Tối 2/10, Nguyễn Thị Oanh bước vào phần thi chung kết nội dung 3000m nữ vượt chướng ngại vật. Thi đấu nỗ lực nhưng chân chạy sinh năm 1995 chỉ về áp chót ở chung kết nội dung 3000m vượt chướng ngại vật nữ với thành tích 9 phút 57 giây 13. Đáng chú ý, thành tích tại ASIAD 19 của Nguyễn Thị Oanh vượt xa đến gần 40 giây so với mốc thời gian giúp cô giành HCV SEA Games 32.
Cụ thể, Nguyễn Thị Oanh giành HCV trên đất Campuchia ở nội dung 3000m vượt chướng ngại với thành tích 10 phút 34 giây 37. Tuy nhiên, thành tích của Oanh tại Đại hội thể thao Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi cô phải tham dự 2 nội dung liên tiếp với quãng nghỉ chưa tới 30 phút. Trước khi chạy 3000m vượt chướng ngại vật, Nguyễn Thị Oanh cũng giành HCV nội dung 1500m.
Quay trở lại với ASIAD 19, người giành HCV nội dung 3000m vượt chướng ngại vật là Yavi Winfred Mutile (Bahrain) với thành tích 9 phút 18 giây 28 và cô đã phá kỷ lục ASIAD. Chaudhary Parul (Ấn Độ) giành HCB với thành tích 9 phút 27 giây 63. Priti (Ấn Độ) giành HCĐ với thành tích 9 phút 43 giây 32.
Trước đó, Nguyễn Thị Oanh về thứ 7 ở chung kết 1500m nữ. Hai vận động viên của Bahrain giành HCV và HCĐ. HCB thuộc về chân chạy của Ấn Độ. Thành tích của Nguyễn Thị Oanh là 4 phút 24 giây 19, trong khi người về nhất đạt 4 phút 11 giây 65.
Thực tế, điền kinh Việt Nam vẫn tạo ra những khác biệt nhất định ở đấu trường SEA Games nhưng ASIAD là câu chuyện hoàn toàn khác. Ấn Độ, Trung Quốc và một số quốc gia khác sở hữu nhiều VĐV có khả năng nước rút ấn tượng và sải chân vượt trội.
Dù có được HCV ở Đông Nam Á nhưng không dễ cho họ giành huy chương khi xuất hiện ở đấu trường châu lục.
Trong ngày 2/10, Trần Thị Nhi Yến về áp chót ở chung kết nội dung 200m nữ. Cô đạt thành tích 23 giây 85. Giành HCV ở nội dung này là Shanti Pereira với thành tích 23 giây 03. Ly Yuting (Trung Quốc) giành HCB với thành tích 23 giây 28. Odiong Ofonime giành HCĐ với thành tích 23 giây 48. Trước đó, Nhi Yến cũng không thể tạo ra bất ngờ ở nội dung 100m nữ.