Áp lực nợ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản còn rất lớn

ĐẠI VIỆT | 16/02/2025, 15:22

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang tích cực mua lại trước hạn và trả nợ các lô trái phiếu nhưng áp lực nợ trái phiếu vẫn còn rất lớn.

Thời gian qua, nhiều “ông lớn” ngành bất động sản tại Việt Nam thông báo thanh toán nợ gốc, lãi cho các lô trái phiếu đã phát hành để nhà đầu tư, khách hàng yên tâm.

Công ty CP Đầu tư Nam Long tất toán 2 lô trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng dù phải đến năm 2029 mới đến kỳ đáo hạn. Novaland cũng mới hoàn tất việc mua lại trước hạn 15 lô trái phiếu phát hành trong năm 2020 với giá trị 5.110 tỷ đồng. Công ty Bất động sản Hải Phát cũng đã hoàn tất việc mua lại trước hạn lô trái phiếu trị giá 390 tỷ đồng.

Áp lực nợ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản còn rất lớn. (Ảnh: Đ.V)
Áp lực nợ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản còn rất lớn. (Ảnh: Đ.V)

Mặc dù các doanh nghiệp bất động sản đang nỗ lực gỡ nợ trái phiếu, tạo tâm lý yên tâm cho nhà đầu tư, khách hàng cũng như giảm hệ số nợ, cải thiện các chỉ tiêu tài chính. Tuy nhiên, việc dốc tiền mua lại trái phiếu sẽ khiến doanh nghiệp giảm đi nguồn lực đầu tư, dòng tiền cũng sẽ yếu hơn. Theo các công ty nghiên cứu, áp lực nợ trái phiếu của ngành bất động sản vẫn đang rất lớn.

Nghiên cứu của VNDirect Research cho thấy, tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong năm 2025 đạt khoảng 203.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (đã trừ đi các trái phiếu được mua lại trước hạn và các trái phiếu được gia hạn theo kỳ hạn công bố đến hết ngày 24/1/2025).

Ông Nguyễn Bá Khương, chuyên gia phân tích của VNDirect Research nhận định, áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn năm 2025 sẽ rơi vào 2 quý cuối năm.

Nhóm bất động sản sẽ là nhóm có giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn lớn nhất năm 2025 với tổng giá trị đáo hạn lên tới hơn 130.000 tỷ đồng, chiếm 64% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn năm 2025. Hơn 43% trong số này, tương đương 56.000 tỷ đồng là giá trị các trái phiếu gia hạn kỳ hạn sẽ đến hạn.

Còn theo nghiên cứu của VIS Rating, năm 2025 có khoảng 110.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn. Trong đó, 31.000 tỷ đồng đã chậm trả gốc, lãi trước đó. Những trái phiếu này đã chậm trả lãi hoặc chậm trả nợ gốc trước khi gia hạn đến năm 2025.

Theo VIS Rating, trong tổng số 224.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2025, đơn vị này ước tính khoảng 17% có rủi ro chậm trả nợ gốc, tương đương 38.000 tỷ đồng. 94% giá trị trái phiếu rủi ro này đến từ nhóm bất động sản nhà ở và du lịch, nghỉ dưỡng, tương đương gần 36.000 tỷ đồng.

VIS Rating cũng chỉ ra rằng 2/3 số chủ đầu tư đang niêm yết trên sàn chứng khoán có dòng tiền trả nợ yếu hoặc cực kỳ yếu, với dòng tiền hoạt động chiếm dưới 5% tổng nợ. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các vấn đề pháp lý liên quan đến dự án.

Trước bối cảnh này, VIS Rating dự báo, khoảng 50% số trái phiếu đáo hạn của các chủ đầu tư vào năm 2025 có nguy cơ không thể thanh toán đúng hạn cả gốc lẫn lãi, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp vốn đã thường xuyên chậm trễ trong các kỳ thanh toán trước đó.

ĐẠI VIỆT
Bài liên quan
Doanh nghiệp bất động sản thưởng Tết Ất Tỵ thế nào?
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều doanh nghiệp bất động sản bắt đầu lên kế hoạch thưởng Tết cho nhân viên của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Phát biểu ấn tượng của Tổng Bí thư và Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp bất thường
VOVLIVE - Thế giới phát triển rồi mà cứ đi theo thì lúc nào cũng lũn cũn đi sau”, “Khó cũng phải làm nhưng không có nghĩa làm liều”, “ăn nhau ở phương pháp làm, đừng nặng nề trình tự thủ tục”… Tổng Bí thư Tô Lâm cùng nhiều đại biểu Quốc hội nêu quan điểm thẳng thắn khi thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Mới nhất