5 USD cho 1 tín chỉ carbon rừng là đắt hay rẻ?

27/08/2024, 13:43

Vừa qua, Việt Nam đã ghi nhận thành công đầu tiên khi tham gia thị trường tín chỉ carbon. Đã có hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng được bán với tổng giá trị hơn 51 triệu USD, tương đương 5 USD/tín chỉ. Vậy mức giá này là đắt hay rẻ, và tiềm năng thực sự của rừng Việt Nam ra sao?

Để có câu trả lời, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Phạm Thu Thủy (trường đại học Adelaide – Úc) và ông Vũ Tấn Phương – Giám đốc Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn bên lề Tọa đàm Chia sẻ, cập nhật thông tin về Thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển do trường Đại học Nông Lâm TPHCM tổ chức.

PV: Thưa ông Vũ Tấn Phương, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của rừng Việt Nam trong việc tạo ra thêm giá trị từ việc bán tín chỉ carbon?

Ông Vũ Tấn Phương: Trong hệ thống carbon xanh có mấy hệ sinh thái như sau: rừng ngập mặn, cỏ biển và đất ngập nước. Với Việt Nam thì hệ sinh thái rừng ngập mặn không nhiều với khoảng 200.000 hecta, trong đó 80% phân bố ở phía Nam tại Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ.

Đáng chú ý là rừng ngập mặn chỉ chiếm 1% diện tích rừng toàn quốc nhưng lượng carbon trong rừng ngập mặn lại lớn hơn các loại rừng khác (khoảng 8,7 triệu tấn carbon nguyên tử hoặc tương đương 24 triệu tấn CO2). Do vậy nếu chúng ta thực hiện tốt việc quản lý rừng ngập mặn, hạn chế việc chuyển đổi rừng ngập mặn thì cũng đồng nghĩa là giảm được phát thải nhà kính.

Ví dụ như chúng ta cần làm một con đường ven biển hay xây dựng một cảng biển hay vì sinh kế mà người dân chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản…thì toàn bộ carbon sinh khối đó bị mất và vô hình làm tăng phát thải từ việc chuyển đổi rừng ngập mặn sang các loại hình sử dụng đất khác.

PV: Có ý kiến cho rằng mức định giá 5 USD/tín chỉ carbon rừng của Việt Nam là chưa tương xứng nếu không muốn nói là rẻ. Quan điểm của ông ra sao?

Ông Vũ Tấn Phương: Rất khó để nói chính xác vì khi chúng ta đã tham gia vào thị trường được vận hành thì mức giá là vấn đề của cả bên cầu lẫn bên cung nghĩa là người mua và người bán. Ngoài ra, với các tín chỉ carbon mà chúng ta bán ra phụ thuộc rất nhiều vào tính chất của các dự án.

Ví dụ như lượng carbon hấp thụ được tại 1 dự án bị thoái hóa 20 năm hay 50 năm thì công sức bỏ ra rất nhiều thì thường mức giá mua sẽ cao. Các người mua sẽ đánh giá tính bền vững của tín chỉ carbon tạo ra, nếu dự án đó mới chỉ trồng cây trong 5 năm và khai thác thì chỉ là hấp thụ tạm thời không thể so với những cây trồng 50 năm. Do vậy tính bền vững và ổn định của tín chỉ carbon rất quan trọng.

Ngoài ra, các dự án tạo ra tín chỉ carbon phải tạo ra lợi ích hoặc đồng lợi ích về mặt khí hậu. Rừng không chỉ tạo ra tín chỉ carbon mà còn giúp bảo vệ đất đai, giảm xói mòn, chống lũ lụt, sạt lở ven biển, tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương và bảo tồn đa dạng sinh học. Tùy quan điểm của nhà đầu tư, họ sẽ xem xét đa giá trị, đa lợi ích từ dự án đó chứ không chỉ đơn thuần về giá.

PV: Thưa bà Phạm Thu Thủy, được biết mức trung bình 1 tín chỉ carbon trong khu vực là hơn 11 USD trong khi 1 tín chỉ carbon rừng có giá chỉ khoảng 5 USD. Mức giá này có phù hợp với điều kiện của Việt Nam không và có bị xem là quá rẻ so với tiềm năng đang có?

Bà Phạm Thu Thủy: Theo tôi mức giá trung bình hơn 11 USD/tín chỉ không thể hiện nhiều lắm. Giá trung bình có nghĩa là ở nơi nào đó bán được giá rất cao nhưng cũng có nơi bán giá rất thấp. Do vậy, chúng ta cũng không nên quá tập trung vào việc giá trung bình thế này rồi nhận định giá mà Việt Nam đang bán là đắt hay rẻ mà cần nhìn nhận rằng nếu mình làm tốt thì đâu là mức trần cao nhất mà chúng ta có thể đạt tới.

Trở lại vấn đề của Việt Nam, hiện nay, chúng ta cần đặt trong tổng quan của quá trình phát triển với nhiều câu hỏi cần giải đáp là: chúng ta có nhiều người mua không, họ có sẵn sàng trả giá cao không hay năng lực sản xuất hàng hóa của chúng ta như thế nào và liệu đã tiếp cận được mức giá cao mà người khác mua không?

Cần hiểu rằng trong các dự án đó, dù là mức giá 5 USD/tín chỉ nhưng lại được hỗ trợ kỹ thuật rất nhiều, không cần phải bỏ ra nhiều chi phí. Chưa kể là mức giá đó người mua không lấy đi tín chỉ carbon mà vẫn để lại cho Việt Nam tiếp tục đóng góp vào cam kết tự nguyện.

Do đó, nếu chỉ tập trung vào mức giá đắt hay rẻ thì nó không phản ánh được hết sự phức tạp của vấn đề mà cần xem rằng trong bối cảnh đó thì mức giá đó là tốt nhất và mang lại lợi ích tốt nhất cho quốc gia, điều đó mới là điều quan trọng. Giá cả rất khác nhau về thời điểm, có thể tuần này bán giá này tuần sau bán giá khác nên chúng ta cần tập trung vào lợi ích lớn hơn.

PV: Xin cảm ơn bà.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn cảnh chuyến công tác Thụy Sĩ dự WEF Davos 55 của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos 55) và hoạt động song phương tại Thụy Sĩ từ ngày 20 đến 23/1/2025, theo lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab.
Mới nhất