Trong khuôn chuyến thăm và làm việc, Đoàn đại biểu Hội đồng Lý luận Trung ương đã có các buổi tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề tôn giáo và dân tộc với một số cơ quan, viện nghiên cứu hàng đầu của Indonesia.
Tại buổi làm việc giữa Đoàn với Viện nghiên cứu Tự cường Quốc gia Indonesia (Viện Lemhannas) ngày 5/10, hai bên nhất trí Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và lịch sử đấu tranh giành độc lập; nhắc lại mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno đặt nền móng và dày công vun đắp. Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh nhấn mạnh, từng trải qua giai đoạn đấu tranh giành độc lập và bảo vệ đất nước, Việt Nam rất hiểu giá trị của hòa bình, luôn mong muốn duy trì ổn định đất nước để phát triển. Trong quá trình này, có những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu sâu như vấn đề dân tộc, tôn giáo.
Giới thiệu khái quát về các dân tộc và tín ngưỡng tôn giáo tại Việt Nam, PGS.TS Phạm Văn Linh khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, thực hiện chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, thực hiện bình đẳng và đoàn kết các tôn giáo, đồng thời luôn quan tâm bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và thúc đẩy khối đại đoàn kết toàn dân.
Về phần mình, Giáo sư Ikrar Nusa Bhakti – đại diện cho Ban lãnh đạo Viện Lemhannas bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ song phương Việt Nam – Indonesia; mong muốn không chỉ chia sẻ thực tiễn của Indonesia mà còn có thể tìm hiểu, tham khảo học hỏi thêm từ phía Việt Nam về quản lý, giải quyết các vấn đề dân tộc, tôn giáo, cũng như trao đổi kinh nghiệm xây dựng, phát triển đất nước.
Tại buổi làm việc với Viện nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn Indonesia (ISSH) ngày 6/10 thuộc Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới quốc gia Indonesia (BRIN) , PGS.TS. Phạm Văn Linh cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Do vậy, yêu cầu đối với công tác nghiên cứu chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực phục vụ phát triển đất nước là rất lớn.
Đánh giá lĩnh vực nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm tương đồng và cơ hội hợp tác lớn, PGS.TS. Phạm Văn Linh bày tỏ mong muốn phía Indonesia chia sẻ về cơ chế vận hành, nguồn kinh phí hoạt động, cơ chế lựa chọn và đặt hàng đề tài, nhất là đề tài về các vấn đề cấp thiết quốc gia. Phía Việt Nam cũng mong muốn tìm hiểu kinh nghiệm của Indonesia trong việc giải quyết các vấn đề dân tộc – tôn giáo, xóa bỏ bất bình đẳng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Nhất trí với đề xuất của phía Việt Nam, Chủ tịch Viện ISSH Ahmad Najib Burhani cho rằng, thời gian tới, có nhiều vấn đề mà hai bên có thể hợp tác với nhau như phát triển giá trị con người, phát triển kinh tế, an ninh quốc gia, nhất là an ninh hàng hải...
Theo ông Ahmad Najib Burhani, hai bên có thể bắt đầu hợp tác từ những dự án nhỏ hoặc vấn đề nghiên cứu cụ thể, trước khi triển khai các dự án nghiên cứu lớn hơn. Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh bày tỏ hy vọng hai bên có thêm nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi ở nhiều cấp khác nhau tại Indonesia cũng như ở Việt Nam, nhằm từng bước đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học song phương.