Nhà văn Hồ Phương qua đời lúc 20h15 ngày 2/1 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 93 tuổi. Thông tin được Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều xác nhận.
"Khi nghe họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, cháu của nhà văn thông báo, tự nhiên trong tôi hiện lên một vùng cỏ non mênh mông. Có lẽ bởi tác phẩm đầu tiên của ông đã hằn sâu trong ký ức tôi là tác phẩm Cỏ non được trích trong sách giáo khoa hồi tôi còn đang đi học. Lúc nào nghĩ đến ông là trong tôi hiện lên một vùng cỏ non da diết và bất tận với nụ cười đôn hậu của ông. Và với tôi, ông không bay về trời. Ông ở lại mặt đất này trong màu cỏ xanh mãi tận chân trời", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.
Nhà văn Hồ Phương tên khai sinh là Nguyễn Thế Xương. Ông sinh năm 1930 tại thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông, Hà Nội). Từ năm 16 tuổi, Hồ Phương đã đứng trong hàng ngũ những người tự vệ có mặt trên các chiến lũy ở Thủ đô để đánh giặc Pháp. Ông là một trong những chính trị viên xuất sắc thuộc Đại đoàn 308 trong chống Pháp.
Hồ Phương nổi tiếng rất sớm với tác phẩm Cỏ non đã được đưa vào sách giáo khoa. Tác phẩm Thư nhà ông viết năm 1948 cũng rất nổi tiếng. Hơi thở của cuộc sống hào hùng hiện lên qua các trang viết của tác giả Hồ Phương, với tiểu thuyết Những tiếng súng đầu tiên (1955), Cỏ non (truyện ngắn 1960), Xóm mới (tập truyện ngắn, 1963), Chúng tôi ở Cồn Cỏ (ký sự dài, 1966), Khi có một mặt trời (truyện ký 1972)...
Năm 1954 nhà văn Hồ Phương được điều về Tổng cục Chính trị với nhiệm vụ được giao là viết văn và làm Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Ông là một trong những vị tướng - nhà văn hiếm hoi ở Việt Nam.
Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương được trao các giải thưởng văn học của báo Văn nghệ (năm 1958, truyện ngắn Cỏ non), Bộ Quốc phòng (năm 1994, tiểu thuyết Cánh đồng phía Tây), Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNTVN (năm 2003, tiểu thuyết Ngàn dâu). Ông cũng được nhận Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
Nhà văn Nguyên Hồng từng nhận xét: "Hồ Phương là một người lớn lên từ lò lửa chiến tranh và lửa yêu nước". Các sáng tác của ông chủ yếu viết về anh hùng, những điều tốt đẹp, tỏa sáng của bộ đội và nhân dân.
Những anh hùng có thật trong đời như Kan Lịch, Lê Mã Lương, chiến sĩ Cồn Cỏ, lãnh tụ Hồ Chí Minh... đã trở thành nhân vật văn học trong tác phẩm của Hồ Phương. Ông chủ tâm phát hiện và đưa những con người tốt đẹp vào tác phẩm của mình.