Theo quy định của Việt Nam, các công ty nước ngoài hoạt động tại đây phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước.
Nikkei Asia cho biết, hiện tại Alibaba đang thuê máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Viettel và VNPT. Bên cạnh việc cân nhắc về chi phí, bảo mật và kiểm soát thông tin cũng là yếu tố khiến những công ty như Alibaba muốn xây dựng trung tâm dữ liệu riêng biệt.
Ông Đặng Minh Tâm, trưởng nhóm kiến trúc sư giải pháp tại Alibaba Cloud, cho hay công ty sử dụng “colocation” - thuật ngữ chỉ việc thuê máy chủ từ các nhà điều hành trung tâm dữ liệu địa phương, đồng thời sao lưu dữ liệu lên các máy chủ riêng nằm trên khắp khu vực, từ Đài Loan đến Singapore.
Do đó, kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu riêng tại Việt Nam là nhằm bắt kịp nhu cầu của một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Hiện thông tin chi tiết về kinh phí và thời gian triển khai vẫn chưa được công bố chính thức. Thông thường, xây dựng một trung tâm dữ liệu có thể tiêu tốn hơn 1 tỷ USD.
Leif Schneider, cố vấn tại công ty luật Luther, cho biết trách nhiệm pháp lý có thể là một vấn đề khi nhiều công ty tham gia quản lý cùng một dữ liệu. Hợp đồng phải rõ ràng “để bạn luôn biết ai chịu rủi ro và trách nhiệm gì”, Schneider nói tại hội nghị về trung tâm dữ liệu và đám mây ở TP.HCM vào tuần trước.
Viettel IDC dự báo thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam sẽ tăng trưởng 15% mỗi năm trong tương lai gần và có thể cao hơn nữa nếu có sự góp mặt của những công ty như Alibaba. “Chúng ta cần chuẩn bị cho sự bùng nổ của trung tâm dữ liệu”, ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc bộ phận kỹ thuật Viettel IDC cho hay.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Trung tâm Dữ liệu Evolution, Darren Webb, cho biết Việt Nam có thể rút ra bài học từ Malaysia và Thái Lan, những nơi thị trường trung tâm dữ liệu thực sự phát triển sau khi các công ty quốc tế tham gia cạnh tranh.