Tại hội thảo 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số diễn ra chiều 29/5 trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2024 (Vietnam - Asia DX Summit 2024) do Hiệp hội Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, các đại biểu cùng thảo luận nội dung vì sao 5G, trí tuệ nhân tạo có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh?
5G – trụ cột của cuộc cách mạng 4.0
Công nghệ 5G được đánh giá là 1 trong những trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đã được các doanh nghiệp viễn thông trong nước triển khai thử nghiệm từ năm 2019. Nhờ vào các đặc tính của 5G, với tốc độ kết nối hầu như không có độ trễ, công nghệ này đang tạo nên môi trường thuận lợi trong quá trình sử dụng các ứng dụng kinh doanh trực tuyến, giúp giao dịch trực tuyến nhanh hơn.
Mạng 5G có thể hỗ trợ đồng thời hàng tỷ kết nối Internet vạn vật (IoT), nên doanh nghiệp có thể triển khai mạng lưới về cảm biến giám sát quá trình sản xuất, hoặc tạo ra các ứng dụng mới trong quá trình sản xuất.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Mạng lưới và Đổi mới Công nghệ, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel cho rằng, không chỉ giúp chuyển đổi số hiệu quả hơn, công nghệ 5G có thể thúc đẩy chuyển đổi xanh một cách bền vững.
“5G có thể thúc đẩy về chuyển đổi xanh, bởi 5G cho phép tạo ra mạng lưới năng lượng thông minh, giúp quản lý sử dụng năng lượng hiệu quả hơn cũng như đưa ra các quyết định để tối ưu dựa trên mạng lưới thông minh này. Về nông nghiệp, 5G hỗ trợ kết nối các thiết bị IoT cũng như các cảm biến đo chất lượng nguồn nước, cũng như là đất đai, giúp chúng ta có thể tối ưu và cải thiện về năng suất trồng trọt. Giao thông thông minh thì 5G cũng đóng vai trò hết sức quan trọng khi giúp các xe tự lái cũng như là sẽ hỗ trợ việc kết nối các cơ sở hạ tầng về biển báo giao thông với các xe được chạy trên đường”, ông Hải cho hay.
Theo ông Hải, nhờ có công nghệ IoT trong 5G, chúng ta có thể triển khai được tất cả các cảm biến để đo về chất lượng không khí, chất lượng nguồn nước, về tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo sự phát triển cân bằng trong tương lai.
Bà Rita Mokbel, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Ericsson Việt Nam cho biết, 5G được đánh giá là tác động lớn đến phát triển kinh tế của các quốc gia, giúp tăng năng suất trong tất cả các lĩnh vực từ sản xuất đến giao thông vận tải, y tế, giáo dục,… Nghiên cứu về “Tiềm năng của công nghệ 5G trên thế giới” cho thấy, đến năm 2035 công nghệ 5G sẽ tạo ra giá trị kinh tế ước tính lên đến 13.000 tỷ USD tương đương với giá trị khi tạo ra khoảng 22 triệu việc làm mới cho mọi người.
“Không nằm ngoài xu thế đó, tại Việt Nam công nghệ 5G cũng đang cần các công ty công nghệ, các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu và đưa ra thêm các ứng dụng, nền tảng số,… để giúp người dân có thể chuyển đổi số một cách bền vững, các doanh nghiệp có thể chuyển đổi xanh hiệu quả”, bà Mokbel nhận định.
Trí tuệ nhân tạo giúp doanh nghiệp gia tăng năng suất gấp 10 lần
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp nâng cao năng suất lao động vượt trội, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực MISA cho biết, nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, doanh nghiệp đã gia tăng năng suất gấp 10 lần.
“Cụ thể, trí tuệ nhân tạo có thể viết email nhanh hơn 36 lần, thiết kế ảnh thời trang nhanh hơn 24 lần và lập trình giao diện website nhanh hơn 10 lần so với con người. Những con số ấn tượng này cho thấy tiềm năng của trí tuệ nhân tạo. Đây chính là giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa thời gian, quy trình làm việc và gia tăng lợi thế cạnh tranh”, ông Quang nêu ví dụ.
Theo chỉ số Sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI Readiness Index) của Cisco năm 2023, chỉ 27% tổ chức tại Việt Nam sẵn sàng triển khai công nghệ AI. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ tự tin ứng dụng AI toàn diện và hoạt động sản xuất – kinh doanh. Tiên phong tích hợp AI vào nền tảng quản trị doanh nghiệp MISA AMIS để giải quyết bài toán nội tại, MISA đã chứng minh tính hiệu quả vượt trội của AI. Thông qua hiệu quả mà AI mang lại, MISA kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng công nghệ này để quản trị vận hành hiệu quả dựa trên dữ liệu.
“Với sự hỗ trợ từ Chính phủ, MISA và các doanh nghiệp phần mềm khác hoàn toàn có khả năng thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước bền vững”, Phó Tổng Giám đốc thường trực MISA bày tỏ.