Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, tủ lạnh là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình, với cuộc sống ngày càng phát triển diện tích tủ lạnh ngày càng lớn do nhu cầu bảo quản tăng lên. Nhờ có tủ lạnh thực phẩm tươi lâu hơn, thức ăn khó hỏng hơn, đồ uống mát mẻ hơn.
Tủ lạnh thường có 2 ngăn, ngăn đá để bảo quản thực phẩm tươi sống trong thời gian dài. Ngăn mát chủ yếu bảo quản thực phẩm chín và làm mát các loại đồ ăn hàng ngày. Môi trường lạnh và kín của tủ giúp kìm hãm, không cho vi khuẩn phát triển. Tuy nhiên quá trình sử dụng vì nhiều lý do tủ lạnh là mối nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe con người.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, do bảo quản không đúng cách, tùy theo việc cơ thể bị nhiễm loại vi khuẩn gì, nhẹ sẽ khiến chúng ta bị rối loạn tiêu hóa, nặng hơn phải đi cấp cứu.
Đặc biệt nếu bảo quản thực phẩm sai cách trong tủ lạnh nguy cơ chúng ta nhiễm vi khuẩn listeria (loại vi khuẩn có thể phát triển và nhân lên từ từ trong tủ lạnh, được xem là “sát thủ vô hình trong tủ lạnh” rất cao.
Một thống kê cho thấy có tới 20-30% ca mắc phải vi khuẩn này bị tử vong. Theo các chuyên gia, listeria được gọi là “sát thủ vô hình trong tủ lạnh” vì khả năng sống mạnh mẽ có thể tồn tại 1 năm ở nhiệt độ -20 độ C. Khi xâm nhập vào đường ruột, listeria gây ngộ độc hoặc gây viêm màng não hay các vấn đề khác về thần kinh trung ương, nguy hiểm hơn là dẫn đến hôn mê, tử vong.
Vi khuẩn listeria có thể chịu lạnh, chịu áp suất cao nhưng lại không chịu được nhiệt độ cao vì vậy khi nấu chín thức ăn, chúng ta có thể loại bỏ vi khuẩn này. Listeria có thể tìm thấy trong hầu hết các thực phẩm như thịt đặc biệt thịt bò, trứng, hải sản, sữa, dầu. Nếu sự hiện diện của listeria trong tủ lạnh vượt quá 10% sẽ gây nghiêm trọng cho sức khỏe con người.
Chúng ta có không ít thói quen sai lầm biến tủ lạnh thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc, thậm chí là vi khuẩn listeria phát triển.
4 thói quen sai lầm trong bảo quản thực phẩm người Việt cần bỏ ngay.
Thứ nhất, sau bữa ăn 2-3 tiếng, thức ăn thừa (thịt cá) mới được cất vào tủ lạnh. Trong thời gian đó, thức ăn để ngoài trời, vi khuẩn đã phát triển, chúng ta mới bỏ vào tủ lạnh là không tốt.
Thứ hai,nhiều bà nội trợ bê nguyên tô, đĩa thậm chí bê nguyên xoong nồi cho vào tủ lạnh sau đó, bữa tiếp theo lại bê ra ăn. Việc bỏ nguyên nồi, tô đựng thực phẩm chưa dùng hết vào tủ lạnh làm tăng khả năng nhiễm khuẩn chéo làm hỏng thức ăn và khiến chúng ta dễ bị ngộ độc.
Vì vậy, sau khi ăn, chúng ta cho thực phẩm thừa vào hộp đựng hoặc bọc lại bằng túi nilon chuyên dụng để bảo quản sau đó nhanh chóng cho vào ngăn mát.
Thứ ba,thói quen không sơ chế thực phẩm hoặc sơ chế sơ sài trước khi cho vào tủ lạnh. Ví dụ cá, thịt ở ngoài chợ có thể bị nhiễm bẩn, vi khuẩn, khi không rửa sạch cho vào tủ lạnh tiếp tục lây nhiễm vi khuẩn ra thực phẩm khác. Lúc này, thực phẩm mới mang về trở thành nguồn lây nhiễm nguy hiểm.
Thư tư, thói quen chất hết tất cả các loại thực phẩm vào tủ lạnh khiến tủ chật cứng, không khí không lưu thông, nhiệt độ không đảm bảo nên thực phẩm dễ bị hỏng.
Việc tủ lạnh chật kín, không gọn gàng làm hơi lạnh không thể lưu thông sẽ làm mất khả năng bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, xếp chật kín thực phẩm, chúng ta sẽ không để ý được thực phẩm bên trong để lâu ngày, hư hỏng. Đây là môi trường thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus sinh sôi phát triển.
Ngoài thói quen sai lầm là để đồ chín lẫn đồ sống, để đồ trong tủ lạnh quá lâu, ít vệ sinh tủ lạnh cũng là thói quen nhiều gia đình mắc phải.