Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông quan trọng, bao gồm: Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Đường Vành đai 3 TP.HCM; Đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu; Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Đây là các dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, sử dụng đa dạng các nguồn vốn (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn và gói kích thích kinh tế...). Các dự án khi đi vào hoạt động sẽ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vùng và từng địa phương.
Việc đã muộn nhưng vẫn cần phải ưu tiên
Trao đổi với phóng viên VOV.VN bên lề Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương đầu tư 5 dự án trọng điểm này. Theo ông Ngân, đây là những dự án rất quan trọng và có ý nghĩa cấp bách, đặc biệt là dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM kết nối vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - quyết định tới 40% tổng thu ngân sách của cả nước, hay Đường Vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội kết nối với vùng đồng bằng Bắc Bộ và các vùng động lực tăng trưởng.
“3 tuyến đường cao tốc như: Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Khánh Hòa tới đây sẽ có một nghị quyết về cơ chế đặc thù để tạo sự lan tỏa cho vùng duyên hải miền Trung và kết nối với vùng Tây Nguyên. Hay đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để giải quyết điểm nghẽn về hàng hóa đến cảng Thị Vải Cái Mép hiện còn rất nhiều tiềm năng để khai thác; tuyến đường cao tốc Châu đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ một trục ngang của đồng bằng sông Cửu Long để kết nối các tỉnh gắn với các cảng biển”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Theo ông Ngân, chưa bao giờ ngành giao thông đặc biệt được quan tâm như hiện nay. Mặc dù đây là việc đã muộn nhưng vẫn cần phải ưu tiên bởi vì “lộ thông thì tiền sẽ thông”.
“Giao thông thuận tiện sẽ thúc đẩy giao thông hàng hóa, giúp con người đi lại thuận tiện, từ đó, thúc đẩy du lịch phát triển và đặc biệt hơn là nó sẽ làm giảm chi phí logistics, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa - đây vốn là điểm khiến đánh giá năng lực cạnh tranh quốc tế Việt Nam còn rất thấp”, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay.
Lý giải nguyên nhân giúp Trung Quốc tăng trưởng nhanh 9-10% trong nhiều năm, ông Ngân cho rằng, đó là do Trung Quốc đã đầu tư hạ tầng đồng bộ ngay từ đầu. Còn Việt Nam, thời gian qua việc đầu tư hạ tầng còn chậm. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ lo ngại khi cùng lúc triển khai cả tuyến đường cao tốc Bắc Nam, tuyến đường Hồ Chí Minh, các cao tốc, các đường vành đai.
“Trong bối cảnh giá cả hàng hóa hiện nay đang lên cao, tổng vốn đầu tư tăng lên thì sẽ gây áp lực và liệu rằng nguồn vốn mình có đáp ứng được hay không? Nguồn nhân lực tính toán như thế nào? Giá cả nguyên vật liệu tăng thì có thay đổi các dự toán hay không? Hay ủy quyền cho Ủy ban thường vụ Quốc hội hay giao hẳn cho chính phủ quyền đó để đảm bảo các dự án?”, đại biểu Trần Hoàng Ngân đặt câu hỏi.
Đại biểu đoàn TP.HCM cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ cần làm cuốn chiếu, làm tập trung, cái nào dứt điểm được thì làm dứt điểm, tránh sự đầu tư dàn trải.
“Trong những năm 2010-2012, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt các dự án là dở dang gây lãng phí rất lớn. Đấy là bài học 10 năm trước, chúng ta phải cố gắng khắc phục để đừng để lặp lại trong giai đoạn hiện nay”, đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý.
Cần huy động được nguồn lực của xã hội, nguồn lực tư nhân vào phát triển hạ tầng giao thông
Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, chủ trương về xây dựng các đường vành đai: đường Vành đai 4 vùng Thủ đô hay đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và xây dựng các tuyến đường cao tốc những dự án rất quan trọng. Bởi Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phát triển, trong khi việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông đang trở thành một điểm nghẽn cho sự phát triển.
“Dự án vành đai 4 của vùng Thủ đô hay vành đai 3 của TP.HCM là những dự án hết sức cấp bách. Chúng ta đang có những điểm nghẽn, sự quá tải về không gian phát triển, sự ách tắc về giao thông, cơ sở hạ tầng tại các siêu đô thị Hà Nội, TP.HCM. Việc mở mang không gian đô thị thông qua phát triển đường các đường vành đai Hà Nội và TP.HCM sẽ giúp xây dựng một chuỗi vệ tinh chứ không phải tập trung đầu tư vào các lõi, các siêu đô thị, từ đó, tạo nên sự lan tỏa về không gian phát triển, thúc đẩy cho quá trình công nghiệp hóa cũng như quá trình đô thị hóa ở nước ta”, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết.
Theo xếp hạng của thế giới, chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ của Việt Nam tương đối thấp, chi phí logistic của Việt Nam cao, điều này làm giảm năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế.
“Trong bối cảnh hiện nay, tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng là một yêu cầu rất quan trọng để có thể góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ cho khôi phục nền kinh tế và cũng là biện pháp để chúng ta đẩy mạnh đầu tư công hay là đối tác công tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Bên cạnh nâng cấp hệ thống pháp luật, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực thì việc phê duyệt đầu tư này sẽ đảm bảo thực hiện những mũi đột phá cho phát triển trong thời gian tới”, đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị, trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế thì cần đặc biệt chú trọng đến đầu tư theo hình thức đối tác công tư, không chỉ đầu tư công của Nhà nước mà phải huy động được nguồn vốn đầu tư, nguồn lực của toàn xã hội. Bởi nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước.
“Làm sao huy động được nguồn lực của xã hội, nguồn lực tư nhân vào phát triển hạ tầng giao thông là vấn đề cốt lõi, là chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Không chỉ huy động ở trong nước mà còn huy động nguồn vốn quốc tế, của các nhà đầu tư nước ngoài. Chừng nào chúng ta không giải quyết được bài toán này thì chừng đó giao thông vẫn tiếp tục tụt hậu”, ông Lộc nói./.