tiết đều đang gây hại tới sức khoẻ con người", Neil Buddy Shah, người đứng đầu Sáng kiến Tiếp cận Y tế Clinton chia sẻ.

Xuất hiện thách thức mới

Một thế giới nóng lên cũng đang làm phát sinh các loại bệnh và phương thức lây nhiễm mới, cũng như nhiều mối đe doạ khác về sức khoẻ. Trong đó, các làn sóng nhiệt đang khiến tỷ lệ tử vong do say nắng tăng cao. Năm 2023, châu Âu ghi nhận ít nhất 61.000 ca tử vong do nắng nóng mùa hè. 

Ảnh hưởng của nắng nóng cũng khác nhau theo từng khu vực. Trong đó, nhiều cộng đồng phải di cư do ảnh hưởng từ thời tiết cực đoan. Họ là những cộng đồng dễ bị tổn thương và chịu tác động lớn nhất, cả về kinh tế và sức khoẻ, từ các làn sóng nhiệt. 

Theo New York Times, khoảng 8% trường hợp mắc sốt rét là những người thuộc nhóm người tị nạn, những người không được đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, nơi ở, không được hưởng dịch vụ vệ sinh sạch sẽ và tiếp xúc nguồn nước chất lượng. 

Hạn hán gây ra nhiều mối đe doạ về sức khoẻ với con người. (Ảnh: News18)

Hạn hán gây ra nhiều mối đe doạ về sức khoẻ với con người. (Ảnh: News18) 

Dưới tác động của hạn hán hoặc lũ lụt, những người di cư thường tới các khu vực khác, tập trung sinh hoạt xung quanh các nguồn nước nhỏ hơn. Đây chính là một trong những lý do khiến nguồn nước dễ bị ô nhiễm và ô nhiễm với tốc độ nhanh hơn, từ đó nguồn nước trở thành nguồn lây nhiễm các loại dịch bệnh. 

Các nhà khoa học nhận định ô nhiễm môi trường cũng góp phần làm lây lan các dịch bệnh khác cho con người, như Ebola hay COVID-19. Theo Larry Brilliant, nhà dịch tễ học người Mỹ giúp ngăn chặn bệnh đậu mùa, nạn phá rừng khiến con người tiếp xúc gần hơn với các loài động vật hoang dã mang trong mình mầm bệnh hoặc virus.

Thế giới cần chung tay

Khi các tác động ngày càng trở nên rõ rệt, thế giới cũng đang ngày càng quan tâm hơn tới biến đổi khí hậu. Các chuyên gia y tế nhận định đây là tín hiệu tích cực đối với nỗ lực chống cuộc khủng hoảng khí hậu. 

Tuy nhiên, WHO cho biết, trong các nguồn tài chính khí hậu, khoản tài trợ cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu chỉ có khoảng 5% dành cho nỗ lực y tế. 

"Một vấn đề đặt ra là chúng ta tuyên bố chiến thắng quá sớm với những thành tựu đạt được trong lĩnh vực sức khoẻ. Điều này khiến các nguồn tài trợ cho lĩnh vực y tế bị cắt giảm", ông Buddy Shah cảnh báo. 

Các chuyên gia kỳ vọng mọi người dành sự quan tâm nhiều hơn tới khía cạnh sức khoẻ của cuộc khủng hoảng này. Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28), diễn ra tại Dubai (UAE) hồi tháng 12/2023, lần đầu đưa Ngày sức khoẻ vào chương trình nghị sự, góp phần thúc đẩy cộng đồng trách nhiệm và chung tay giải quyết các thách thức về sức khỏe do biến đổi khí hậu gây ra.

COP28 ở Dubai đạt được nhiều kết quả tích cực, bao gồm cả việc đưa Ngày Sức khoẻ vào chương trình nghị sự. (Ảnh: COP28)

COP28 ở Dubai đạt được nhiều kết quả tích cực, bao gồm cả việc đưa Ngày Sức khoẻ vào chương trình nghị sự. (Ảnh: COP28) 

Tại sự kiện, các bên đã thông qua Tuyên bố COP28 về khí hậu và sức khỏe, với sự ủng hộ của hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuyên bố kêu gọi tiếp cận toàn diện để giải quyết các thách thức về sức khỏe do biến đổi khí hậu đặt ra.

Một trong những mục tiêu đáng chú ý mà Tuyên bố COP28 về khí hậu và sức khỏe đề ra đó là chống lại sự bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia, đồng thời theo đuổi các chính sách hướng tới đẩy nhanh việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm mục tiêu số 3 về sức khỏe và có cuộc sống tốt; giảm nghèo đói; cải thiện sức khỏe và sinh kế; tăng cường các hệ thống bảo trợ xã hội, an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, tiếp cận các nguồn năng lượng sạch, nước uống an toàn và vệ sinh môi trường cho tất cả mọi người; và nỗ lực để đạt được bảo hiểm y tế toàn dân.

Tuyên bố COP28 về khí hậu và sức khoẻ là "chiến thắng" lớn đầu tiên trong các nỗ lực gia tăng sự chú ý của toàn cầu về cuộc khủng hoảng kép đến từ biến đổi khí hậu. Qua đó, thế giới sẽ cần tiếp tục nâng cao nhận thức và quan tâm hơn tới những vấn đề này để bảo đảm phúc lợi và sự phát triển mạnh khoẻ của toàn nhân loại. 

Kông Anh (Nguồn: The New York Times)

Bài liên quan
Bộ Y tế chấn chỉnh công tác quản lý an toàn người bệnh, phòng ngừa sự cố y khoa
Bộ Y tế vừa có công văn gửi các bệnh viện, cơ sở y tế về công tác quản lý chất lượng - an toàn người bệnh, khuyến cáo phòng ngừa sự cố y khoa.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Chiều 29/4, tiếp tục chương trình công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương nơi có dự án đi qua đã đi kiểm tra các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông  giai đoạn 2021 - 2025.
  • Những điểm lý tưởng ngắm pháo hoa tối 30/4 ở TP.HCM
    Công viên bờ sông Sài Gòn, Bến Bạch Đằng, các quán cà phê ở tòa nhà cao nhất Việt Nam là địa điểm lý tưởng “bắt trọn” khoảnh khắc pháo hoa rực sáng tối 30/4.
  • Lượng khách đi máy bay qua Nội Bài và Tân Sơn Nhất bất ngờ giảm mạnh
    Thống kê của ngành hàng không cho thấy, sau 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng hành khách đi, đến Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã giảm tương đối nhiều, nhất là lượng khách đi các tuyến nội địa.
  • Thiêng liêng hành trình ra Trường Sa ngày Giải phóng
    Chào mừng 49 năm ngày Giải phóng hoàn toàn Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2024), sáng nay, đoàn công tác số 14 trên tàu Kiểm Ngư 491/CĐKN 4 - Vùng 4 Hải Quân do Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải Quân làm trưởng đoàn đã khởi hành đi thăm động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK-1.
Mới nhất