
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết đặc biệt: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Một trong những thông điệp sâu sắc được Tổng Bí thư nhấn mạnh trong bài viết là tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc, gác lại quá khứ, cùng hướng tới tương lai, vì mục tiêu chung xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường.
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm sau khi được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình, cùng niềm tin tưởng và sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, nhân dân, các nhà nghiên cứu...

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): Trong bài viết của Tổng Bí thư, một trong những thông điệp sâu sắc được người đứng đầu Đảng ta nhấn mạnh đó là tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc. Người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, cả những người đã từng gắn bó với chế độ cũ, từng đứng ở “phía bên kia”, dù những lúc có chính kiến, nhận thức khác nhau thì bây giờ hòa hợp lại, đoàn kết lại với tinh thần xóa bỏ hận thù, mặc cảm để cùng chung tay xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Nhân văn, nhân ái, hòa hiếu là truyền thống, là văn hóa của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Ngay cả với người của chính quyền Sài Gòn năm 1975, khi họ đã đầu hàng rồi thì ta đối xử với họ rất nhân văn, nhân đạo. Có một chi tiết có thể nhiều người chưa biết, đó là khi nội các của Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, các cấp chỉ huy, quân giải phóng của ta ở trong Dinh Độc Lập đã mời thành viên nội các của chính quyền Dương Văn Minh ở lại ăn cơm cùng với chiến sĩ quân giải phóng của ta. Hay một chi tiết khác là ta chỉ chị cho các lực lượng của ta không được bắn vào những máy bay chở người di tản mà chỉ được bắn lực lượng nào chống đối trong nội thành. Tất cả những điều đó thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo cao cả của dân tộc ta.
Tinh thần hòa hợp dân tộc thể hiện xuyên suốt từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng 30/4/1975 đến nay. Chúng ta ai cũng đã biết câu nói nổi tiếng của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khi ông lần đầu tiên bước xuống máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất ngay sau ngày 30/4/1975, ông đã nói đến tinh thần hòa hợp, đoàn kết dân tộc: "Thắng lợi này là của toàn thể dân tộc Việt Nam, không phải của riêng ai”.
Khi đi vào công cuộc Đổi mới, Đảng ta đã nêu quan điểm rất rõ ràng là hết sức thân thiện, nhân văn với những người đứng ở “phía bên kia”, những người rời Tổ quốc để định cư ở nước ngoài. Vì thế, năm 1993, trong nghị quyết của Đảng tiếp tục nói tới tinh thần hòa hợp dân tộc, đoàn kết các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, người trong nước và người định cư ở nước ngoài để hướng tới tương lai, để xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh. Sau này, Đảng liên tiếp có những nghị quyết về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và coi người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân.
Tinh thần hòa hợp dân tộc đó rất sáng ngời, chính nghĩa, thể hiện đạo lý, truyền thống của dân tộc Việt Nam “người trong một nước thì thương nhau cùng”. Thậm chí ta hòa hợp cả với phía Hoa Kỳ, quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ ngày nay từ cựu thù đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện, cùng hợp tác vì hòa bình, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì an ninh và ổn định khu vực.
Thông điệp về hòa hợp dân tộc trong bài viết của Tổng Bí thư có sức hiệu triệu, kêu gọi tinh thần đoàn kết để mỗi người Việt Nam cùng có trách nhiệm chung tay xây dựng đất nước vì mục tiêu phát triển bền vững, trường tồn như trong bài viết đã nêu rõ: “Chúng ta không thể viết lại lịch sử, nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai. Quá khứ là để ghi nhớ, để tri ân và để rút ra bài học. Tương lai là để cùng nhau xây dựng, kiến tạo và phát triển”.

Cô giáo Trương Thị Hằng, Trường PTTH Nghĩa Hưng A (Nghĩa Hưng, Nam Định): Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm là một bài chính luận có cấu trúc chặt chẽ, kết hợp hài hòa giữa cảm xúc, lý luận và thực tiễn. Bài viết đã thể hiện được tình yêu nước nồng nàn, lòng tự hào dân tộc và tầm nhìn xa trông rộng của một vị lãnh đạo tài năng. Với lập luận chặt chẽ, ngôn ngữ sắc bén và đầy cảm xúc, bài viết khơi dậy trong lòng người đọc tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Bài viết đã giúp mỗi người sống trong thời đại hôm nay cảm nhận rõ về giá trị của cuộc sống mà chúng ta đang được thụ hưởng đã được đánh đổi bằng biết bao xương máu của cha ông, để từ đó có ý thức hơn về bổn phận của mình với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Bài viết còn thể hiện tầm nhìn xa, sâu và rộng mang tính chiến lược của người đứng đầu Đảng ta.
Tôi tâm đắc với nội dung thống nhất đất nước không phải là đích đến mà là điểm khởi đầu. Thống nhất để xây dựng, thống nhất để phát triển. Bài viết cũng chỉ ra những điều chúng ta phải làm để phát triển đất nước trong thời đại công nghệ số… Với vai trò là người thầy đứng trên bục giảng, tôi sẽ truyền tinh thần bài viết của Tổng Bí thư tới học sinh để các em thêm tự hào về đất nước, từ đó cố gắng học tập góp phần xây dựng đất nước, để viết tiếp “những chương mới rực rỡ trong hành trình phát triển đất nước", như Tổng Bí thư tin tưởng.

Cô giáo Nguyễn Nhân Ái, giáo viên Ngữ Văn, trường THPT Kim Thành, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương: Bài viết của Tổng Bí thư là sự nhìn nhận và đánh giá tổng quát xuyên suốt theo chiều dài lịch sử dân tộc, gợi nhắc lại cho chúng ta về ý nghĩa của chiến thắng 30/4/1975 - chiến thắng của công lý trước cường quyền, của sức mạnh khối đại đoàn kết, của đường lối lãnh đạo đúng đắn hợp lòng dân, hợp chân lý thời đại.
Trong bài viết, Tổng Bí Thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Chúng ta không thể viết lại lịch sử nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai. Quá khứ là để ghi nhớ, để tri ân và để rút ra bài học. Tương lai là để cùng nhau xây dựng kiến tạo và phát triển”. Đây là câu nói đầy ý nghĩa, sâu sắc. Dân tộc ta đã đi qua những đau thương, mất mát, song bằng lòng quả cảm, bất khuất, bằng tinh thần đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, ngày hôm nay chúng ta hoàn toàn có quyền ngẩng cao đầu khi nhắc về quá khứ - lịch sử đau thương mà đầy hào hùng của “một dân tộc, đất không rộng, người không đông” nhưng có thể đánh thắng bất cứ kẻ thù lớn mạnh nào nhờ sự đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; cũng từ đó ta thêm yêu và trân trọng giá trị của cuộc sống hòa bình ngày hôm nay.
Trong bước chuyển mình mạnh mẽ của đất nước trước kỷ nguyên mới, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cũng như tự suy ngẫm nhiều hơn về ý thức trách nhiệm của bản thân với xã hội, cộng đồng, sẽ là “ một mùa xuân nho nhỏ” góp phần tạo nên mùa xuân lớn cho quê hương, đất nước.

Chị Phạm Thảo Hiền (Việt kiều Ba Lan): Tôi đã có hơn 20 năm sống ở Ba Lan. Đúng như lời Tổng Bí thư nói trong bài viết, tôi luôn mang trong lòng niềm tự hào dân tộc, đều là “con dân đất Việt” và luôn có nỗi nhớ da diết với hai tiếng quê hương. Mỗi lần về thăm quê, tôi vui mừng trước những thay đổi của quê hương, mừng vì kinh tế đất nước ngày càng phát triển, đường sá đi lại thuận tiện.
Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, như Tổng Bí Thư nói trong bài viết: “Chúng ta không để đất nước tụt hậu, không để dân tộc mất cơ hội”, tôi cho rằng để làm được điều này việc giáo dục là quan trọng. Giáo dục con người thay đổi ý thức, vì lợi ích chung hơn lợi ích riêng thì xã hội sẽ phát triển tốt hơn. Tôi tin tưởng và mong rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên tinh thần bài viết của Tổng Bí Thư, chúng ta sẽ đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, dạy trẻ không chỉ kiến thức mà còn là ý thức biết vì mọi người, vì một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển.
Chị Lê Thùy Hưng, quận Thủ Đức, TP.HCM: Mấy ngày qua, khi được xem tập dượt diễu binh, diễu hành ở TP.HCM, tôi thấy tự hào về đất nước mình và càng biết ơn thế hệ cha anh đã ngã xuống để chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay. Đang trong tâm trạng đó, đọc bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, sự tự hào, biết ơn của tôi càng sâu sắc hơn và càng thấm thía chân lý: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một".
Từ những tháng năm gian khổ, hy sinh, đến hôm nay đất nước thanh bình, phát triển, tất cả đều nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, và sự đoàn kết bền chặt của dân tộc ta. Tôi tin tưởng vững chắc rằng, dưới ngọn cờ của Đảng, Việt Nam sẽ ngày càng giàu mạnh, vững bước trên con đường hội nhập và phát triển. Tôi sẽ dạy dỗ con cái mình và bản thân nguyện luôn yêu nước, sống có trách nhiệm, góp sức mình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Tôi tin tưởng nước Việt Nam sẽ luôn giữ vững độc lập, tự do, hạnh phúc, phồn vinh, văn minh, thịnh vượng, có vị thế và tiếng nói quan trọng trong cộng đồng quốc tế.