Có nên chỉ dựa vào đánh giá, cảm nhận của người khác khi lựa chọn món ăn?
“Review này mình thấy không chuẩn. Mình đã phải đợi 45 phút đến 1 tiếng để có đồ ăn, mà bánh xèo toàn dầu mỡ, giá cũng không rẻ. Review nên có tâm nhé” hay “cũng nghe theo review đi ăn thử quán này nhưng bánh thì ngập dầu, nước chấm thì ngang, so như thế giá thành cũng chẳng rẻ gì” – Đây là những phản hồi về một clip giới thiệu món bánh xèo trên kênh Tiktok.
Anh Nguyễn Huy Quang, ở quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội cho biết, một lần anh cũng đến 1 quán ăn trên phố cổ được đánh nhiều sao, view đẹp nhưng đến nơi thì đồ ăn rất nguội, không có nhiều món ăn như quảng cáo.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đánh giá một món ăn ngon hay dở rất khó bởi điều đó phụ thuộc vào sở thích, thói quen ăn uống của mỗi người.
Mặt khác, không phải tất cả những review ẩm thực trên mạng xã hội đều là quảng cáo và không chân thực. Cũng có những người đã chọn được những món ăn, nhà hàng ưng ý thông qua chia sẻ kinh nghiệm của các thực khách hoặc những người phê bình ẩm thực chân thực, công tâm.
Anh Dương Văn Hùng – Chủ tịch Hội đầu bếp Hoàng Gia cho biết, việc mọi người lựa chọn địa điểm ẩm thực theo review trên mạng xã hội là xu thế tất yếu trong thời đại 4.0. Tuy nhiên, bạn nên chú ý phân biệt những thông tin mang tính chất quảng cáo và những trải nghiệm thực sự của thực khách để có quyết định đúng đắn.
“Có nhiều người đưa thông tin một cách rất vô tư nhưng có những người coi food review là một nghề kiếm sống thì đương nhiên các nhận xét, đánh giá có thể kém khách quan. Bên cạnh những quảng cáo thông thường thì cũng có những người quảng cáo quá lên về món ăn, nhà hàng. Kể cả những người review món ăn một cách công tâm, không vụ lợi thì có khi họ không phải là chuyên gia ẩm thực, họ chỉ đưa ra những cảm nhận, ý kiến cá nhân mà thôi. Vì vậy, chúng ta chỉ nên dựa một phần vào đó để so sánh, lựa chọn các địa điểm ăn uống.” – anh Dương Văn Hùng đưa ra lời khuyên.
Để phân biệt food reviewer chuyên quảng cáo các món ăn, nhà hàng và những người chỉ chia sẻ trải nghiệm ẩm thực một cách đơn thuần, anh Dương Văn Hùng cho rằng, chúng ta có thể xem tần suất xuất hiện của người đó trên mạng xã hội. Nếu người đó xuất hiện thường xuyên và nhà hàng, quán ăn nào cũng khen ngon thì đó là quảng cáo chuyên nghiệp. Còn những thực khách chỉ muốn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân thì ít xuất hiện hơn và thường thẳng thắn nhận xét một cách khách quan, trung thực.
Theo kinh nghiệm cá nhân của anh Dương Văn Hùng, trước khi lựa chọn địa điểm ăn uống, đặc biệt là khi đi du lịch ở một vùng đất mới lạ, nếu muốn khám phá, thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương, ngoài việc tham khảo những chia sẻ của du khách hoặc các food reviewer có uy tín trên mạng xã hội, bạn nên hỏi ý kiến của bạn bè, người thân. Bởi đó là những người hiểu rõ hoặc cùng chung sở thích, thói quen ăn uống với bạn.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm hiểu qua các kênh truyền thông cổ điển như các chương trình, chuyên mục về ẩm thực của báo, đài phát thanh, truyền hình, hoặc fanpage của các hội đầu bếp... vì đây là những thông tin đã được kiểm chứng và đáng tin cậy.
Đồng thời, trước khi lựa chọn món ăn hay địa điểm ăn uống, bạn nên dựa vào sở thích, thói quen ăn uống của bản thân. Ví dụ bạn nên xem xét món ăn đó có phù hợp khẩu vị của mình hay không? Hoặc khi đến nhà hàng, quán ăn đó, bạn có thể quan sát xem có đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm hay không... để tránh cảnh mất tiền mà lại cảm thấy thất vọng khi nghe theo review trên mạng./.