Toàn cảnh chuyến công tác Thụy Sĩ dự WEF Davos 55 của Thủ tướng Phạm Minh Chính
PV/VOV.VN Tổng hợp
|
23/01/2025, 15:08
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos 55) và hoạt động song phương tại Thụy Sĩ từ ngày 20 đến 23/1/2025, theo lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab.
Đêm 20/1 theo giờ địa phương (rạng sáng 21/1 giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Zurich, bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF Davos 55) và các hoạt động song phương tại Thụy Sĩ từ ngày 20 đến 23/1/2025 theo lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab. Sáng 21/1, tại Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF. Trả lời về các vấn đề quan tâm của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã triển khai chương trình đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn. Việt Nam cam kết không thiếu điện với các giải pháp đồng bộ. Việt Nam cũng ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực y tế và khuyến khích công nghiệp văn hóa, giải trí. Về lĩnh vực bất động sản, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về đất đai, phát triển hạ tầng chiến lược để mở ra các không gian phát triển mới… Sáng 21/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) Jasem Mohamed Albudaiwi. Thủ tướng đề nghị Ban Thư ký GCC tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các quốc gia thành viên của GCC; khuyến khích các doanh nghiệp, quỹ đầu tư khu vực tăng cường hợp tác với Việt Nam; thúc đẩy đàm phán thoả thuận FTA GCC - Việt Nam, Hiệp định Khuyến khích bảo hộ đầu tư GCC - Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Sáng 21/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Quốc vụ viện Trung Quốc Đinh Tiết Tường. Về phương hướng thúc đẩy quan hệ Việt - Trung thời gian tới, Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp; rà soát, triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký kết, thúc đẩy kết nối sâu sắc hơn nữa hai nền kinh tế; tập trung triển khai những dự án lớn, mang tính biểu tượng, nhất là hợp tác về vốn, công nghệ và đào tạo nhân lực để triển khai các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng năm 2025 và Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời gian tới. Chiều 21/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm với Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter. Thủ tướng đánh giá cao Thụy Sĩ có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác phát triển giai đoạn 2025 - 2028. Tổng thống Thụy Sĩ bày tỏ sẵn sàng mở rộng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mới phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của hai bên như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ cao, AI, bán dẫn, ứng phó với biến đổi khí hậu, mua bán tín chỉ các-bon, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM… Tại hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter đã chứng kiến lễ trao Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ. Tối 21/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Thủ tướng Litva Gintautas Paluckas. Thủ tướng Gintautas Paluckas mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế thương mại, năng lượng và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng, trong đó có năng lượng tái tạo, khí hóa lỏng LNG. Litva sẵn sàng chia sẻ và đồng hành với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng. Tối 21/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp ngắn với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh lập trường cân bằng, khách quan, nhất quán của Việt Nam trong vấn đề xung đột Nga – Ukraine, đó là tất cả các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Thủ tướng đã đề nghị Chính quyền Ukraine tiếp tục hỗ trợ bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam hiện đang tiếp tục sinh sống, làm việc tại nước này. Cũng trong ngày 21/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) Daren Tang. Nhân dịp này, Thủ tướng mời Tổng Giám đốc WIPO thăm Việt Nam để thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa hai bên và ông Daren Tang vui mừng nhận lời sang thăm Việt Nam trong năm 2025 để tìm hiểu thêm các cơ hội hợp tác và hỗ trợ Việt Nam. Ảnh: TTXVN Tối 21/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự tọa đàm "Ứng dụng AI trong sản xuất thông minh và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM". Thủ tướng đề nghị các tập đoàn lớn chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để có thể hình thành nhanh trung tâm tài chính TP.HCM. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được". Chiều 21/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Tọa đàm “Hướng tới Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD 16: Tương lai của Thương mại và Phát triển toàn cầu trong Kỷ nguyên Thông minh” trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos năm 2025. Tọa đàm được WEF thiết kế riêng cho Việt Nam nhằm thảo luận về xu hướng của thương mại và đầu tư toàn cầu, đồng thời xây dựng chương trình nghị sự cho Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD 16 do Việt Nam đăng cai, dự kiến vào cuối năm 2025. Chiều 21/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu, đối thoại tại Phiên Đối thoại chính sách đặc biệt “Bứt phá tới tương lai: Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu”. Phiên đối thoại được truyền hình trực tiếp trên các nền tảng trực tuyến lớn của WEF. Các thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu tham dự. Sáng 22/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp Thủ tướng Liechtenstein Daniel Risch. Hai bên bày tỏ hy vọng có thể hoàn thành đàm phán FTA Việt Nam – EFTA trong năm nay, cũng như tiến tới đàm phán hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Thủ tướng Daniel Risch cho rằng hai nước có nhiều điểm tương đồng để tăng cường hợp tác, như quá trình công nghiệp hóa đã thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng GDP, sản xuất công nghiệp đều chiếm khoảng 40% GDP của mỗi nước. Nhiều doanh nghiệp Liechtenstein rất quan tâm tới thị trường Việt Nam. Sáng 22/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Giáo sư Schwab ủng hộ Việt Nam thực hiện chủ trương phát triển khoa học công nghệ, thông qua kết nối với các doanh nghiệp thành viên WEF. Thủ tướng cũng đề nghị WEF hỗ trợ Việt Nam và đồng chủ trì một diễn đàn kinh tế hàng năm ở quy mô thế giới tại TP.HCM. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam đã chứng kiến Lễ trao bằng Tiến sĩ Danh dự của Đại học Quốc gia Hà Nội cho Giáo sư Klaus Schwab. Sáng 22/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hà Lan sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và thúc đẩy EU sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với thủy sản Việt Nam nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hợp tác kinh tế - thương mại song phương. Trong khi đó, Thủ tướng Dick Schoof cho biết Hà Lan quan tâm và sẽ xem xét đầu tư vào lĩnh vực chíp bán dẫn tại Việt Nam. Sáng 22/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Bà Julie Bishop, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Myanmar. Bà Bishop đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực, chia sẻ đánh giá về tình hình hiện nay tại Myanmar và những nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy tìm giải pháp hoà bình cho vấn đề Myanmar, trong đó có việc thông qua các Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Sáng kiến về tổ chức một Hội nghị về vấn đề người Rohingya và bang Rakhine. Sáng 22/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới (OECD) Mathias Cormann. Thủ tướng đề nghị OECD ủng hộ, hỗ trợ để Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn, quy trình, hướng tới việc gia nhập OECD, qua đó tiếp tục hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế, vì hoà bình, hợp tác, phát triển trên thế giới. Thủ tướng cũng đề nghị OECD tạo điều kiện để Việt Nam cử các chuyên gia, cán bộ làm việc tại Ban Thư ký OECD. Chiều 22/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự tại Phiên thảo luận “ASEAN: Gắn kết để vươn xa”. Phát biểu tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam không thể phát triển ở tốc độ trung bình như thông thường. Thủ tướng nêu bật quyết tâm của Việt Nam phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và số hóa thông qua 3 ưu tiên chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Tối 22/1 theo giờ địa phương (sáng 23/1 giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân rời Thụy Sĩ về nước, kết thúc chuyến tham dự Hội nghị WEF tại Davos và làm việc song phương tại Thụy Sĩ.