Vụ phá rừng Thông trên đỉnh Pha Đin: Tuyên phạt tổng cộng 12 năm 5 tháng tù giam

Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc | 30/05/2023, 22:42

Chiều nay (30/5), Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên tiến hành tuyên án phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án phá rừng phòng hộ trên đỉnh Pha Đin. Các bị cáo trong vụ án đã lĩnh tổng cộng 12 năm, 5 tháng tù giam.

Theo nhận định của Hội đồng xét xử, trong vụ án này, Trần Duy Tuấn là người khởi xướng, cùng Trương Văn Cường thực hiện hành vi phạm tội. Đinh Văn Cường, Phạm Duy Nguyện, Lầu A Dùa là người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, nhưng đã không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, dẫn đến Tuấn và Cường khai thác rừng trái phép, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước.

Tại phiên tòa, các bị cáo cũng đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Xét thấy đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho tài sản của nhà nước, dựa trên hồ sơ vụ án, quá trình tranh tụng tại phiên tòa và cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Duy Tuấn 36 tháng tù giam; Đinh Văn Cường 24 tháng tù giam; Trương Văn Cường, Phạm Duy Nguyện, Lầu A Dùa cùng chịu chung mức án 30 tháng tù giam. Thời hạn tù tính từ ngày bị bắt.

Về trách nhiệm dân sự, chấp nhận số tiền hơn 440 triệu đồng các bị cáo và gia đình bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả; đồng thời, yêu cầu các bị cáo nộp tiếp hơn 500 triệu đồng số tiền còn thiếu để khắc phục hậu quả.

Diễn biến vụ án: Cuối năm 2020, Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo và UBND xã Tỏa Tình nhận được văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên về việc hướng dẫn trình tự, thủ tục khai thác gỗ rừng trồng phòng hộ do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu theo kiến nghị của cử tri xã Tỏa Tình. Lầu A Dùa – Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình khi đó đã giao cho Phạm Duy Nguyện – Kiểm lâm phụ trách địa bàn tìm hiểu các hộ dân có nguyện vọng khai thác, tuy nhiên, Nguyện báo cáo lại diện tích rừng của các hộ dân không đủ 600 cây/ha, không đảm bảo điều kiện để khai thác.

Cùng thời gian này, Trần Duy Tuấn qua các mối quen biết đã được Đinh Văn Cường - Nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo thông tin về việc có văn bản số 2249 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên hướng dẫn trình tự, thủ tục cho phép cắt tỉa 20% trữ lượng của khu vực rừng Thông xã Tỏa Tình để nghiên cứu làm hồ sơ xin khai thác. Đầu năm 2021, Tuấn đến gặp các hộ dân ở bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình đặt vấn đề mua gỗ Thông rừng trồng với giá 1 triệu đồng/m3 với cây có đường kính từ 20cm trở lên, 500.000 đồng/m3 với cây có đường kính dưới 20cm. Mỗi hộ dân được nhận cọc 2 triệu đồng và phải photo Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đối với khu rừng Thông theo yêu cầu của Tuấn, các thủ tục khác Tuấn sẽ tự đi làm.

Sau khi đặt cọc mua gỗ, do không có tiền đầu tư khai thác nên Tuấn đã rủ Trương Văn Cường góp vốn chung, lợi nhuận chia tỷ lệ 50-50. Sau đó các đối tượng tổ chức mời cơm Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo để tạo mối quan hệ, tạo điều kiện cho làm hồ sơ khai thác gỗ Thông tại xã Tỏa Tình, cho biết sẽ “cảm ơn” Đinh Văn Cường. Bên cạnh đó cũng tìm gặp Lầu A Dùa – Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình và Phạm Duy Nguyện – Kiểm lâm phụ trách địa bàn nhờ tạo điều kiện, hứa sẽ cảm ơn sau. Do tin tưởng và được hứa hẹn sẽ cảm ơn nên Dùa chỉ đạo Nguyện kiểm tra, giám sát việc khai thác cắt tỉa của các đối tượng.

Sau khi được lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo và UBND xã Tỏa Tình tạo điều kiện, các đối tượng đã tiến hành đem máy móc lên san ủi mặt bằng làm lán trại cách trụ sở xã Tỏa Tình khoảng 500m và tiến hành khai thác rừng Thông. Đồng thời, thỏa thuận lại với các hộ dân giá tiền mua là 200.000 đồng/cây không phân biệt to nhỏ. Đầu tháng 5/2021, Phạm Duy Nguyện báo cáo Đinh Văn Cường việc Tuấn đang khai thác gỗ Thông tại bản Hua Sa A, Cường chỉ đạo phải giám sát không để chặt trắng và không cho khai thác mở rộng sang khu vực khác. Cuối tháng 5/2021,

Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Điện Biên tiến hành kiểm tra việc khai thác gỗ Thông của Tuấn ở đây, yêu cầu tạm dừng việc mở rộng đường mòn do chưa đủ thủ tục và cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác. Sau khi làm việc với Phòng Cảnh sát Môi trường, Lầu A Dùa đã ký quyết định xử phạt hành chính với Tuấn về hành vi hủy hoại đất, mức phạt 3,5 triệu đồng.

Sau khi bị Phòng Cảnh sát Môi trường kiểm tra, Tuấn và Cường bảo Nguyện làm lại hồ sơ khai thác để cho Lầu A Dùa ký xác nhận. Tại phòng của Dùa, xác định việc khu rừng đang khai thác mật độ không đảm bảo, có gửi tới Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên và UBND tỉnh Điện Biên cũng sẽ không được cho phép khai thác nên cả 4 thống nhất sử dụng bộ hồ sơ mới để chống chế khi có cơ quan chức năng kiểm tra, không gửi cho cơ quan nhà nước nào khác. Đồng thời thuê thợ ở xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo bắt đầu khai thác từ đầu tháng 6/2021 và đã khai thác được 140m3 gỗ thông.

Đến giữa tháng 7/2021, vụ việc được đoàn công tác của UBND huyện Tuần Giáo phát hiện, đình chi khai thác, nên Nguyện gọi cho Tuấn bảo cất hết máy móc, phương tiện ở bãi tập kết gỗ, dọn dẹp toàn bộ số gỗ đã khai thác ở hiện trường. Theo đó từ tháng 4 đến tháng 7/2021, các đối tượng đã khai thác trái phép 1278 cây Thông, hơn 794m3/8ha trữ lượng gỗ Thông rừng phòng hộ thuộc Khoảnh 16, Tiểu khu 618, tổng giá trị thiệt hại là gần 1,9 tỷ đồng./.

Bài liên quan
Xử vụ Vạn Thịnh Phát: Toà phát thông báo kêu gọi 5 người trốn truy nã ra đầu thú
TAND TP.HCM kêu gọi 5 bị cáo đang bị truy nã trong vụ án Vạn Thịnh Phát ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Indonesia thưởng thức phở, ngắm cảnh Hồ Gươm
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia cùng các thành viên Bộ Ngoại giao hai nước đã ăn sáng với phở, uống cà phê và đi bộ ngắm Hồ Gươm.
Mới nhất